Cải cách giáo dục: Làm sao để học sinh có năng lực dùng kiến thức

12/11/2018 - 08:35

PNO - Tại sao những đứa trẻ phải được dạy cách giải phương trình bậc hai? Trừ phi chương trình bậc hai phù hợp với một chương trình giảng dạy được kết nối, còn không, dĩ nhiên chẳng có lý do gì bắt trẻ phải học.

Theo dõi diễn biến những phiên họp của Quốc hội bàn về việc sửa đổi Luật Giáo dục gần đây, có thể thấy các đại biểu vẫn đang loay hoay đi tìm một triết lý giáo dục. Những tư tưởng của nhà giáo dục học Anh AlFred North Whitehead, người có kinh nghiệm giảng dạy tại Đại học London và Harvard, đồng thời có nhiều nghiên cứu về mục tiêu thực hành giáo dục, có thể sẽ giúp định hướng tốt hơn cho cải cách giáo dục ở nước ta.

Giáo dục phổ thông: tránh những ý tưởng trơ ì

Ngay từ những bước đầu tiên của giáo dục, đứa trẻ phải cảm thấy vui và giúp nó hiểu về những sự kiện, câu chuyện đi qua đời mình. Nhưng nhìn sơ qua một bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa, chúng ta không khỏi lo lắng vì trẻ em đang được học những thứ mà nó chưa từng biết đến.

Học sinh đang học về ô nhiễm môi trường nhưng hoàn toàn không được thấy những đống rác hay vết dầu loang. Hay các em đang học về “sọ dừa” nhưng lại không hình dung được nhân vật này có hình dáng thế nào. Điều này khiến đứa trẻ đi học hoàn toàn không có niềm vui, thậm chí còn sợ học. 

Một bộ sách giáo khoa trước khi ra đời đã cần nhiều năm đúc kết kinh nghiệm lẫn tri thức. Nghĩa là đã có phần lạc hậu trước khi ra đời, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng qua mấy chục năm nữa mà không có bộ sách nào thay thế. Giáo viên thì than thở: dạy theo khung chương trình đã không kịp giờ, làm sao có đủ thời gian để sáng tạo thêm. Trong khi đó, người ra đề thi lại không phải là giáo viên trực tiếp giảng dạy, mà là một nhóm người thẩm định bên ngoài, nên mới có hiện tượng “trúng tủ” hoặc “lệch tủ”.

Cai cach giao duc: Lam sao de hoc sinh co nang luc dung kien thuc
Từ bước đầu tiên của giáo dục, học sinh phải cảm thấy vui và việc học giúp trẻ hiểu những sự kiện đi qua đời mình

Trong một cuộc khảo sát học sinh tiểu học cho một dự án của mình, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập Tomato children's Home, đã đặt ra câu hỏi: “Điều con quan tâm nhất và mong muốn hiện nay là gì?” Đa số các em cho biết, muốn được học ít đi hoặc không phải đi học nữa.

Quả thật, khi những “ý tưởng trơ ì” - là những ý tưởng được nhồi nhét vào tâm trí mà không được sử dụng, không có sinh khí, cũng không được kết hợp một cách mới mẻ, chẳng những không có ích, mà còn có hại. Chẳng hạn như môn đại số, theo Whitehead, là một ví dụ về tính vô dụng của cải cách giáo dục nhưng không quan niệm rõ ràng về những thuộc tính mà các nhà giáo dục muốn khơi dậy trong tâm trí trẻ em. Trong môn học này, mọi thứ đều được đưa vào, cả các phương trình bậc hai và các đồ thị.

“Tại sao những đứa trẻ phải được dạy cách giải phương trình bậc hai? Trừ phi phương trình bậc hai phù hợp với một chương trình giảng dạy được kết nối, còn không, dĩ nhiên chẳng có lý do gì bắt trẻ phải học. Hơn nữa, dù bao quát như vị trí vốn có của toán học trong một nền văn hóa trọn vẹn, tôi vẫn hoài nghi rằng các bài giải đại số cho phương trình bậc hai phải chăng nằm trong khía cạnh chuyên môn của toán học”.

Còn về đồ thị trong toán học, ông cho rằng: “Bây giờ, trong bài thi đều có một hoặc hai câu về đồ thị, nhưng đằng sau các đồ thị ấy, chẳng có bất kỳ loại ý tưởng nào, trừ chính những cái đồ thị. Tôi là người ủng hộ đồ thị, nhưng tôi băn khoăn không biết chúng ta thu hoạch được hiệu quả gì đáng kể từ nó”.

Về cải cách giáo dục phổ thông, theo Whitehead, là không dạy quá nhiều nhưng phải thấu đáo. Các nhà cải cách cần quyết định xem trong những khía cạnh định lượng của thế giới, trong đó có đại số học, cái nào đủ đơn giản để đưa vào giáo dục phổ thông. Sau đó phải cơ cấu một chương trình đại số mà nó phải tìm được sự minh họa trong các ứng dụng. 

Những đường biểu diễn của lịch sử sẽ sống động và dễ nhớ hơn danh sách liệt kê một cách khô khan ngày tháng, tên tuổi mà học sinh phải học thuộc lòng mỗi ngày...

Ngoài ra, giáo viên cần được đào tạo về “giáo dục cảm xúc” và phương pháp sáng tạo trong giáo dục. Bởi hơn ai hết, giáo viên mới chính là người trực tiếp giảng dạy cho học sinh. Người mang lại niềm vui, hạnh phúc và niềm yêu thích sự học không ai khác chính là giáo viên.

Giáo dục đại học: kết nối tri thức và niềm vui sống

“Giáo dục là sự thủ đắc nghệ thuật sử dụng kiến thức”. Câu nói này của Whitehead đã cho thấy một triết lý lớn: giáo dục không thể tách rời khỏi thực hành và văn hóa. 

“Văn hóa là hoạt động của tư tưởng, sự cảm nhận về cái đẹp và tình cảm con người, chứ không chỉ nắm bắt thông tin một cách rời rạc”. Có thể thấy, trường đại học nếu chỉ thuần cung cấp thông tin hoặc dạy nghề, thì có lẽ sự tồn tại của trường đại học không cần thiết. Trong thời đại mà thông tin có mặt mọi lúc, mọi nơi, sách thì rẻ, hệ thống dạy nghề cũng không hiếm hoi thì đại học phải làm được nhiều hơn thế. 

Trí tưởng tượng cho phép con người kiến tạo tầm nhìn về một thế giới mới và duy trì niềm vui sống bằng việc tiến từng bước đến mục tiêu của mình. Trí tưởng tượng ở giới trẻ vốn rất phong phú, nếu được củng cố thêm thì năng lượng này sẽ được duy trì ở phần lớn cuộc đời. Những người giàu tưởng tượng mà kinh nghiệm sơ sài thì dễ thất bại, còn người nhiều kinh nghiệm lại không có trí tưởng tượng thì sẽ không kiến tạo được tầm nhìn lớn. Nhiệm vụ của trường đại học là kết nối được trí tưởng tượng với kinh nghiệm.

Vì vậy, theo AlFred North Whitehead, cách thức mà một trường đại học vận hành nhằm chuẩn bị cho sự nghiệp trí tuệ và sinh viên sẽ học về kỹ thuật với những tưởng tượng đã được thực hành trong việc kết nối với những nguyên tắc tổng quát. Và “một trường đại học thì giàu tưởng tượng hoặc không có tính hữu dụng”.

Nhưng trí tưởng tượng lại chỉ được truyền đạt qua các giảng viên có trí tưởng tượng, chứ không chỉ cung cấp kiến thức, kinh nghiệm đơn thuần. Sự kết nối giữa trí tưởng tượng với kiến thức thông thường đòi hỏi có sự tự do nhất định. Điều kiện để có hai điều này chính là tự chủ đại học đúng nghĩa.

Đó không chỉ là tự chủ về tài chính, nhân lực, phương pháp giảng dạy mà còn tự chủ về mục tiêu giáo dục để đào tạo ra những nhân lực chất lượng. Tuy nhiên, không thể biến trường đại học thành doanh nghiệp. Vì việc quản trị một trường đại học không giống như một tổ chức kinh doanh. Bởi vì, mục tiêu của đại học là chất lượng nguồn nhân lực chứ không phải lợi nhuận.

Những người trong hội đồng trường phải khích lệ lẫn nhau, đồng lòng, nhiệt tâm cho chất lượng giáo dục. Và đầu ra không nhất thiết đánh giá bằng sức nặng của con chữ mà bằng sức nặng của tư tưởng, của trí tưởng tượng. Đó chính là ngọn đuốc được truyền qua nhiều thế hệ của các trường đại học uy tín phương Tây. Nó cũng là cội nguồn của sự hưng thịnh quốc gia và sự lâu bền của nền văn hóa. 

Có lẽ, tác giả Whitehead đã khái quát được đặc điểm thường thấy của các nền giáo dục Đông Tây kim cổ khi cho rằng “giáo dục trong quá khứ đã bị những ý tưởng trơ ì tiêm nhiễm tới tận rễ”. Bởi vì có nền giáo dục nào mà dễ dàng tránh được nguy cơ coi trí tuệ là dụng cụ cần được mài giũa hay là kho chứa những khối tri thức được phân loại ngăn nắp?

Có thầy giáo nào mà không ít nhiều tự cho mình có sứ mạng, trách nhiệm và quyền lực đưa người học vào khuôn khổ kỷ luật, lấy quyển sách giáo khoa và bắt học sinh học nó, hay “bơm vào đầu óc của học sinh một lượng kiến thức trơ ì nào đó”? Để làm gì ư? Câu trả lời “truyền thống” là phải mài sắc trí tuệ trước khi sử dụng nó.

Vậy học cho biết cách giải phương trình bậc hai, thậm chí biết tiểu sử một nhà văn, nhà thơ sống trước mình nhiều thế kỷ, thuộc nằm lòng một đoạn thơ hoặc chiến công của các vị anh hùng cứu nước... đều có thể được coi là rèn trí tuệ hay “trang bị” tri thức hữu dụng… sau này, không biết là chừng nào. Chính những hiểu biết rời rạc mà người học phải thụ động tiếp nhận đó, Whitehead gọi chúng là ý tưởng trơ ì... 

Whitehead cho rằng: “giáo dục là sự sở đắc nghệ thuật sử dụng tri thức” càng trái ngược với nhiều tín đồ ăn sâu. Trình độ học thức không đo ở khối lượng kiến thức, mà ở năng lực, nghệ thuật dùng kiến thức đó trong cuộc sống. Người học không phải là cái bình chứa để người dạy rót vô, hay một búp măng cần ra sức uốn sao cho thẳng theo khuôn mẫu, mà là một tư duy độc lập, tự do”.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI