Cải cách tiền lương là cần thiết nhưng phải tính tới kiểm soát lạm phát

25/10/2023 - 06:05

PNO - Sáng 24/10, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã có phiên thảo luận tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó vấn đề tăng lương, đảm bảo đời sống người lao động được đặc biệt quan tâm.

“Thu nhập như vậy làm sao đủ sống?”

Dẫn báo cáo của Chính phủ, chỉ số lạm phát (CPI) trung bình 9 tháng đầu năm tăng 3,16%. ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM - cho rằng, đây là con số không cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của người lao động tại các đô thị lớn thì tiền lương chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu hằng ngày vẫn không đảm bảo trang trải. Bà cho rằng, có thể cách đánh giá chỉ số CPI của Chính phủ dựa trên các mặt hàng chưa phù hợp với đời sống hằng ngày của người dân.

Đại biểu quốc hội cho rằng khi cải cách tiền lương cho người lao động, cần quan tâm tới kiềm chế lạm phát. Trong ảnh: Công nhân của Công ty cổ phần Sài Gòn Food (TPHCM) - ẢNH: THANH HOA
Đại biểu quốc hội cho rằng khi cải cách tiền lương cho người lao động, cần quan tâm tới kiềm chế lạm phát. Trong ảnh: Công nhân của Công ty cổ phần Sài Gòn Food (TPHCM) - Ảnh: Thanh Hoa

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM nêu thực trạng tại thành phố, theo báo cáo 6 tháng đầu năm, nhiều lao động không đủ sống bằng lương. Nếu không có việc trong 3 tháng, họ phải về quê kiếm kế sinh nhai chứ không thể bám trụ ở thành phố. Vì vậy, hiện tại, khi một số doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, thì không có người lao động, vì họ về quê và không quay lại.

Từ thực trạng trên, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy đề nghị, Chính phủ cần sớm tăng lương cho người lao động ở khu vực Nhà nước, đồng thời điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Bà nhấn mạnh, tại TPHCM, cán bộ công chức có thể cầm cự được do có cơ chế đặc thù, ngoài lương còn có các thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, với nhóm công chức ở nhiều tỉnh, thành và các ngành khác, mức lương hiện tại khó có thể đảm bảo đời sống.

Cùng mối quan tâm trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trăn trở, một kỹ sư mới ra trường nhận mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, thu nhập như vậy làm sao đủ sống! Ông đề nghị thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương và mong Quốc hội ủng hộ chủ trương này. Bộ trưởng phân tích, thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh lương, nhưng thực chất mức tăng này chỉ đủ để bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương. Tới nay đã là thời điểm chín muồi, chúng ta đã 3 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức và không thể khất lần thêm.

Tại khu vực công, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quan trọng nhất là xóa bỏ mức lương cơ sở, trả lương theo vị trí việc làm. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp, điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác. “Từ ngày 1/7/2024, nếu bỏ lương cơ sở thì người nghỉ hưu giải quyết thế nào, có được cải cách tiền lương hay không, nếu có thì mức bao nhiêu? Nếu không nâng thì vô hình trung, họ sẽ bị tụt lại phía sau” - ông băn khoăn.

Cải cách tiền lương đảm bảo đồng bộ, công bằng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thông qua đề án cải cách tiền lương. Đây là “điểm nhấn” mang tính thời sự và lịch sử, tạo ra một tâm trạng xã hội phấn khởi. Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, cải cách chính sách tiền lương không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao đời sống của người hưởng lương mà còn hướng tới thực hiện mục tiêu quan trọng là nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách tiền lương cũng được xem là một động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cơ cấu và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp lại đầu mối tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Phân tích cụ thể những điểm mới trong cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra, thu nhập của người lao động xác định và trả theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo, quản lý. Cách tính này thay thế hoàn toàn bảng lương theo hệ số lương đã tồn tại từ năm 2004. Bà cho rằng, từ khi thành lập nước đến nay đã trải qua 4 lần cải cách nhưng lần cải cách này đồng bộ, toàn diện, căn bản hơn cả.

Tuy nhiên, theo bà Trà, khi áp dụng cách tính lương mới, có khoảng 36 loại hình đơn vị, ngành không còn được hưởng lương đặc thù. Như vậy, sẽ có những cơ quan, bảng lương có thể giảm sút khoảng 50%. Dù vậy, theo bà, điều này hướng tới sự công bằng cho tất cả những người được hưởng lương công chức, viên chức.

Hiện nay, Chính phủ đã thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương 560.000 tỉ đồng, đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026. Sau giai đoạn này, bà Trà lo lắng, nếu không nỗ lực thì sẽ khó có thể tiếp tục thực hiện. Vì vậy, để cải cách tiền lương bền vững, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, phải tăng thu, tiết kiệm chi, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, có thêm nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương.

Liên quan tới vấn đề này, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) đánh giá, đề án cải cách tiền lương của Chính phủ là một điểm nhấn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023, có 31% các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi vấn đề giá cả tăng cao. Bà lưu ý, khi cải cách tiền lương, cần quan tâm tới kiềm chế lạm phát. Bởi mỗi lần điều chỉnh lương lại có những tác động tiêu cực tới kiểm soát lạm phát, giá cả tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Bà cũng lưu ý, cần có phương án để khi không còn các khoản phụ cấp thì không ảnh hưởng tới thu nhập của các đối tượng đang hưởng chính sách lương này. 

Không thể để giáo dục, y tế “tự bơi”

Chia sẻ tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TPHCM) băn khoăn về chính sách tiền lương của Nhà nước với đối tượng giáo viên. Ông cho rằng, do mức lương không đảm bảo dẫn tới tình trạng dạy thêm, học thêm còn tràn lan, gây ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, Chính phủ cần cải thiện đời sống của đội ngũ giáo viên bằng các biện pháp mang tính mệnh lệnh. Bởi, để phát triển kinh tế xã hội, con người đóng vai trò cốt lõi. Hệ thống giáo dục cần được đầu tư để tạo ra nguồn lao động chất lượng cao. 

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng cho rằng, y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực đảm bảo an sinh, xã hội nên Nhà nước cần tiếp tục đầu tư. Thời gian qua, chúng ta đã có các hoạt động xã hội hóa nhưng không có nghĩa là Nhà nước giảm đầu tư mà cần phải tiến hành song song. Bà nhấn mạnh, nếu để các bệnh viện, cơ sở giáo dục “tự bơi”, thì có thể dẫn tới tình trạng “ai có tiền mới được khám chữa bệnh tốt, ai có tiền mới cho con đi học đàng hoàng”.

Phân tích tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) nêu, phải xác định trách nhiệm của Nhà nước cho y tế, giáo dục, đã đến lúc phải tổ chức hội thảo quốc gia về vấn đề này. Quan điểm của ông là không thể giao hết cho xã hội hóa mà Nhà nước phải tăng đầu tư hằng năm. Thực tế cho thấy, nước nào giảm đầu tư cho 2 lĩnh vực này thì sẽ gặp khó khăn. Ông Nhân dẫn chứng: Nhật Bản đang có năng suất lao động ở mức thấp nhất trong 50 năm. Một trong những nguyên nhân là đầu tư cho khoa học, giáo dục của nước này không tăng trong suốt 30 năm qua. 

Từ bài học lớn trong đại dịch COVID-19, biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 đã khiến đất nước chịu tác động cả về kinh tế - xã hội, nhiều người dân thiệt mạng, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đúc kết, phải đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế, công tác dự báo, y tế dự phòng. Bởi, chúng ta chưa biết tới đây sẽ còn phải đương đầu với đại dịch gì, căn bệnh nào như COVID-19.

Ông dẫn đánh giá của đoàn y tế của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), theo đó, đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam có tay nghề cao, nếu được đầu tư thêm trang thiết bị y tế thì Việt Nam không chỉ nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân mà còn là “điểm đến” của các nước trong khu vực.

Cũng liên quan tới lĩnh vực này, nhiều ĐBQH của TPHCM đã đề xuất đầu tư sớm trung tâm xạ trị proton để điều trị bệnh ung thư tại Hà Nội và TPHCM. Bởi đây là phương pháp điều trị hiện đại, tiến bộ, đạt hiệu quả cao và được ứng dụng tại nhiều quốc gia, song Việt Nam hiện vẫn chưa có.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI