Cách người Pháp trùng tu, sửa chữa di tích

06/08/2024 - 06:06

PNO - Theo giải thích của CNRS, khoảng 50 nhóm nghiên cứu đã tham gia vào dự án khoa học nhằm phục chế nhà thờ Đức Bà Paris.

Grand Palais là một trong những địa danh kiến ​​trúc đặc biệt của thủ đô nước Pháp, được nhiều du khách đến chụp ảnh trong những ngày diễn ra Olympic Paris 2024. Di tích lịch sử này được xây dựng cho Triển lãm Thế giới năm 1900 nhưng bị đóng cửa tạm thời vào năm 2021 để trùng tu.

Nhìn từ xa, công trình nổi bật như một phòng triển lãm rộng lớn với vòm bằng kính. Studio Chatillon Architectes của Paris do François Chatillon sáng lập đã giám sát quá trình trùng tu toàn diện công trình này. Theo Chatillon, các kiến ​​trúc sư đã nghiên cứu hàng ngàn bản thiết kế và tài liệu lưu trữ, huy động khoảng 900 người để hiện thực hóa kế hoạch sửa chữa và mở rộng công trình này.

Cây thánh giá cao 12m và nặng 1,5 tấn là bộ phận duy nhất trên mái nhà thờ Đức Bà Paris tồn tại sau trận hỏa hoạn ngày 15/4/2019 - Ảnh: Thibault Camus (AP)
Cây thánh giá cao 12m và nặng 1,5 tấn là bộ phận duy nhất trên mái nhà thờ Đức Bà Paris tồn tại sau trận hỏa hoạn ngày 15/4/2019 - Ảnh: Thibault Camus (AP)

Ông Chatillon giải thích: “Công trình vốn được xây dựng từ 3 tòa nhà chính, mỗi tòa nhà do 1 kiến ​​trúc sư tạo ra và được kiến ​​trúc sư thứ tư giám sát. Do vậy, hành trình của du khách qua toàn bộ công trình không thực sự trôi chảy và các khu vực khác nhau đã mất kết nối với nhau trong một thời gian rất dài. Đợt trùng tu này sẽ tạo ra sự gắn kết, cho phép mọi khu vực hoạt động hết tiềm năng của chúng”. Dự kiến, tòa nhà Grand Palais sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn cho công chúng vào năm 2025.

Việc trùng tu, sửa chữa nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp cũng thu hút sự chú ý của thế giới. Vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 15/4/2019 đã khiến đỉnh tháp và một phần mái của nhà thờ này sụp đổ. Vào tháng 5/2024, cây thánh giá ở hậu cung của nhà thờ đã được lắp lại sau khi được các thợ sắt từ Normandy phục hồi tỉ mỉ. Khoảng 250 công ty cùng hàng trăm nghệ nhân, kiến trúc sư, chuyên gia đã đóng góp vào dự án phục hồi đang diễn ra, với mục tiêu mở cửa trở lại nhà thờ vào ngày 8/12/2024.

Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) và Bộ Văn hóa Pháp cho biết, “cuộc phiêu lưu khoa học” được khởi xướng ngay từ buổi sáng ngày hôm sau của vụ hỏa hoạn. Cuộc phiêu lưu này bắt đầu bằng chuyến tham quan nhà thờ Đức Bà Paris trong không gian thực tế ảo. Sau vụ hỏa hoạn, phần còn lại của nhà thờ đã được các nhà nghiên cứu của CNRS số hóa hoàn toàn.

Theo giải thích của CNRS, khoảng 50 nhóm nghiên cứu đã tham gia vào dự án khoa học nhằm phục chế nhà thờ Đức Bà Paris. Một nhóm kỹ thuật viên đã tạo ra bản sao kỹ thuật số của công trình, sử dụng máy quét laser để thu được hình ảnh 3 chiều, giúp tập hợp kiến ​​thức trong quá khứ và tương lai về tòa nhà vào một nền tảng số chung.

Từ đó, các chương trình nghiên cứu nhằm “bảo vệ di sản vật chất, mô hình hóa cấu trúc và thực hiện các nghiên cứu về âm học” đã mở đường cho công tác phục hồi. Ý tưởng đầu tiên là làm cho các vật liệu của nhà thờ Đức Bà Paris giống với nguyên bản nhất có thể, bao gồm các vật liệu gỗ, đá, sắt, chì...

Họ phân tích hệ thống khung gỗ của nhà thờ, vốn được tạo ra từ hàng ngàn cây sồi và lắp ráp cách đây 800 năm. Loại đá từng được dùng làm bệ thờ được lấy từ các mỏ quanh vùng, nhưng nay các mỏ này đã biến mất nên các kỹ sư phải tìm cách hợp nhất chúng với vật liệu mới hơn hoặc tìm những loại đá khác có kết cấu tương tự. Một nhóm nghiên cứu về kim loại cũng được thành lập nhằm nghiên cứu về sắt và xác định niên đại. Điều khó khăn nhất là “tái tạo âm thanh của nhà thờ Đức Bà Paris”.

Nhà thờ Đức Bà Paris có đặc điểm âm học phi thường. May mắn là, những bản ghi âm được thực hiện vào năm 2013 đã giúp giữ lại âm thanh chân thực nhất của tiếng chuông và tiếng đàn bên trong nhà thờ. Số bản ghi này được các kiến ​​trúc sư sử dụng để khôi phục về mặt âm học, bao gồm cả việc tìm hiểu xem việc trùng tu có ảnh hưởng đến tiếng đàn hay không.

Linh La

(theo AP, Campus France, Wallpaper.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI