Cách phân biệt bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu

26/09/2023 - 17:25

PNO - Cả bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều có triệu chứng gần giống nhau, tuy nhiên bệnh đậu mùa khỉ kéo dài hơn và có điểm đặc trưng riêng.

Những ngày qua, sau khi Bệnh viện Da Liễu TPHCM phát hiện trường hợp nam bệnh nhân (25 tuổi, ở Đồng Nai) mắc đậu mùa khỉ. Qua điều tra dịch tễ, người bệnh đã tiếp xúc 8 người, trong đó 1 người ở Bình Dương được xác định dương tính với virus đậu mùa khỉ. Người dân đang rất lo lắng, đặc biệt bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu có biểu hiện khá giống nhau, làm sao để phân biệt giữa 2 loại bệnh này?

Trước tình trạng trên, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da Liễu TPHCM khuyên người dân không nên quá lo lắng. Bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do virus gây ra. Tác nhân là virus nên cả 2 bệnh đều lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết bóng nước, lây gián tiếp qua tiếp xúc đồ vật của người nhiễm bệnh.

Bệnh nhân bị đậu mùa khỉ (ảnh trái) và bệnh nhân mắc thủy đậu (ảnh phải)
Bệnh nhân bị đậu mùa khỉ (ảnh trái) và bệnh nhân mắc thủy đậu (ảnh phải)

Thủy đậu và đậu mùa khỉ đều có giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, hồi phục… tương tự nhau. Với các triệu chứng lâm sàng như nóng sốt, diễn tiến tổn thương da bao gồm mụn nước, mụn mủ ở trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc mắt, trong miệng… 

Tuy nhiên, ở bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh bị sốt phát ban, mụn nước, mụn mủ gần như đồng thời, bệnh lâu khỏi hơn thủy đậu, ngoài các vùng kể trên, mụn nước, mụn mủ còn nổi ở hậu môn, cơ quan sinh dục, các vết loét, trượt của đậu mùa khỉ lớn hơn, nặng nề, khi lành bệnh các sang thương có thể để lại sẹo. Đặc biệt, bệnh nhân còn sốt cao, nổi hạch. 

Còn với bệnh thủy đậu, người bệnh cũng phát ban nhưng tổn thương xuất hiện lần lượt, diễn tiến bệnh nhanh. Ban đầu bóng nước, mụn mủ nổi trên mặt rồi lây lan ra khắp cơ thể. Các vết loét nhỏ, cạn, nên tổn thương ít hơn đậu mùa khỉ, thường sau khi khỏi bệnh ít để lại sẹo. Ngoài ra, người bệnh đậu mùa khỉ khá mệt mỏi, bởi bệnh ảnh hưởng nhiều đến thể trạng.

Hiện nay, bệnh thủy đậu đã có vắc xin ngừa bệnh nên sẽ hạn chế lây lan đến người đã tiêm vắc xin. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc gần, dịch tiết của người bệnh. Thông thường bệnh nhân mắc thủy đậu sau điều trị hoặc đã tiêm vắc xin người bệnh sẽ giảm nguy cơ tái nhiễm hay di chứng.

Còn đậu mùa khỉ người bệnh có thể lây cho người lành qua tiếp xúc gần, dịch tiết, sử dụng đồ dùng cá nhân chung, hoặc qua bề mặt tiếp xúc. Hiện chỉ có một số quốc gia trên thế giới có vắc xin phòng ngừa và thuốc đặc trị.

Để phòng ngừa bệnh, người dân nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch khử khuẩn, hạn chế nơi đông người, tránh dùng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, mền gối,… 

Nếu nghi ngờ bản thân hoặc người thân, quen mắc bệnh, hoặc trường hợp bản thân, gia đình có người trở về Việt Nam từ các nước ghi nhận sự lưu hành của đậu mùa khỉ, phải báo ngay cho y tế địa phương để được khám và hướng dẫn điều trị.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI