Ly hôn, ảnh cưới vứt thùng rác?
Cặp vợ chồng nào khi kết hôn cũng muốn chụp cho mình bộ ảnh cưới đẹp lung linh và thật độc đáo, để lưu giữ kỷ niệm về sự kiện trọng đại trong cuộc đời. Thế nhưng nếu lỡ “ai đi đường nấy”, những bức ảnh ấy tượng trưng cho tình cảm vợ chồng bấy lâu sẽ đi về đâu?
Thực tế hiện nay sau khi ly hôn, ảnh cưới hay những kỷ vật liên quan đến cuộc hôn nhân của các cặp vợ chồng đều mang vứt bỏ thùng rác. Hoặc ném đi cho khuất mắt để khỏi gợi lên những ký ức không vui. Vẫn biết rằng chuyện xử lí đồng kỷ vật cưới như thế nào là quyền của mỗi cá nhân không ai có quyền phán xét. Nhưng lạnh lùng ném chúng vào thùng hay quăng chúng ngoài đường mặc cho người đời giầy giẫm lên cũng không phải là cách ứng xử hay. Bởi dù sao trong đó cũng có gương mặt mình, cũng là sự chọn lựa của mình.
|
Ném vào thùng rác cách giải quyết "dĩ vãng cuộc tình" được nhiều người lựa chọn |
Cùng nói về vấn đề này chuyên gia tâm lý Bùi Thanh Nhài (Trung tâm tư vấn tâm lý Thành Đạt) chia sẻ, có rất nhiều nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng rũ bỏ kỉ vật, có thể họ không muốn những thứ thuộc về quá khứ đó làm ảnh hưởng đến tương lai, do tức giận đối phương, “giận cá chém thớt”, hoặc những kỷ vật đó gợi lên những ký ức không vui vẻ.
“Khi gặp trục trặc trong hôn nhân hoặc tình yêu, người ta thường rơi vào trạng thái “sang chấn tâm lý”. Trạng thái này biểu hiện qua hành động, suy nghĩ, thậm chí thay đổi thói quen sống, thay đổi thói quen trong tình yêu. Chính vì vậy, việc vứt bỏ kỉ vật cũ giống như việc từ bỏ một vài thói quen mà họ cho rằng, nó ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của mình. Đó là điều dễ hiểu”, chuyên gia tâm lý chia sẻ.
|
Chúng ta nên có cách ứng xử một cách văn mình hơn với những kỉ vật tỉnh yêu khi hôn nhân tan vỡ |
Về việc nên lưu giữ hay hủy bỏ ảnh cưới, kỉ vật cưới sau khi ly hôn, chuyên gia tâm lý Thanh Nhài cho rằng, nó phụ thuộc vào lý do chia tay cũng như trạng thái tâm lý của từng người sau khi kết thúc cuộc hôn nhân. Việc quan trọng nhất mà các cặp đôi cần làm là điều tiết cảm xúc, giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến tình cảm, pháp lý để cả hai có thể dứt bỏ thật nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của từng người cũng như con cái.
“Ảnh cưới đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống. Nó ghi dấu lại khoảnh khắc trưởng thành, niềm hạnh phúc, kỉ niệm đẹp của mỗi người. Nhưng khi không thể bên nhau được nữa thì hãy xem nó như là một món đồ bình thường rồi xử lý chúng theo cách nhẹ nhàng nhất”, chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên.
Lẻ một cách ứng xử đẹp với những kỷ vật buồn
Câu chuyện phải xử lí ảnh cưới sau khi ly hôn như thế nào? Được rất nhiều chị em bàn luận, đóng góp ý kiến sôi nổi trên các diễn đàn dành riêng cho phái đẹp. Hầu hết mọi người đều cho rằng không nên ném “tình yêu dĩ vãng” ra bãi rác hay quăng lung tung ngoài đường. Thay vào đó các thành viên đóng góp một số giải pháp vừa để ứng xử nhân văn với những món kỷ vật cưới, lại không gây lãng phí.
Chị Hà Diệu Trang, không may mắn trong cuộc sống hôn nhân, cả hai vợ chồng chị đều quá mải mê với sự nghiệp riêng, không có thời gian dành cho nhau, lâu dần tình cảm rạn nứt. Nên đã quyết định ly hôn để giải thoát cho cả hai.
|
Có rất nhiều giải pháp tại sao cứ phải nặng nề với sự lựa chọn một thời của bản thân |
“Không thể hòa hợp khi sống chung thì chi bằng mỗi người một nơi cho thanh thản. Ly dị xong, những kỷ vật ngày cưới tôi chẳng muốn nhìn nên cất vào kho. Còn ảnh cưới to chẳng để đi đâu được nên đặt làm một bức tranh cùng kích cỡ dán đè lên, vừa trang trí nhà cửa cho đẹp mà lại tiết kiệm, đỡ tiền mua khung.” Chị Trang chia sẻ.
3 năm đi lấy chồng, là 3 năm chị Bùi Lan phải chịu nhiều ấm ức và giày vò từ chồng và gia đình chồng. Không chịu nổi nên chị quyết định ly hôn, rồi hai mẹ con chị về nhà ngoại sống. Cứ mỗi lần nhìn vào tấm ảnh cưới chị lại khóc thương cho phận mình phải chịu nhiều tủi hờn suốt bao năm qua.
“Mỗi người mỗi nơi xong, tôi chả biết xử lí sao với cái ảnh cưới to treo chềnh ềnh giữa nhà cả, nên đúng ngày sinh nhật chồng cũ tôi gửi trả lại, để anh ta làm gì thì làm. Nhiều người bảo cất vào kho sau này cho con nó biết mặt bố nhưng kẻ bạc bẽo ấy bố mẹ còn chẳng cần thì cần gì con ” chị Lan chia sẻ.
|
Hãy coi đo như một kỉ niệm không vui trên đường đời. Nhưng trước khi làm điều gì đó hãy biết rằng con cái đang nhìn bạn |
Chị Hà Hiền chia sẻ, chuyện tiêu hủy ảnh cưới thật gian nan của mình. Chị ly hôn chồng khi các con cũng khá lớn rồi. Mỗi lần chị định mang kỷ vật cưới ra đốt thì con trai lại tranh làm, rồi con lén lút mang cất đi. Cứ năm lần, bảy lượt như thế đến giờ ảnh cưới và những món kỉ vật gia đình vẫn còn trong phòng con trai.
“Thi thoảng tôi hỏi con để chúng đâu? Nó bảo: con giấu đi rồi mẹ không phải nhìn đâu. Lúc nào con nhớ gia đình mình con đem ra ngắm tí rồi cất. Sau này con sẽ cố gắng cho con của con có một gia đình thật sự. Nghe xong tôi ứa cả nước mắt”.
Đông Thức