Cái bắt tay lịch sử
Tổng thống Donald Trump đã rời khách sạn để tới nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Theo đó, hai ông có cuộc gặp song phương, kéo dài 45 phút, bắt đầu vào lúc 9:15' sáng, giờ địa phương.
Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhân vật nổi tiếng nhất thế giới trong ngày hôm nay kéo dài 12 giây. Sau cái bắt tay "lịch sử", hai nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên có cuộc trao đổi nhanh trước báo giới.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông Kim Jong Un nói với ông Donald Trump: "Rất vui được gặp Ngài, Tổng thống". |
Tổng thống Donald Trump "dự đoán" rằng ngay từ khi hội nghị bắt đầu, ông có thể sẽ có "quan hệ rất tốt" với ông Kim Jong Un. "Chúng tôi sẽ có các cuộc thảo luận quan trọng và hy vọng hội nghị thành công rực rỡ".
Kim Jong Un nói rằng, để đến được bàn đàm phán ngày hôm nay, hai bên phải "vượt qua rất nhiều trở ngại". Hai nhà lãnh đạo vui vẻ bắt tay và bước vào phòng họp "mặt đối mặt" chỉ gồm ông Donald Trump, ông Kim Jong Un và phiên dịch viên.
Ngôn ngữ cử chỉ đặc biệt thân mật
Có thể nhận thấy Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong Un trao đổi ngôn ngữ cử chỉ khá thân mật. Ông Trump nâng nhẹ cánh tay của ông Kim ngay khi hai người bắt tay, kéo dài 12 giây và chỉ lối đi vào phòng họp.
Khi trao đổi trước báo giới, cả hai vị lãnh đạo mỉm cười và bắt tay thân thiện. Tổng thống Trump thậm chí còn ra dấu hiệu tích cực khi giơ ngón tay cái.
Khi dạo bước từ ban công về phòng họp kín, ông Trump đỡ tay vào lưng của ông Kim. Đáp lại, lãnh đạo Triều Tiên vui vẻ đặt tay lên cánh tay của Tổng thống Mỹ.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ ngón tay cái lên khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói rằng để tới được ngày hôm nay, họ đã phải vượt ra rất nhiều trở ngại |
Sự im lặng của ông Kim Jong Un
CNN đưa tin, ông Kim Jong Un không trả lời khi được hỏi liệu ông có từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump dự đoán, ông sẽ làm việc với ông Kim để giải quyết các bất đồng trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
"Chúng tôi sẽ cùng giải quyết vấn đề đó khi làm việc với nhau" - ông Trump nói ngay trước khi bước vào phiên họp mở rộng, rằng hai lãnh đạo sẽ "giải quyết một vấn đề rất lớn, một tình thế tiến thoái lưỡng nan".
Tờ Straits Times dẫn lời ông Kim Jong Un nói rằng, ông muốn “hợp tác chặt chẽ” với ông Donald Trump. Mặc dù điều này không ít thách thức, nhưng ông muốn làm điều này.
Sau cuộc gặp tay đôi, hai bên gặp nhau trong cuộc họp mở rộng bao gồm các thành viên của cả hai phái đoàn. Bên phía Mỹ có Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly.
Phái đoàn Triều Tiên tham dự cuộc họp song phương có nhà ngoại giao hàng đầu và Phó chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Triều Tiên Kim Yong Chol, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho và Phó chủ tịch BCH Trung ương đảng Ri Su Yong. Điều đặc biệt là trong phiên họp này không có sự tham dự của bà Kim Yo Jong, em gái của ông Kim Jong Un.
"Điều không tưởng" tại Singapore
Đi bộ trên hàng cột của khách sạn Capella, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói với Tổng thống Trump rằng, nhiều người trên khắp thế giới sẽ không tin những gì đang diễn ra tại Singapore. "Nhiều người trên thế giới sẽ nghĩ rằng đây là một điều không tưởng... từ một bộ phim khoa học viễn tưởng", ông Kim nói với ông Trump, thông qua lời người phiên dịch.
Báo chí Triều Tiên đưa tin tích cực và nhiều hình ảnh cuộc gặp lịch sử đang diễn ra ở Singapore. Người dân Triều Tiên tập trung theo dõi diễn biến hội nghị, họ phấn khởi thấy hình ảnh thân thiện của hai nhà lãnh đạo.
Jean H. Lee, chuyên gia về Triều Tiên của Trung tâm Wilson có trụ sở tại Mỹ, nói rằng cho dù sau cuộc gặp là gì, thì cái bắt tay của hai lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên vẫn mang tính lịch sử. Theo bà, cái bắt tay này có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Triều Tiên, vì là sự thừa nhận của Mỹ và đối xử của Tổng thống Trump với Triều Tiên “một cách bình đẳng”.
Trong một diễn biến liên quan, khi được hỏi về hội nghị thượng đỉnh Singapore, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nói rằng “đêm qua là một đêm ông không ngủ”. Ông Moon bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ thành công và mở ra một “chương mới”.
Thực đơn bữa trưa làm việc của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên
|
Phóng viên của tờ Washington Post cho hay, khi ngồi vào bàn tiệc để thảo luận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un về vấn đề hạt nhân, Tổng thống Donald Trump hỏi các phóng viên liệu họ có chụp được những "bức ảnh đẹp" khiến mọi người trông "đẹp trai, thon gọn và hoàn hảo" hay chưa. |
Thực đơn bữa trưa của hai nhà lãnh đạo là sự phối hợp các món ăn phương Đông và phương Tây, có cả thịt heo chua ngọt, sườn bò, tôm và kem.
Tổng cộng có 14 người của hai phái đoàn tham dự bữa trưa làm việc, trong đó có cả hai “trưởng đoàn” – Donald Trump và Kim Jong Un.
Phía Mỹ, ngoài Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, còn có Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders, Đại sứ Mỹ ở Philippines Sung Kim và Phó Trợ lý Tổng thống về các vấn đề châu Á Matthew Pottinger.
Phía Triều Tiên tham gia bữa trưa làm việc có hai Phó chủ tịch BCH Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol và Ri Su Yong, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho, Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui, Bộ trưởng Quốc phòng No Kwang Chol, em gái ông Kim, bà Kim Yo Jong, và giám đốc BCH Trung ương Đảng lao động Triều Tiên Han Kwang Sang.
Bên chiếc bàn lịch sử
|
Chiếc bàn lịch sử có tuổi đời 80 năm được cho là nơi mà ông Donald Trump và Kim Jong Un sẽ tiến hành cuộc gặp mặt đối mặt. |
Cuộc gặp mở rộng bắt đầu lúc 10 giờ, bao gồm thành viên của cả hai phái đoàn. Hai nhà lãnh đạo sẽ có thảo luận khi dùng chung bữa trưa vào lúc 11:30.
Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ trả lời phỏng vấn báo chí lúc 4 giờ chiều trước khi rời Singapore từ căn cứ không quân Paya Lebar. Trong khi đó báo chí được cho biết ông Kim Jong Un sẽ rời Singapore lúc 2 giờ chiều.
Từ lúc 4:27' sáng 12/6, Tổng thống Trump gửi tin nhắn Twitter: “Cuộc gặp giữa các quan chức và đại diện diễn ra tốt đẹp và nhanh chóng. Cuối cùng không có vấn đề gì. Chúng ta sẽ sớm biết thỏa thuận thực tế sẽ có hay không, không giống như trước kia!"
Bình luận viên quốc tế CNN Christiane Amanpour hôm 11/6 dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, ông nghĩ rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un “muốn đi theo con đường mới”.
|
An ninh thắt chặt trước thềm hội nghị để đảm bảo an toàn cho các yếu nhân. |
|
Báo chí thế giới quy tụ về để đưa tin hội nghị. |
Việt Hưng (Tổng hợp)