Cách ngâm chân vào nước ấm tốt cho sức khỏe

14/11/2020 - 10:45

PNO - Ngâm chân vào nước ấm mang lại nhiều tác dụng tốt cho cơ xương khớp và tăng cường lưu thông máu.

 

Ngâm mình trong nước ấm một phần hoặc toàn bộ cơ thể là một trong những hình thức cổ xưa nhất của y học. Nhiều nghiên cứu cho thấy, điều trị bằng phương pháp ngâm nước ấm mang lại nhiều tác dụng tốt cho cơ xương khớp, bao gồm cả xơ cơ, viêm khớp, có thể làm giảm sưng, viêm và tăng cường lưu thông máu.

Hai bàn chân là nơi tập trung các huyệt đạo tác động đến hầu hết các bộ phận trên cơ thể từ não bộ đến mắt, tai, mũi, các tuyến yên, giáp, tuỵ. Và từ các hệ thần kinh cho đến các cơ quan ngũ tạng như tim, gan, mật, phổi, thận và hệ tiêu hoá như dạ dày, ruột, kết tràng, lá lách, bàng quang. Tác động lên các huyệt đạo sẽ tác dụng kích thích hoạt động các cơ quan trên.

Các bước chuẩn bị ngâm chân

-  Thuốc ngâm (thuốc bột để hoà với nước sôi): Đây là bài thuốc hoặc vị thuốc có sẵn được bán ở các nhà thuốc đông y uy tín để hoà với nước sôi. 

- Chậu ngâm có nước nóng 40 - 450C để hoà thuốc hoặc nước nóng.

- Khăn lau sạch.

- Quần áo sạch để thay nếu cần.

- Ghế ngồi cho người bệnh.

Những chứng bệnh thích hợp với liệu pháp ngâm, rửa chân

Mất ngủ: Dùng nước nóng ngâm rửa chân 1 lần mỗi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra cần đảm bảo chỗ ngủ yên tĩnh, thoáng mát. Khi ngủ cần giữ tâm lý thư thái, không nghĩ ngợi lung tung.

Ðau gót và viêm khớp cổ chân: Dùng nước thuốc gồm: Thấu cốt thảo 30g, tầm cốt phong 30g, độc hoạt 15g, nhũ hương 10g, mộc dược 10g, huyết kiệt 10g, lão hạc thảo 30g, hoàng cảo 20g. Ngâm rửa chân lúc còn nóng, mỗi ngày 2 lần.

Viêm tắc tĩnh mạch chân: Dùng Thủy điệt 30g, Thổ nguyên 10g, đào nhân 10g, tô mộc 10g, hồng hoa 10g, huyết kiệt 10g, xuyên ngưu tất 15g, phụ tử 10g, quế chi 20g, địa long 30g, cam thảo 15g, nhũ hương 10g, mộc dược 10g. Nấu lấy nước thuốc, đổ vào chậu gỗ. Ngâm rửa từ đầu gối trở xuống. Dùng khi nước thuốc còn nóng.

Cách nấu: Đun các vị thuốc trên với nước cho đun sôi với 2 lít nước trong 10 - 20 phút rồi pha lại với nước lạnh sao cho nước thuốc 40-600C là vừa.

Các bước tiến hành ngâm chân

- Kiểm tra nhiệt độ của nước ngâm xem nóng quá hoặc chưa đủ nóng đề điều chỉnh.

- Ngâm vào nước thuốc nóng 20 - 30 phút.

- Trong quá trình ngâm, tự rửa, tự xoa bóp vùng ngâm để tăng hiệu quả.

- Ngâm xong, lau khô.

- Xử lý vết tổn thương  ở da nếu có.

- Làm vệ sinh phòng, chậu ngâm.

Những điều cần lưu ý

 - Khi ngâm rửa chân cần theo dõi nhiệt độ của nước, không được quá nóng hay quá lạnh để tránh gây tổn thương chân.

 - Người cao tuổi, trẻ em hay người bệnh không tự chủ được hành vi khi ngâm rửa chân cần có người khác giúp đỡ để tránh xảy ra tai nạn.

 - Khi dùng nước thuốc ngâm rửa chân, cần chọn các vị thuốc thích hợp, tính năng của thuốc phải phù hợp với từng chứng bệnh. Không dùng thuốc có tính kích thích mạnh và ăn mòn. Tốt nhất là phải có thầy thuốc đông y hướng dẫn cụ thể.

 - Có thể phối hợp ngâm rửa chân với các liệu pháp khác nếu thấy cần thiết (có thể tiến hành cùng lúc).

 - Không dùng liệu pháp ngâm rửa chân cho người bệnh sợ nước và có các vết thương hở vùng chân.

 - Bệnh nhân có suy giãn tĩnh mạch chân nên cẩn thận, không nên ngâm chân với nước quá nóng trong thời gian lâu, nước không nên ngập quá cao lên tới cẳng chân, chỉ cần ngập bàn chân lên cổ chân là được.

 - Không ngâm chân khi quá đói hoặc quá no. Sau khi ăn xong ít nhất 30 phút mới nên ngâm chân.

 - Cần theo dõi những diễn biến trong quá trình ngâm, thay đổi các triệu chứng.

 - Theo dõi thay đổi sau khi ngâm và thông báo với thầy thuốc khi có những dấu hiệu bất thường.

Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI