Những món đồ có giá trị như quần áo, mùng mền, dầu gió hay sữa, mì gói, bánh... được các “đầu nậu” thu mua tại chỗ với giá rẻ mạt. Ngày hôm sau, quà từ thiện sẽ ra chợ, vào tiệm tạp hóa.
|
Đến gần 0g, thức ăn là thứ thừa mứa ít ai thèm nhận |
Những hộp cơm bị vứt bỏ
21g30 ngày 18/12, ở góc đường Ba Tháng Hai gần vòng xoay Công trường Dân Chủ, xuất hiện một nhóm bạn nữ trẻ đi trên ba xe tay ga, chở đầy các hộp nhựa chứa thức ăn. Do đây là lượt quà đầu tiên trong đêm nên ai cũng háo hức chạy ra đón lấy. Bạn nữ ngồi sau xe máy phát cho mỗi người một ổ bánh mì và một chiếc khăn lạnh.
Bà Thệ nhận xong hộp thức ăn thì quay ra ngay, nhác thấy tôi đang đứng sát sau lưng, liền bỏ nhỏ “bò kho, ngon đó mày” rồi chạy lại chiếc xe đạp đậu sau tủ điện cách đó chừng 10m, cất hộp thức ăn. Khi chúng tôi còn loay hoay tìm cách tiến lên nhận hộp thức ăn thì đã thấy bà Thệ đứng ngay bên cạnh chuẩn bị nhận lượt hai. Chúng tôi lại bị dạt về phía sau, gần 15 người đang lao xao phía trước.
Lúc chúng tôi cầm được chiếc bánh mì trên tay cũng là lúc người phát quà thông báo: “Hết rồi”. Hai cô gái trong nhóm phát cơm đứng quan sát cảnh chen lấn, nhìn chúng tôi với ánh mắt buồn bã, rồi gọi nhóm bạn: “Thôi mình về”.
|
“Đầu trọc” trút gần chục hộp cơm vào một chiếc bao lớn đem về cho... động vật |
Đưa tay xé chiếc khăn lạnh chùi lớp mỡ ánh vàng trên khóe miệng, Thuận - chừng 30 tuổi, nhà trong khu ga Sài Gòn (Q.3) - nói với tôi: “Hôm qua toàn cơm chay, chán ghê. Bữa nay chắc hên luôn rồi”. Ngồi ăn bên cạnh Thuận - người đàn ông có biệt danh “thằng câm”, khoảng 45 tuổi - chỉ vớt vài miếng thịt trong hộp bò kho ăn, rồi vứt chiếc hộp xuống đường.
Trước đó, Thuận và “thằng câm” nhận được ổ bánh mì từ tay một nhóm từ thiện, nhưng lại bĩu môi đưa ngay cho Đầu Trọc khi chiếc xe phát quà vừa rời đi. “Bánh mì nhẹ, dễ xách. Về phơi cho heo ăn” - Đầu Trọc giải thích việc mình gom thật nhiều bánh mì đem về. Những phần quà là suất ăn ban đầu được nhóm làm “nghề” ngồi đường đón nhận rất niềm nở nhưng càng về khuya, chúng là thứ đồ thừa. Có người cho thức ăn vừa quay đi đã... bị chửi.
Khoảng 23g cùng ngày, chúng tôi chứng kiến một thanh niên khoảng 30 tuổi trong nhóm của Đầu Trọc hớn hở chạy ra nhận hộp thức ăn từ tay một nhóm thiện nguyện. Bước vào vỉa hè, người này hé hộp cơm còn nóng hổi ra xem rồi vội đóng lại, tiến thẳng về phía thùng rác ném, miệng càm ràm: “Mẹ, lại cơm chay, chán chết đi được”. Đầu Trọc nhìn thấy, tỏ vẻ tiếc: “Mày không lấy thì cho người ta mang về cho heo chứ vứt vậy họ thấy”.
|
Sau khi gom được một xe hàng đầy, vợ chồng Châu chở về hướng chợ Phạm Văn Hai |
Khoảng 21g10 ngày 19/12, một nhóm từ thiện chạy đến vòng xoay Công trường Dân Chủ phát mì xào. Như một thói quen, sau khi nhận hộp thức ăn, “thằng câm”, Út, Thuận, bà Thệ… đều đặt các hộp mì lên chiếc xe đạp của Đầu Trọc. Thấy trên xe có khoảng gần 10 hộp, Đầu Trọc đứng dậy, trút thức ăn vào chiếc túi treo trước ghi-đông xe đạp.
Trong những ngày làm “nghề” nằm đường, mỗi đêm, chúng tôi được nhận hơn chục phần thức ăn do các nhà hảo tâm mang tặng. Thấy chúng tôi là “lính mới”, chưa biết làm gì với mấy hộp cơm chay, cháo thịt, bà Thệ sốt sắng: “Đem lại đằng kia kìa, lát mấy thằng xe ôm tới lấy về cho gà ăn. Mày để vậy thấy nhiều, ai cho nữa”. Bà Thệ nói rồi chỉ tay về hướng tủ điện ngay vỉa hè gần vòng xoay.
Bước theo hướng tay bà Thệ, đến tủ điện, chúng tôi giật mình khi thấy trên nóc tủ có một túi ni-lông to tướng đựng đầy cơm trắng trộn lẫn đồ chay, đồ xào. Dưới chân tủ la liệt hộp nhựa đầy cháo và hàng chục hộp cơm ngả nghiêng, bung nắp mà chẳng ai thèm ngó đến. Trên ghi-đông chiếc xe đạp của bà Thệ, treo lủng lẳng chiếc bịch sạch đựng lẫn lộn sườn nướng, lạp xưởng, túi thịt kho trứng để mang về. Thực tế, nhóm của bà Thệ khi nhận cơm có thịt, cá ngon, chỉ gạt lấy phần thức ăn để mang về kho lại, còn cơm bỏ đi.
|
Hộp thức ăn bị vứt vương vãi gần miệng cống |
Ngồi cạnh bà Thệ, tôi nói: “Bỏ cơm nhiều vậy uổng quá chị”. Bà Thệ mách: “Tụi xe ôm nó mang về Hóc Môn cho gà, cho vịt ăn”. Thấy tôi tỏ vẻ tiếc, bà Thệ tiếp: “Ở đây, nhiêu đó còn ít. Mày qua chợ Tân Định bên đường Hai Bà Trưng kìa, chuột ăn cơm còn mập. Mấy bà già bên đó ăn sao hết, toàn lấy tiền, bỏ cơm chất đống”.
“Đầu nậu” gom hàng ngay trên vỉa hè
Nếu như thức ăn bị vứt bỏ phung phí thì các loại quà khác được các “đầu nậu” tận thu. Tại các tuyến đường trên địa bàn Q.10, có nhiều “đầu nậu” chuyên thu mua lại đồ từ thiện ngay tại vỉa hè. Các “đầu nậu” hoạt động độc lập, không phân chia địa bàn. Ai trả giá cao hơn, người đó mua được đồ. Nhìn chung, giá thu mua đều rẻ mạt.
Tối 10/12, bà Thệ thu gom được một túi quà từ thiện lớn gồm mền, quần áo, sữa, mì tôm... thì có đôi vợ chồng đi trên chiếc xe tay ga sang trọng, có treo nhiều túi quà tấp vào. Một số người tưởng đôi vợ chồng này đến phát quà, định xông ra nhưng bà Thệ gạt lại: “Người ta đi mua đồ đó”.
|
Trả giá, mua bán quà từ thiện ngay trên vỉa hè |
Dứt lời, bà Thệ khệ nệ xách túi quà to tướng ra kê lên yên xe của đôi vợ chồng này, kiểm lại rất kỹ. “Túi này 120.000 đồng nhé” - người phụ nữ trả giá. Bà Thệ nài nỉ: “Cho chị xin thêm 10.000 đồng nữa đi”. Người chồng gật đầu, cuộc ngã giá diễn ra trong vòng chưa đầy 5 phút. Chiếc xe máy phóng đi, bà Thệ cầm tiền nhét vào túi rồi tiếp tục ra ngồi sát lề đường, chờ người đến phát quà.
Phía trong, một phụ nữ ngồi trên chiếc ghế nhựa, nấp sau gốc cây, tỏ vẻ không hài lòng, bàn tán. Người này được những người làm “nghề” nằm đường gọi mà “bà Mập”. Theo Đầu Trọc, bà Mập có nhà ở Q. Bình Tân, là một “đầu nậu” thu mua đồ từ thiện có tiếng ở Q.10. Mỗi ngày, bà chỉ việc chạy xe máy đến, bắc ghế ngồi nấp sau gốc cây, chờ những người làm “nghề” nằm đường vào bán đồ. Thỉnh thoảng gặp món đồ có giá trị, bà ta mới chạy ra “xin”.
Cứ khoảng 20g30 hằng ngày, bà Mập có mặt tại khu vực vòng xoay Công trường Dân Chủ để thu mua quà từ thiện cho đến khoảng 1g sáng hôm sau. Mỗi ngày, chiếc xe máy của bà đều chất đầy ắp quà từ thiện. Tuy nhiên, bà này rất kín tiếng, không tiết lộ nơi ở, không cho số điện thoại bất kỳ ai, kể cả mối quen. Sau mỗi đợt gom hàng, bà ngồi trên vỉa hè, tỉ mẩn phân loại từng chiếc chăn, chiếc áo ấm cho vào từng túi to. Túi đựng sữa, mì gói cũng được để riêng.
|
“Bà mập” đưa tiền cho Lượm sau khi thu mua cả đống quà |
Khoảng 22g ngày 18/12, một thanh niên dáng mập mạp, còn khá trẻ chạy chiếc xe đạp của một người lượm ve chai thứ thiệt lao lên vỉa hè rồi dừng sát cạnh bà Mập. Anh này tên là Lượm, quê Tiền Giang, đến Sài Gòn được bốn năm. Ban ngày, Lượm đi nhặt ve chai, khiêng vác cho chủ vựa hàng trên đường Nguyễn Văn Luông, P.11, Q.6, tối lại ra “ngồi đường” kiếm thêm. Cứ vài hôm, gom được nhiều hàng, Lượm chạy ra gặp bà Mập bán bớt.
Đá chân chống xuống, Lượm hất hàm hỏi: “Dầu gió bà mua không, bốn chai”. Biết là mối quen, bà Mập không thèm ngước mắt: “Hiệu gì? Đại bàng (ý nói dầu xanh hiệu Con Ó của Singapore) mới mua giá 10.000 đồng/chai”. Lượm gật đầu, lôi trong chiếc bao to treo trên xe bốn chai dầu xanh còn nguyên bao bì, một túi bóng to chứa chừng 20 gói mì chồng lên mấy lốc sữa, đưa cho bà Mập.
Lượm hỏi: “Còn bốn cái mền với mấy áo lạnh, bà lấy nhiêu?”. Bà Mập vẫn lúi húi xếp đồng quần áo mới tinh, còn nguyên nhãn mác vừa mua được, mắt vẫn không thèm nhìn Lượm: “Áo hai lăm như mọi bữa. Mền chỉ, mền dệt bữa nay mười ngàn thôi, còn nhiều quá chưa đẩy hết. Mền nỉ mới được hai lăm. Đưa đây cô thu luôn cho”.
|
Một phụ nữ với hai đồng quà từ thiện chuẩn bị đem bán |
Lượm rít một hơi thuốc lá rồi gãi đầu: “Đang cất bên quận 6, mai đem ra luôn”. Bà Mập hối: “Về lấy ra luôn đi, cô thu cho”. Ngã giá xong, bà Mập nhìn xuống đống hàng mà Lượm vừa đặt trước mặt mở ra, săm soi một cách cẩn thận. Xong, bà lôi trong túi đeo trước bụng ra một xấp tiền, đếm đưa cho Lượm, cả thảy 140.000 đồng. Thấy Lượm có vẻ thắc mắc, bà Mập giải thích: “Thì dầu bốn chai bốn chục, sữa sáu lốc, bốn ngàn một hộp. Mì tao thu giùm mỗi gói một ngàn. Tiền vậy đủ rồi, mày đòi nhiêu nữa?”. Ngẫm nghĩ một lát, Lượm cất tiền vào túi rồi nhe răng cười.
“Cô thu giúp giùm thôi, sữa đem về cho mấy đứa cháu nó uống đó mà”. Đây là câu cửa miệng của bà Mập mỗi khi thấy người lạ đến hỏi thăm. Cùng ngày, chúng tôi đưa cho bà Mập chiếc áo gió và chục hộp sữa. Khi chúng tôi chưa kịp tính, bà Mập đã đưa 65.000 đồng.
Việc mua bán của chúng tôi vừa xong, một thanh niên chừng 30 tuổi chạy xe “ve chai” trờ tới. Đây là Trung, khách quen của bà Mập, cứ tầm 0g là gom hàng nhận được mang đến bán. Quăng hai cái áo gió cho bà Mập, Trung hớn hở: “Hàng ngon đó nghe bà”. Bà Mập phán: “Thì cũng hai lăm ngàn. Chứ đòi hỏi gì nữa mậy?”. Vợ chồng bà Châu, cũng là “đầu nậu”, đang ngồi sát mái hiên phía sau chồm tới: “Ba lăm, bán không?”. Nghe vậy, Trung liền giật lại hai cái áo lạnh còn nguyên nhãn mác trong túi ni-lông, đưa vội cho bà Châu rồi trề môi: “Cho bà biết. Mua rẻ, mai mốt tui đi bán chỗ khác”.
|
Cảnh kì kèo, trả giá hàng từ thiện giữa “bà Mập” và một phụ nữ “ngồi đường” |
Vợ chồng bà Châu có hàng chục “mối” ở khu vực nhà hát Hòa Bình. Ngoài thu mua, vợ chồng bà cũng rất tích cực “xin” quà từ thiện nên mỗi tối, họ cũng “thu hoạch” được một xe hàng đầy ắp. Bữa nay, khu vực nhà hát Hòa Bình “đói” nên bà Châu mới đến tranh mối của bà Mập. Tuy không vui nhưng bà Mập cũng đành chịu, vì vợ chồng bà Châu cũng “không phải dạng vừa”.
Quà từ thiện về tiệm tạp hóa
Tối 20/12, chúng tôi quyết định làm rõ lai lịch của bà Mập. Khoảng 23g30, chiếc xe máy đã chất đầy quà từ thiện nhưng bà ta vẫn đợi thêm một vài “mối ruột” là những người chạy xe đạp đi “săn dạo”. Từ 23g30 đến 1g sáng hôm sau, bà Mập thu mua được thêm bốn túi đồ lớn nữa mới chịu ra về.
Sau nửa giờ đeo bám, chúng tôi thấy bà Mập dừng xe trước một căn nhà nằm trong con hẻm số 357 đường Tân Hòa Đông, P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân để “xuống hàng”. Căn nhà trên là tiệm tạp hóa do bà Mập làm chủ. Nhiều năm nay, nhờ việc thu mua quà từ thiện giá rẻ về bán lẻ nên việc kinh doanh của bà Mập phát đạt.
|
Hai phụ nữ “mối quen” đến bán hàng cho “bà Mập” lúc gần 1 giờ sáng |
Vợ chồng “đầu nậu” Châu cũng có nhà ở khu vực chợ Phạm Văn Hai, Q. Tân Bình nên các mặt hàng như mền, gối, quần, áo sẽ được bán lại cho các sạp trong chợ; còn bánh, mì gói, sữa sẽ vào tiệm tạp hóa.
Vào dịp lễ Giáng sinh, ngày rằm, “lính mới” xuất hiện nhiều, vừa nhận được hàng từ thiện là họ “sang tay” ngay, chỉ có một số người mang về nhà tự bán. Như “thằng câm”, mỗi lần kiếm được hàng là bán lại cho tiệm tạp hóa ở chung cư Nguyễn Kim (Q.10), được giá hơn là qua tay “đầu nậu”. “Bữa nó khoe tao mới sắm được hai chỉ vàng” - vừa nói, Đầu Trọc vừa khum tròn hai ngón tay hướng về phía người đàn ông bị câm “ứ ứ” kiểu trêu ghẹo. Người đàn ông bị câm cười khoái chí rồi chắp tay sau đít, mắt dõi về phía ngược chiều đường, chờ đợi.
***
Mỗi tối, khi kết thúc công việc “ngồi đường”, gần 2g sáng, chúng tôi ra về dưới màn sương lạnh tê buốt. Những người giả dạng ăn xin vẫn còn đứng trên vỉa hè, giấu đống hàng to và tiếp tục chờ đợi vì cứ vào dịp lạnh, cuối năm là cao điểm làm ăn của họ. Ở đâu đó, những người vô gia cư thật sự đang run rẩy vì thiếu ăn.
Hầu hết người trong những nhóm làm “nghề” ngồi đường đều đang trong độ tuổi lao động, sung sức, lẽ ra có thể kiếm được một công việc phù hợp với sức vóc của mình. Nhưng không, họ chọn cách ngồi chờ người khác ban phát tiền, hàng cho mình. Và có cả những “đầu nậu” làm giàu trên lòng tốt của bao người.
Nhóm phóng viên