Cái chết của hai phụ nữ và hồi chuông cảnh báo cho nước Nhật quá chăm chỉ

06/10/2017 - 06:34

PNO - Cái chết đau lòng của nhân viên truyền thông Nhật Miwa Sado sau khi làm thêm đến 159 giờ trong một tháng, đã làm nóng lại vấn đề đặc trưng mang màu sắc riêng của người Nhật: “Chết do làm việc quá sức”.

Sự ra đi của Sado dồn thêm áp lực lên vai nhà chức trách trong việc giải quyết những cái chết khi làm việc ngày càng gia tăng, sau khi các thanh tra lao động xác định cái chết của nữ nhân viên 31 tuổi thuộc kênh truyền hình NHK là do làm việc quá sức.

Miwa Sado là nhân viên tại trụ sở của NHK ở Tokyo, cô đã chết do suy tim tháng 7/2013 sau khi làm thêm 159 giờ, và chỉ nghỉ 2 ngày trong một tháng.

Cai chet cua hai phu nu va hoi chuong canh bao cho nuoc Nhat qua cham chi
Phóng viên NHK Miwa Sado chết vì làm việc quá sức (karoshi) - Ảnh: ANN News

Một văn phòng tiêu chuẩn lao động ở Tokyo sau đó xác định cái chết của Sado là karoshi ("quá lao tử" - chết vì làm việc quá sức), tuy nhiên trường hợp của cô mãi đến tuần này mới được công ty cũ của cô công bố.

Thông báo muộn mằn về cái chết của Miwa Sado được đưa ra một năm sau cái chết của Matsuri Takahashi, một nữ nhân viên 24 tuổi ở công ty quảng cáo Dentsu.

Cái chết của Matsuri Takahashi từng dấy lên một cuộc tranh luận toàn quốc, về thái độ của Nhật Bản đối với sự cân bằng việc làm-cuộc sống và kêu gọi hạn chế làm thêm giờ.

Takahashi tự tử vào tháng 4/2015. Các quan chức tiêu chuẩn lao động phán quyết rằng cái chết của cô là do căng thẳng vì làm việc kéo dài nhiều giờ. Nhiều tháng trước khi chết, Takahashi đã làm thêm mỗi tháng hơn 100 giờ.

Cai chet cua hai phu nu va hoi chuong canh bao cho nuoc Nhat qua cham chi
Nhiều tháng trước khi chết, Takahashi đã làm thêm mỗi tháng hơn 100 giờ - Ảnh: Asahi

Mấy tuần trước khi cô quyên sinh vào ngày Giáng sinh năm 2015, Takahashi đăng lên trang mạng xã hội dòng chữ "Tôi muốn chết". Một thông điệp khác viết: "Tôi bị tan nát về thể xác và tinh thần".

Cái chết của Takahashi buộc Thủ tướng Shinzo Abe phải giải quyết vấn đề các công ty thường buộc nhân viên phải bỏ ra nhiều giờ để chứng minh sự mẫn cán của họ, ngay cả khi có ít bằng chứng cho thấy điều này cải thiện năng suất làm việc.

Chính phủ đề xuất khống chế số giờ làm thêm mỗi tháng không quá 100 giờ, và đưa ra chế tài đối với các công ty cho phép nhân viên làm thêm vượt quá mức trần này.

Trong sách trắng đầu tiên về karoshi phát hành năm 2016, chính phủ Nhật cho biết cứ 5 nhân viên thì một người có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức.

Cai chet cua hai phu nu va hoi chuong canh bao cho nuoc Nhat qua cham chi
Phụ nữ ngủ gục trên phương tiện giao thông công cộng ở Nhật Bản - Ảnh: Business Insider

Cũng theo sách trắng, hơn 2.000 người Nhật đã tự sát vì căng thẳng trong năm tính tới tháng 3/2016, trong khi hàng chục nạn nhân khác chết vì cơn đau tim, đột quỵ và các căn bệnh khác do làm việc quá sức.

Sách trắng cho hay, 22,7% các công ty được hỏi ý kiến ​​từ tháng 12/2015 đến tháng 1/2016, cho biết một số nhân viên của họ làm việc thêm 80 giờ mỗi tháng - mức độ bắt đầu gây nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khoẻ.

Nghiên cứu cũng cho thấy các nhân viên người Nhật làm việc nhiều giờ hơn đáng kể so với các đối tác ở Mỹ, Anh và các nước phát triển khác.

Cai chet cua hai phu nu va hoi chuong canh bao cho nuoc Nhat qua cham chi
Lao động thời gian kéo dài là nguyên nhân gây ra những cái chết "karoshi" - Ảnh: Getty Images

Theo Bộ Y tế, nhân viên người Nhật chỉ sử dụng trung bình 8,8 ngày nghỉ phép năm trong năm 2015, chưa đến 50% số ngày phép họ được hưởng. Con số này ở Hong Kong là 100% và ở Singapore là 78%.

Sado là một phóng viên chính trị, cô đưa tin các cuộc bầu cử hội đồng Tokyo và các cuộc bầu cử thượng viện trong tháng 6 và tháng 7 năm 2013. Cô qua đời chỉ ba ngày sau cuộc bầu cử thượng viện.

Một quan chức cao cấp trong ban tin tức của NHK, ông Masahiko Yamauchi, thừa nhận cái chết của Sado phản ánh một "vấn đề đối với toàn bộ tổ chức của chúng tôi, bao gồm cả hệ thống lao động và cách thức đưa tin bầu cử".

Cai chet cua hai phu nu va hoi chuong canh bao cho nuoc Nhat qua cham chi
Các nhân viên người Nhật làm việc nhiều giờ hơn đáng kể so với các đối tác ở Mỹ, Anh và các nước phát triển khác - Ảnh: Getty Images

Ông Yamauchi cũng cho biết NHK đã phải chờ đợi ba năm để công khai cái chết của Sado vì tôn trọng gia đình cô.

Trong một tuyên bố thông qua NHK, cha mẹ của Sado nói: "Ngay cả ngày hôm nay, sau bốn năm, chúng tôi vẫn không thể chấp nhận cái chết của con gái chúng tôi là sự thật. Chúng tôi hy vọng rằng nỗi buồn của một gia đình mất mát sẽ không bị phí uổng".

Hoàng Diệu (Theo Guardian, Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI