Với mục tiêu “an cư lạc nghiệp” đậm tính Á Đông, từ những năm 1960, Singapore đã tập trung thúc đẩy chỉ số sở hữu nhà ở trong nhân dân. Các nhà quản trị của đảo quốc này tin rằng, khi người dân ổn định về nơi ở, thì họ mới toàn tâm toàn ý làm việc để phát triển kinh tế và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Đa phần cư dân Singapore đều được chính phủ hỗ trợ sở hữu căn hộ xã hội bằng nhiều gói trợ giá đa dạng, với mức giá do nhà nước quy định và quản lý chặt chẽ. Chỉ những hộ dân có tổng thu nhập dưới một hạn mức nhất định, không thuộc nhóm cư dân giàu, mới được đăng ký mua chung cư xã hội.
|
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, cư dân Singapore không được phép giao dịch mua bán nhà trực tiếp, mà phải thông qua nhân viên thuộc sở nhà đất của chính phủ. Một công dân Singapore không được mua hoặc sở hữu nhiều hơn một căn chung cư xã hội, nếu bản thân đã sở hữu bất động sản tư nhân.
Điều này góp phần chống tình trạng đầu cơ nhà đất, và kìm hãm sự bất ổn của giá cả thị trường lên một “mặt hàng” được xem là thiết yếu bậc nhất đối với chất lượng sống của đại bộ phận cư dân Singapore. Nó cũng góp phần đưa căn hộ đến đúng những đối tượng thực sự cần, và thúc đẩy việc phân phối lợi ích xã hội được công bằng hơn.
Chung cư trợ giá nằm rải rác trên lãnh thổ Singapore, được kết nối bằng mạng lưới phương tiện công cộng thuận tiện di chuyển. Mỗi khu chung cư đều được xây dựng gần hệ thống trường học, khu ẩm thực bình ổn giá, khu sinh hoạt cộng đồng, trung tâm y tế, trung tâm thương mại, tập luyện thể thao, công viên sinh thái, nhằm tích hợp một môi trường sống đủ đầy tiện ích và khuyến khích thị dân có sự giao lưu xã hội.
Từ rất sớm, đất nước này đã có một nguồn tài chính mang tên Quỹ Phòng xa trung ương (Central Provident Fund - CPF). Đây là quỹ bắt buộc mọi cư dân và thường trú nhân Singapore phải đóng góp hằng tháng, dựa trên thu nhập cá nhân của bản thân. Mỗi tháng, công ty sẽ phải đóng từ 7-17% lương tháng vào quỹ CPF của từng nhân viên, cũng như chính nhân viên đó sẽ bị trừ từ 5-20% tổng thu nhập tháng để góp vào quỹ CPF cá nhân.
Như vậy, một công dân Singapore có thể sẽ phải trích tối đa khoảng 30% thu nhập để đóng vào quỹ CPF. Quỹ này sẽ do chính phủ quản lý, cư dân có quyền trích xuất quỹ để mua nhà, chi trả phí y tế, hoặc làm quỹ lương hưu cá nhân. Điều đặc biệt, cư dân không có quyền rút toàn bộ lượng tiền trong quỹ, mà chỉ có thể ủy quyền cho nhà nước trích xuất theo từng tháng để trả góp tiền mua chung cư xã hội, hoặc để nhận lương hưu định kỳ.
Ngoài ra, trước 35 tuổi, công dân Singapore chỉ được phép mua căn hộ xã hội khi họ quyết định đăng ký kết hôn. Chủ quyền căn hộ sẽ bao gồm tên của chủ hộ và người phối ngẫu. Nếu cặp đôi đăng ký mua căn hộ gần nhà cha mẹ ruột, họ sẽ được hưởng khoản trợ giá cực kỳ ưu đãi.
|
Ảnh minh họa |
Những chính sách này đã góp phần đẩy mạnh tỷ lệ sở hữu căn hộ ở những cặp đôi Singapore trẻ tuổi, giúp họ ổn định hôn nhân, “an cư” sớm và bắt đầu xây dựng nguồn lực tài chính riêng, tránh việc “chưa kịp giàu lên đã nghèo đi” chỉ vì sự khó khăn của việc sở hữu một không gian sống ổn định, chất lượng dành cho người trẻ.
Chính sách nhà đất này được xem là thành công vượt bậc, và đã đi sâu vào văn hóa đại chúng Singapore. Giới trẻ Singapore thường đùa nhau rằng, thay vì nói “em có lấy anh không?”, họ sẽ cầu hôn nhau bằng cách “em có đăng ký mua nhà chung với anh không?”.
Thế nhưng, chính hệ thống quản lý bất động sản này cũng có thể được xem là hiện thân cho tham vọng kiểm soát xã hội cao độ của chính phủ Singapore. Ở đó, hầu như mọi vấn đề nhân sinh, kể cả vấn đề tài chính, vấn đề hôn nhân, nhu cầu nâng cao tỷ lệ sinh sản, truyền thống báo hiếu của người Á Đông, triết lý “an cư lạc nghiệp”, và cả chính sách bình đẳng giai cấp, chủng tộc... đều được giải quyết và định hướng thông qua hệ thống quản trị nhà đất.
Cũng có ý kiến cho rằng, tính chặt chẽ trong việc quản lý xã hội toàn diện là nền tảng cho sự ổn định đặc biệt ở quốc gia này. Nhiều nhà nghiên cứu chính sách công cho rằng, đây là sức bật mạnh mẽ cho tốc độ phát triển thần kỳ về kinh tế, công nghệ và giáo dục ở Singapore. Dĩ nhiên, mỗi quốc gia đều trải qua những hoàn cảnh khác biệt, và mọi lựa chọn về chính sách, kinh tế, chính trị, đều là những lựa chọn phức tạp, có ảnh hưởng lâu dài đến đời sống xã hội và văn hóa của nhiều thế hệ dân cư.
Tuy nhiên, trước khi bàn đến tính đa chiều của mọi phản biện chính trị xã hội, thì không chỉ Singapore, mà các mô hình chính sách nhà đất thành công đến từ Bỉ, Đức, Thụy Điển đều ít nhiều tuân theo hai quy tắc căn bản: (1) giá cả thị trường cần có sự điều tiết và quản lý từ chính phủ; (2) bản thân căn hộ xã hội cần có chất lượng tốt để góp phần nâng cao chất lượng sống của đại bộ phận cư dân, và cần đến được với đại bộ phận cư dân có nhu cầu “an cư lạc nghiệp” ấy.
Linh Trần