PNO - Hiện Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã tiến hành các bước pháp lý với đại diện phía bị hại là mẹ và bác ruột (anh của mẹ) bé V.A. để đòi lại công bằng cho bé, tuy nhiên, vẫn có rất nhiều vấn đề liên quan đến sự việc cần được làm rõ, cũng như nhận thức đúng và đủ.
Sáng 28/12, Công an Q.Bình Thạnh, TPHCM ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, quê Gia Lai) để điều tra về cái chết của bé N.T.V.A. (8 tuổi, sống tại chung cư Saigon Pearl, P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM). Nghi phạm đã bị khởi tố, bắt tạm giam, tuy nhiên, nhiều người cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của ông N.K.T.T., bố của bé V.A.
Theo lời khai của bị can Trang cũng như thương tích trên người cháu bé, việc bạo hành này đã diễn ra một thời gian dài. Hiện vẫn chưa rõ ông T.T. có tham gia bạo hành bé V.A. hay không, nhưng theo cơ quan điều tra, bước đầu ông thừa nhận biết bé bị đánh đập thời gian qua. Thậm chí, sau khi đặt mua roi mây trên mạng để đánh cháu và roi bị gãy, Trang chuyển sang đánh cháu bằng cây gỗ và ông T.T. biết những điều này. Ngoài ra, theo lời của người dân sống xung quanh, ông T.T. còn viện lý do “đây là chuyện nội bộ gia đình” sau khi một số người thông báo sự việc cháu V.A. bị bạo hành đến ban quản lý chung cư.
Nhận định về sự việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), cho biết vẫn phải chờ cơ quan điều tra làm rõ vai trò của ông N.K.T.T. trong vụ việc. Tuy nhiên, trong trường hợp ông này biết đối tượng Trang đánh đập con nhưng không can ngăn mà lại còn giúp sức, xúi giục thì sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm. Ngoài ra, theo một số luật sư, trong trường hợp ông T.T. không tham gia bạo hành hoặc xúi giục bị can Trang bạo hành bé V.A., ông vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại điều 390 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phía sau những cuộc bạo hành
Dẫu kẻ gây ác có đền tội ở mức nào, bé V.A. cũng không còn nữa. Nụ cười thiên thần của con trên di ảnh ám ảnh bất kỳ ai, khiến chúng ta phải tự vấn nhau rằng chúng ta có “vô can” không, trước những trường hợp bạo hành đang diễn ra xung quanh?
Trước khi V.A. được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng thở, hàng xóm của V.A. đã nghe tiếng con kêu khóc vì bị đánh đập mỗi ngày, kéo dài cả năm. “Nhiều lắm, ngày cũng có mà đêm cũng có”, một hàng xóm kể. Hàng xóm biết, ban quản lý chung cư cũng biết, họ đau xót nhưng sau khi đau xót, họ… thôi. Tất cả đứng ngoài cuộc với lý do “để người ta dạy con”.
Trước bé V.A., một đứa trẻ ba tuổi ở Hà Nội cũng qua đời do bị mẹ và cha dượng bạo hành. Trước đó nữa, một em đã tự giải thoát trong tình trạng toàn thân biến dạng vì bị bố và mẹ kế đánh đập nhiều ngày… Còn biết bao đứa trẻ khác, vì thương tích chưa trầm trọng, vì sự việc chưa bị phát hiện nên ngày ngày vẫn chịu cảnh đòn roi tàn bạo. Nếu tự hỏi bản thân, chúng ta sẽ thấy không dưới một lần trong đời phải phớt lờ tình trạng bạo lực diễn ra trước mắt - với trẻ em, phụ nữ, người già… - chỉ bởi đó là “việc gia đình họ”. Nhưng, từ bao giờ, “việc riêng của gia đình” lại đồng nghĩa với một ai đó dùng bạo lực với người khác? Từ khi nào, chúng ta quay đi trước những kẻ trừng mắt: “Chuyện nhà tôi, liên quan gì đến các người”, khiến các nạn nhân không thể cất tiếng kêu cứu…
Buổi tưởng niệm bé V.A. ngay tại chung cư bé ở - Ảnh: Internet
Có nhiều kênh bảo vệ trẻ, nhưng…
Ngoài Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á tham gia (năm 1990), có hẳn một hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ em, là Luật Trẻ em được ban hành năm 2016 với Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc (điều 27); có Cục Trẻ em (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tổ chức xã hội Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam… để trẻ có thể tìm đến bất cứ lúc nào. Nhưng đa số trẻ không biết rằng, khi bị xâm phạm, các con chỉ cần nhấc điện thoại bấm 111 (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em), các con sẽ được cất tiếng nói…
Dĩ nhiên, hiểu biết và lòng tin và hai thứ khác nhau. Trước khi để các con nhận thức được quyền của mình, các con cần tin tưởng rằng mình sẽ được an toàn, được bảo vệ. Sự cố gắng của chúng sẽ có kết quả khi gõ cửa cơ quan bảo vệ chúng. Sự tin tưởng ấy phải đến từ thực tế, bắt đầu từ chính mỗi người lớn xung quanh, không phải từ những điều khoản luật hay các bài học lý thuyết.
Ở các nước tiên tiến, trẻ em bất kể lúc nào cũng đều có thể yên tâm gọi đến các tổng đài bảo vệ khẩn cấp, và ngay sau cuộc gọi là sự có mặt tức thì của lực lượng chức năng. Sự có mặt ấy không chỉ có tính “giải nguy” tức thời, mà xuyên suốt và lâu dài; đối tượng bị phản ánh sẽ được ghi tên vào danh sách cần giám sát…
Theo UNICEF, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc. Và, vì kỷ luật mang tính bạo lực vẫn được xã hội chấp nhận, nên trẻ em hiểu biết hạn chế về quyền của mình, từ đó không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra.
Để đừng có thêm bất kỳ đứa trẻ bất hạnh nào phải chết tức tưởi, oan ức, người lớn phải nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình, để thấy bản thân cũng có lỗi trước nạn bạo hành trẻ em hiện diện khắp nơi. Chính người lớn chứ không phải các bé, là đối tượng đầu tiên cần nhận thức được thông điệp của UNICEF: Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bị bạo hành, dù bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi đó như thế nào.