Trong dịp Tết đến, xuân về, gia đình nào cũng rộn ràng bày biện hoa lá để trang hoàng nhà cửa. Chính vì vậy, trẻ nhỏ với bản tính hiếu kỳ sẽ có nguy cơ cao dị ứng phấn hoa và bị côn trùng đốt. Để niềm vui trong những ngày đoàn viên đầu năm mới được trọn vẹn, cha mẹ nên biết cách phòng ngừa, xử trí và chăm sóc trẻ khi gặp phải các tình huống trên.
Sao trước đây tiếp xúc không bị mà lần này lại dị ứng?
Theo bác sĩ Đoàn Trịnh Nhã Khanh – Thành viên Hội Nhi khoa Việt Nam, khi mùa xuân đến cũng là thời điểm trẻ dễ bị dị ứng với phấn hoa, bụi bặm. Do đó, bác sĩ khuyên rằng những em bé có cơ địa dị ứng, cha mẹ nên dưỡng ẩm đầy đủ cho con trong giai đoạn giao mùa và thời tiết lạnh khô hanh; hạn chế để bé tiếp xúc khói bụi, thuốc lá, phấn hoa. Nếu trẻ tiếp xúc với các yếu tố trên mà bị nổi mề đay, mẩn ngứa hay hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt... thì cần được xử trí đúng cách.
|
Trẻ dễ dị ứng phấn hoa vào mùa xuân (ảnh minh hoạ) |
Lúc này, phụ huynh nhanh chóng tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh mũi họng, nhỏ mắt và thay đồ cho trẻ để giảm thời gian tiếp xúc với dị nguyên. Ta có thể dùng nước muối sinh lý hay bình xịt vệ sinh mũi có thành phần nước muối sinh lý xịt rửa mũi họng cho bé.
Cha mẹ chỉ nên dưỡng ẩm làn da bé nhẹ nhàng, đừng tự ý bôi những loại kem đặc trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Sau khi xử trí mà triệu chứng nổi mề đay, mẩn ngứa vẫn có xu hướng tăng, hoặc trẻ mệt mỏi bất thường, khò khè khó chịu... thì phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.
Một số phụ huynh thắc mắc tại sao trước đây con mình chưa từng dị ứng với loại phấn hoa đó, mà nay lại bị? Bác sĩ Nhã Khanh cảnh báo trẻ vẫn có thể phản ứng với những tác nhân, dù trước đó bé đã từng tiếp xúc nhưng chưa từng bị dị ứng trước đây.
Đó là vì ở lần tiếp xúc đầu, phản ứng dị ứng chưa xảy ra do chưa đạt đủ nồng độ, hoặc cơ thể chỉ mới sản sinh ra kháng thể IgE gắn trên bề mặt tế bào. Thế nhưng, ở những lần tiếp xúc tiếp theo, dị ứng mới xảy ra. Chính vì vậy không chắc chắn được rằng lần trước không dị ứng với dị nguyên đó, thì lần sau cũng vậy.
Những bé có cơ địa dị ứng thường có cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình bị mắc một hay nhiều bệnh lý dị ứng như: Viêm kết mạc mùa xuân, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn, hen phế quản, viêm da cơ địa, chàm sữa...
Với những trẻ có cơ địa dị ứng, phụ huynh cần đảm bảo vệ sinh cho bé (bao gồm cả vệ sinh cơ thể và môi trường sống). Hãy hạn chế để trẻ tiếp xúc với khói bụi thuốc lá hay phấn hoa; bảo vệ hàng rào miễn dịch da cho trẻ bằng kem dưỡng ẩm và vệ sinh mũi họng mỗi khi ra ngoài về.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên bổ sung chế độ ăn đa dạng, phong phú cho bé, ưu tiên nhóm rau xanh, trái cây, sữa chua... Cha mẹ có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải cho các bé tiền căn dị ứng tái đi tái lại nhiều lần.
Hai bệnh lý dị ứng thường gặp nhất được bác sĩ ghi nhận trong dịp năm mới là viêm kết mạc mùa xuân và viêm mũi dị ứng, mà tác nhân gây ra đợt bệnh này chủ yếu là do phấn hoa và thời tiết hanh khô. Những trẻ mắc hai bệnh lý này cần luôn đeo khẩu trang và kính mắt lúc ra ngoài, rửa mặt mũi tay chân và thay đồ ngay sau khi về nhà.
Nếu có thể, phụ huynh nên trang bị thêm máy lọc không khí và máy tạo ẩm trong phòng để giảm tối đa yếu tố kích thích gây khởi phát dị ứng cho bé.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị dị ứng cũng có thể tự điều trị ở nhà. Chính vì vậy, chúng ta cần nhận biết được các dấu hiệu trở nặng và nguy hiểm. Bệnh nhân có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp như khó thở, thở khò khè…
Tình trạng bệnh nhân đã rất nguy kịch nếu có các biểu hiện mạch đập nhanh hoặc yếu, nhịp tim không đều, chóng mặt, ngất xỉu, mất ý thức, buồn nôn, ói mửa, đau quặn bụng, tiêu chảy, da tái nhợt, xanh xao, đổ mồ hôi nhiều, lú lẫn, nói lắp.
Bị ong đốt có nguy hiểm?
Bên cạnh dị ứng phấn hoa, bụi bặm, thì mùa xuân cũng có rất nhiều côn trùng sinh sôi, phát triển. Khi các gia đình trồng nhiều cây, hoa rực rỡ sẽ thu hút không ít côn trùng. Do đó, chẳng may trẻ bị côn trùng đốt gây sưng đỏ, phụ huynh có thể chườm lạnh vết đốt bằng khăn lạnh hoặc viên đá nhỏ bọc trong khăn sạch khoảng 10 - 20 phút.
Với những vết đốt gây ngứa ngáy khó chịu, cha mẹ có thể bôi những loại kem dưỡng có thành phần kẽm khoảng 4 lần/ngày để làm dịu vết đốt và sử dụng thêm thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ. Ta cần chú ý tránh để bé cào gãi gây trầy xước và viêm nhiễm vùng da bị đốt.
Thông thường, vết ngứa hay sưng do côn trùng đốt sẽ tự khỏi sau vài giờ hoặc từ 1 - 2 ngày rồi tự hết. Nếu thấy các dấu hiệu sau, gia đình phải lập tức đưa trẻ đi khám bác sĩ: Vết đốt sưng to và đau nhiều, vùng da bị đốt nóng và ửng đỏ lan rộng ra xung quanh, trẻ nổi mề đay, ban đỏ toàn thân hoặc phát ban với những nốt hình tròn hoặc hình vòng, vết đốt lở loét, sưng mủ, chảy dịch vàng… Bên cạnh đó, triệu chứng nguy hiểm còn có sốt, mệt mỏi, phù nề da, môi, họng, lưỡi hoặc mặt.
|
Bị ong đốt cần xử trí đúng cách và theo dõi để nhận biết dấu hiệu trở nặng, nhằm đưa nạn nhân tới cơ sở y tế kịp thời (ảnh minh hoạ) |
Tại sao có người bị ong đốt thì nguy kịch, sốc phản vệ, suy đa tạng, nhưng có người chỉ hơi sưng đau và sau đó tự khỏi là thắc mắc của nhiều phụ huynh.
Ong đốt thì cũng thuộc nhóm côn trùng đốt, có những loại ong có nọc độc chứa nhiều chất độc, nhưng có loài ong thì chứa ít chất độc hơn như ong mật. Chính vì vậy, ong đốt và số nhát đốt của ong sẽ gây ra những phản ứng dị ứng khác nhau từ nhẹ là sưng đỏ, đến nặng và sốc phản vệ hay suy đa tạng.
Với những người đã từng bị ong đốt thì phản ứng với nọc ong ở lần sau có thể nặng và nguy kịch hơn so với những lần trước. Vết sưng ngứa do ong đốt có thể tự khỏi sau vài giờ hoặc 1 - 2 ngày. Phụ huynh có thể xử trí bằng cách chườm lạnh hoặc uống thêm thuốc giảm đau như paracetamol. Tuy nhiên, khi thấy vết đốt có dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.
Thanh Huyền