Một người mẹ 32 tuổi, Florence Leung, đến từ Bristish Columbia, Canada là một trong những người phải chịu chứng trầm cảm sau sinh gần đây. Sau khi được báo cáo mất tích vào tháng 10/ 2016 thì Leung, bà mẹ có đứa con chưa đầy 2 tháng tuổi, đã được phát hiện vào ngày 17/11. Thi thể của cô ngập nước và được tìm thấy ở gần nhà. Theo một báo cáo tại địa phương, Leung được chuẩn đoán là mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Sau đó, người nhà của cô đã lập một trang Facebook nhằm khuyến khích và giúp đỡ những người mắc chứng trầm cảm sau sinh.
“Từ khi tìm thấy thi thể của vợ tôi, cả gia đình tôi đã chịu đau đớn nặng nề cho đến tận bây giờ”, người chồng tên là Kim Chen viết trên một bài đăng. “Mặc dù chúng tôi đang lên kế hoạch để tạm biệt Florence thì tôi vẫn sẽ đăng những bài để tưởng nhớ tới cô ấy và cả những thông tin cần biết về chứng trầm cảm sau sinh”.
|
Florence Leung cùng chồng và đứa con vừa sinh |
Một chuyên gia về lĩnh vực này, bà Katherine Stone - nhà sáng lập kiêm giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Postpartum Progress, tổ chức này hướng đến việc ủng hộ, và cung cấp các nguồn lực cho những người phụ nữ mắc chứng trầm cảm và lo lắng sau sinh, nói rằng: Trong số phần lớn những ca mắc PPD giống như trường hợp của Leung, chúng ta không thể đổ lỗi cho gia đình và bạn bè họ được.
“Họ thực sự không biết, rồi sau đó họ trách móc chính bản thân mình. Và tôi chỉ có thể tưởng tượng được rằng bằng cách nào đó họ nghĩ lỗi lầm thuộc về bản thân họ và họ phải làm điều gì đó sau khi mọi chuyện đã diễn ra”, bà Stone nói với tờ Today, “tôi nghĩ rất nhiều người trong số họ cảm thấy tội lỗi, nhưng đó là lần cuối cùng họ được phép nghĩ như thế, bởi vì đó không phải là lỗi của họ”.
Bản thân bà Stone cũng đã từng trải qua một khoảng thời gian trầm cảm ngay sau khi sinh đứa con đầu lòng. Và bà ấy nói rằng điều quan trọng là chúng ta phải ở bên cạnh người phụ nữ mới sinh để quan sát xem liệu cô ấy có những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh dưới đây hay không:
1. Căng thẳng cực độ hoặc lo lắng
Nỗi sợ vô cớ không tự nhiên biến mất hoặc tự nhiên tăng lên nhiều lần là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh.
“Những người như vậy lúc nào cũng tỏ ra lo lắng, có thể là về những tác nhân xấu có thể gây hại lên con mình chẳng hạn”, bà Stone nói, “trong trường hợp của tôi, tôi không dám tắm cho con mình vì sợ nó sẽ chết đuối”.
2. Rụt rè, khép kín
Nếu như một người phụ nữ mới sinh tỏ ra khép kín, hoặc ít cởi mở hơn, nói chuyện ít hơn bình thường thì cần phải để ý bởi đó rất có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh.
“Nếu cô ấy không giao tiếp với người khác như trước và có những dấu hiệu của việc tự khép kín mình thì đó là điều mà tất cả chúng ta cần chú ý và nên để ý đến cô ấy hơn”, bà đưa ra lời khuyên.
3. Cảm thấy giận dữ
Bà Stone nói rằng một số bà mẹ mắc chứng PPD thường bộc lộ cơn nóng giận đến mức chính mình không kiểm soát được và cảm thấy bản thân mình luôn bị kích thích.
“Hãy chú ý xem họ có những hành động hay cử chỉ thể hiện cơn cáu giận mà trước đây họ chưa từng làm như thế hay không”, bà cho hay.
4. Thay đổi trong thói quen ngủ nghỉ và ăn uống
“Nếu một người thay đổi hoàn toàn thói quen của họ như họ ăn nhiều hơn hoặc không ăn gì cả, thì đó là một điều đáng lo ngại”, chuyên gia cho biết.
Bà cũng nói rằng nếu một bà mẹ mới sinh kiệt sức mà không thể ngủ được ngay cả khi có thời gian để ngủ thì đó là dấu hiệu của một vấn đề khủng khiếp hơn.
“Nghỉ ngơi là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. Ngủ rất quan trọng, vì thế nếu cô ấy không thể ngủ được thì có vấn đề rồi đấy”.
Bà Stone cho biết thêm, với những người mắc chứng trầm cảm sau sinh thì chúng ta nên luôn luôn sẵn sàng lắng nghe họ và giúp đỡ bất cứ khi nào cần thiết.
“Không phải là hỏi xem em bé có khỏe không, việc chăm sóc bé có gặp trở ngại gì không”, bà nói, “mà điều chúng ta cần làm là cùng trò chuyện hỏi xem cô ấy có ổn không, bạn có thể giúp gì để cô ấy có thể nghỉ ngơi nhiều hơn, hay bạn có thể làm gì cho cô ấy”.
Stone cũng nói ngay cả khi họ từ chối thì điều quan trọng là giúp cô ấy nghỉ ngơi đủ và có thời gian cho riêng mình, ví dụ như đề nghị trông bé để cô ấy có thời gian ngủ trưa hoặc đi dạo chẳng hạn.
Bà Stone cũng cảnh báo rằng thường thì phụ nữ đều không muốn nói về áp lực và căng thẳng của mình, và họ cũng lo lắng rằng nếu họ nói ra thì họ sẽ bị chỉ trỏ, chỉ trích bởi đồng nghiệp hoặc các thành viên khác trong gia đình.
Vì vậy nên chúng ta cũng cần phải nhắc nhở các bà mẹ rằng những cảm xúc như thế là rất bình thường và chúng ta luôn sẵn sàng giúp đỡ họ.
“Cuộc sống có thể sẽ rất khó khăn. Và nếu bạn không hạnh phúc như bạn tưởng thì cũng không có nghĩa là bạn không phải một người mẹ tốt”, bà đưa ra lời khuyên.
Nhưng nếu người phụ nữ ấy luôn từ chối sự giúp đỡ?
Trước khi từ bỏ, chuyên gia khuyên bạn bè và gia đình nên gọi điện cho bác sĩ sản khoa hoặc nhi khoa để nhờ sự giúp đỡ của người mà một bà mẹ sẽ tín nhiệm.
“Đôi khi chúng ta cứ cố gắng và khi nó không thành công thì chúng ta tuyệt vọng”, bà Stone nói, “nhưng trong trường hợp này thì chúng ta không nên tuyệt vọng. Điểm mấu chốt là đừng bỏ cuộc và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, những người biết làm thế nào để giúp vợ bạn”.
Và điều quan trọng nhất vẫn là ở người chồng, anh ấy nên đặt cô ấy vào trung tâm và luôn ở tâm thế sẵn sàng giúp đỡ cô ấy, và nói cho cô ấy biết điều đó: “Anh không chắc những người khác đã ủng hộ em thế nào rồi, nhưng anh ở đây, anh muốn giúp em”.
Khánh Linh