Cái bếp của ai?

16/01/2018 - 10:16

PNO - Không thể đào tạo một người đàn bà toàn tâm toàn ý với bếp núc được đâu, khi họ không đứng trong căn bếp thuộc về họ...

Gia đình mình neo người, nên từ lúc sinh đứa con thứ hai tới giờ, trong nhà luôn cần có người giúp việc. Trước là phụ chăm trẻ con, dọn dẹp, nấu ăn. Sau này, khi bọn nhóc đã tới tuổi đi học, thì việc chính của osin (xin được tạm gọi như thế cho gọn nhé) thường là cơm nước, quán xuyến nhà cửa bếp núc giùm mình. Thế nhưng, giao phó căn bếp cho người làm cũng là cả một vấn đề…

Mình từng có dịp may mắn thuê được osin biết nấu ăn và nấu khá ngon, nhưng lại chỉ khăng khăng nấu những món... osin thích. Kiểu như dặn làm món thịt ram mặn thì lại mang đi chiên muối xả vàng ruộm.

Cai bep cua ai?
Ảnh minh họa

Hoặc osin không thích ăn gì là quanh năm trong bếp chẳng hề thấy mặt món đấy, mặc kệ lũ trẻ cứ thèm thuồng nhắc nhớ mãi. Lại chỉ nêm nếm theo khẩu vị của osin. Còn chủ nhà và con cái chủ nhà có ăn mặn ăn chua được hay không, là chuyện của nhà chủ, để ý làm gì cho đời nặng nhọc!

Những cô osin tre trẻ chừng đôi mươi thì ôi thôi, miễn bình luận. Đến việc đơn giản nhất là luộc rau, luộc thịt còn hôm sống hôm nhão nhoét. Cơm thì bới ra tung tóe lam nham trên chén lẫn miệng nồi, đại khái thế. Cũng chớ nên đòi hỏi osin biết dọn dẹp quán xuyến căn bếp một cách sạch sẽ khoa học. Rau thịt mới mua thì cứ hồn nhiên ăn trước, cái gì cũ kỹ úa tàn hết hạn sử dụng thì mặc kệ nó, liên quan gì.

Cảnh đi làm về là phải lao vô cọ rửa bồn rửa chén, lau lại bàn ăn vì chúng quá dơ, là bình thường. Tấm áo mới mua được osin kỹ lưỡng ủi cháy quéo một góc, hay chiếc quần tây “ăn nói” đã trở nên phẳng lì không còn chút ly nào cũng rất dễ gặp.

Cuối tuần, đành phải dành thời gian để tự tay hút bụi phòng ngủ, chà nhà vệ sinh, chứ tin tưởng mà khoán việc cho osin là hỏng bét. Đôi lúc nhìn mâm cơm dọn lên tuầy huầy lem luốc hoặc thiếu ớt thiếu muỗng mà âm thầm tự hỏi, sau này, khi các cô ấy rời khỏi nhà mình để sống cuộc đời của chính họ, thì sẽ thế nào nhỉ?

Gần đây nhất, mình có một bà giúp việc đã chạm ngưỡng sáu mươi, nhưng còn khỏe mạnh. Bà vụng về, bề bộn, sở hữu những kỹ thuật nấu ăn siêu phàm. Ví như, cơm chiên có thể vón lại thành từng viên to tướng trên chảo như cơm nắm, thật vi diệu. Hủ tiếu xào thì bết thành mấy đám lùi nhùi mà nếu ai không biết, thật khó dám tin đấy từng là sợi hủ tiếu và giá hẹ. Trứng luộc luôn tiềm ẩn khả năng trở thành món trứng nướng thần thánh của vùng núi cao Tây bắc, nhé...

Mình cũng bỏ công tỉ mỉ huấn luyện osin nhiều, nhẹ nhàng có, gay gắt có, nhưng cuối cùng đành bó tay. Bỏ cuộc bởi sự chểnh mảng quên trước quên sau hoặc cố tình lười biếng bê bối của osin. Điều duy nhất nhận lại, chính là chân lý: không thể đào tạo một người đàn bà toàn tâm toàn ý với bếp núc được đâu, khi họ không đứng trong căn bếp thuộc về họ...

Cai bep cua ai?
Ảnh minh họa

Bếp của đàn bà, do một người đàn bà vun vén, làm chủ, có những thứ rau cỏ lành sạch gói trong giấy báo, nâng niu cẩn thận ở ngăn rau. Có tôm khô sông đỏ lừ cất trên ngăn đá, bên cạnh mấy quả sấu xanh trữ từ mùa cũ. Có hũ chao ngon, hộp cà ri bột chính hiệu mua từ chợ Bến Thành về, dành xào mực cho con gái lớn. Có nước tương Nhật, có bò viên nhà làm dành cho con trai nhỏ ăn sáng mỗi khi vội vàng...

Căn bếp ấy, hẳn phải do một người đàn ông lựa mua từng cây đèn vàng gắn lên trần, chọn từng viên gạch ốp nền hay màu sắc cái bàn bếp, rồi chẳng nề hà xắn tay áo mà chà rửa từng mớ gạch men trên tường cho trắng muốt. Bếp của yêu thương, của nồng đượm, của ấm áp, của tiếng trẻ thơ háo hức hỏi han rằng: Mẹ ơi, hôm nay chúng ta ăn gì đấy mẹ?

Bởi chỉ có mẹ chúng, dẫu không biết ăn lươn và sợ cả nhìn lẫn đụng chạm vào con vật trơn nhớt ấy, vẫn sẵn sàng cắn răng mua về và hì hụi chế biến món cháo ngọt lành để phục vụ con mình. Cũng chỉ có người đàn bà của gia đình, thuộc về gia đình mới để ý rằng, chồng mình ưa cá bống nhỏ kho tiêu, cho thêm cả ớt cả hành thơm nức, chứ không để mắt tới cá rán hay chả giò ngập dầu mỡ. Mới vừa tỉ mẩn lau dọn sắp xếp sao cho vừa ngăn nắp đẹp đẽ từng thứ vật dụng nhà bếp, rồi tranh thủ gọt dưa hấu ướp lạnh cho đám “gà nhà” đang đùa giỡn ngoài sân, rộn ràng.

Tất cả những điều ấy, làm sao một người giúp việc, dẫu được nhận lương cao, có thể "cảm" và tận tâm cho được. Nên đừng bao giờ trông mong hoặc chủ quan cho rằng, một osin giỏi giang thì có thể thay thế người đàn bà "chủ bếp", để thắp lên ngọn lửa hàng ngày thay cho mình...

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI