Cách sử dụng điện an toàn và phòng chống cháy nổ tại nhà

29/06/2017 - 14:41

PNO - Trên báo Phụ Nữ ra ngày 14/6/2017 có bài viết về thực trạng và nguyên nhân cháy nổ tại TP.HCM.

Dưới đây là bài tư vấn của ông Phạm Quốc Bảo - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - về một số giải pháp, kỹ năng phòng chống cháy nổ tại hộ gia đình.

Cach su dung dien an toan va phong chong chay no tai nha
 

Ở mỗi hộ gia đình, cần thiết phải đặt cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính trong nhà và cho từng đường dây điện phụ, từng thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn. Phải đặt thiết bị bảo vệ trước từng ổ cắm điện. Dây chảy của cầu chì phải theo đúng tiêu chuẩn và phải phù hợp với công suất sử dụng, để đảm bảo khi có chạm, chập điện thì dây chảy phải nổ, cắt ngay nguồn điện. Không dùng giấy bạc hoặc dây kim loại khác để thay thế dây chảy của cầu chì, cầu dao bị hỏng. Cần trang bị thêm máy ổn áp để tránh hiện tượng quá dòng, quá áp gây cháy nổ.

Các điểm nối dây phải đúng kỹ thuật; khi thấy lớp băng keo cách điện tại mối nối bị khô và cháy sáng thì phải kiểm tra ngay và nối chặt lại điểm nối. Không được co, kéo dây điện hay treo các vật nặng lên dây. Không để bị rỉ đường dây dẫn điện, cầu chì, cầu dao, vì nếu bị rỉ thì nơi rỉ là nơi phát nhiệt lớn. Những nơi cách điện bị chập, nhựa cách điện bị biến màu cần được thay mới.

Chú ý, không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các dụng cụ điện có công suất lớn. Không phơi, treo quần áo, khăn, mũ, tranh ảnh… trên dây điện, ổ cắm, công tắc, cầu chì, cầu dao điện, bảng điện; không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm; không dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện; không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện hay để hở các mối nối dây điện. 

Cần kiểm tra thường xuyên các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà để sửa chữa hoặc thay thế nếu quá cũ.

Khi đun nước bằng ấm điện, nên dùng loại ấm có còi rú báo động lúc nước sôi. Không để trẻ nhỏ, người có bệnh lý về thần kinh sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.

Khi lắp đặt các thiết bị chiếu sáng, phải gắn vào các móc treo chuyên dùng; không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không dùng vật liệu dễ cháy để bao che bóng điện. Không đặt các chất gây cháy (gas, xăng, dầu, giấy…) gần các thiết bị, dụng cụ điện. Không lắp đặt ổ cắm điện bên trong nhà vệ sinh, nhà tắm.

Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (công tắc, ổ cắm, hộp đấu dây, mối nối trên đường dây); nếu có hiện tượng đánh lửa, phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa hoặc báo cho thợ điện đến sửa chữa. Khi nối dây, phải nối so le và quấn băng keo cách điện.

Nếu sử dụng bếp gas, cần thường xuyên kiểm tra độ an toàn của ống dẫn gas, van khóa và thay mới các bộ phận nếu không đảm bảo yêu cầu. Khóa chặt van bình gas, tắt bếp gas đúng cách khi không đun nấu.

Không được bố trí vật dụng sinh hoạt gia đình trên thang bộ, cửa đi nhằm tạo thuận lợi cho việc thoát nạn, di chuyển tài sản và chữa cháy.

 Nơi để xe máy phải ở xa khu vực sinh hoạt, ăn, ở của gia đình. Không để xe ở gần nguồn nhiệt, nơi dễ cháy.

Cần trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ với số lượng đầy đủ, đảm bảo luôn đáp ứng được yêu cầu chữa cháy.

Trước khi ra khỏi phòng, khỏi nhà, phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện, đồ dùng điện, bếp gas; trước khi đi ngủ, cần kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng điện và tắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.

THĂNG LONG 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI