Cách xử lý "ngân hàng 0 đồng" không hiệu quả (?)

11/04/2025 - 15:44

PNO - Ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo "Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?" do báo Tiền Phong tổ chức trong sáng ngày 11/4.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI kiêm Trọng tài viên VIAC - cho hay, theo quy trình xử lý các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng không đảm bảo yêu cầu an toàn và chất lượng hoạt động sẽ trải qua các giai đoạn từ "can thiệp sớm" đến "kiểm soát đặc biệt".

Nếu tình hình không được cải thiện sau giai đoạn "kiểm soát đặc biệt", ngân hàng có thể đối diện với nguy cơ phá sản hoặc "chuyển giao bắt buộc".

Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Tiền Phong)
Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Tiền Phong)

"Chuyển giao bắt buộc" nhằm "giải cứu" các ngân hàng khỏi khó khăn kéo dài, giải quyết tình thế cấp bách và ngăn chặn nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, về lâu dài, để hướng tới mục tiêu hợp nhất, sáp nhập hoặc tái cổ phần hóa, việc duy trì mô hình ngân hàng mẹ con một chủ là cần thiết. Luật sư Đức kiến nghị không nên tiếp tục lạm dụng biện pháp chuyển giao bắt buộc.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu - cho biết, lịch sử tái cơ cấu ngân hàng thất bại khá nhiều. Chẳng hạn, trường hợp hợp nhất ba ngân hàng thành SCB năm 2011, hay việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc OceanBank, Xây Dựng, GPBank năm 2015, và Ngân hàng Đông Á sau đó cũng trở thành ngân hàng "0 đồng" trực thuộc NHNN. Theo Tiến sĩ Hiếu, sau một thập kỷ, đến năm 2024, các ngân hàng này vẫn gặp khó khăn và chưa thể phục hồi, thậm chí còn gây thua lỗ kéo dài.

Mới đây, NHNN đã công bố hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng: Ngân hàng Xây dựng (chuyển giao cho Vietcombank và đổi tên thành VCB Neo), Ngân hàng Oceanbank (chuyển giao cho MBBank và đổi tên thành MB), GPBank (chuyển giao cho VPBank), và Ngân hàng Đông Á (chuyển giao cho HDBank và đổi tên thành HDBank Plus). Riêng SCB hiện vẫn đang trong diện kiểm soát đặc biệt.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại rằng, chuyển giao bắt buộc không phải là giải pháp căn cơ cho các ngân hàng yếu kém. Ông cho rằng, việc thiếu thông tin minh bạch về tình hình hoạt động và vốn chủ sở hữu của các ngân hàng sau chuyển giao tạo ra rủi ro lớn cho khách hàng. Mặc dù tiền gửi của khách hàng được bảo hiểm bởi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, mức bảo hiểm hiện tại vẫn còn thấp.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết của cơ chế chuyển giao tự nguyện, khuyến khích các ngân hàng yếu kém chủ động tìm kiếm đối tác tái cơ cấu hoặc tiến hành thủ tục phá sản nếu không thành công. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, ông cho rằng nên để thị trường tự điều chỉnh đối với các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả.

Về vấn đề bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, tiến sĩ Hiếu đề xuất các ngân hàng mẹ nên bảo lãnh toàn bộ tiền gửi của các ngân hàng con để tạo sự an tâm cho khách hàng. Đồng thời, NHNN cần tăng cường minh bạch thông tin về tình hình tài chính của các ngân hàng trên trang web chính thức.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tái cấu trúc ngân hàng, tiến sĩ Hiếu cho rằng lợi ích nhóm, đặc biệt là nhóm lợi ích bất động sản, có tác động rất lớn. Hầu hết các vụ án liên quan đến ngân hàng đều có yếu tố bất động sản.

Ông kiến nghị cơ quan quản lý cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hơn nhóm lợi ích này, đồng thời lưu ý đến rủi ro từ các ngân hàng số đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Việc không hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng con vào báo cáo của ngân hàng mẹ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho đối tác và người gửi tiền.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam - cho biết, hiện có 5 ngân hàng trong số 35 ngân hàng thương mại đang thuộc diện "0 đồng", yếu kém và kiểm soát đặc biệt. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thao túng của nhóm cổ đông lớn thông qua sở hữu chéo, và việc cấp tín dụng không hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái liên quan, dẫn đến nợ xấu.

Ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh sự cần thiết của tính minh bạch trong hệ thống ngân hàng. Theo quy định hiện hành, các ngân hàng thương mại cổ phần chưa niêm yết phải công bố báo cáo tài chính định kỳ, ngoại trừ các ngân hàng liên doanh nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng yếu kém vẫn không thực hiện nghĩa vụ này. Ông cho rằng việc công khai báo cáo tài chính một cách rõ ràng và minh bạch là điều cần thiết, bởi thông tin cuối cùng vẫn sẽ được biết đến.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI