Cách nào ngừng tăng giá điện?

13/03/2019 - 07:23

PNO - Giá bán lẻ điện sẽ tăng 8,36% từ cuối tháng 3/2019 là thông tin khiến người dân lo âu. Nhưng điều khiến người dân băn khoăn là, không biết đến lúc nào, ngành điện mới thôi tăng giá.

Bù lỗ đến bao giờ?

Theo thông tin từ Bộ Công thương, ngành điện vẫn bảo đảm đủ lượng điện cho sản xuất và sinh hoạt trong năm 2019, nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như than, dầu đang tăng giá, hiện tượng hạn hán do El Nino được dự báo sẽ gây khó khăn cho việc sản xuất điện trong năm nay. Ngoài ra, ngành điện đang chịu lỗ hàng tỷ đồng mỗi năm do chênh lệch tỷ giá từ các hợp đồng vay ngoại tệ. Vì vậy, để bảo đảm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kinh doanh hiệu quả hơn, cần phải tăng giá điện.

Cach nao ngung tang gia dien?

Theo ông Hoàng Trung Hiếu - CEO Hoang Property - nếu xem ngành điện là một doanh nghiệp thì có thể nói doanh nghiệp này hoạt động kém hiệu quả, lẽ ra đã phá sản từ lâu. Việc tính toán chi phí nguyên liệu đầu vào, chuyện vay nợ thế nào, hoạt động ra sao để đảm bảo doanh thu là việc của các nhà quản trị. Nếu sử dụng vốn hiệu quả cũng như biết phòng ngừa rủi ro về tỷ giá hối đoái thì việc lỗ tỷ giá sẽ không đến nỗi nghiêm trọng. Vì sao người dân phải góp tiền để bù lỗ cho một doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả?

Còn theo giáo sư - tiến sĩ luật học Nguyễn Vân Nam, mục tiêu cơ bản của một công ty độc quyền là nhằm hoàn thành nhiệm vụ công ích thay cho nhà nước, chứ không đặt mục tiêu lợi nhuận như doanh nghiệp bình thường. Việc tăng giá điện để bù lỗ cho hoạt động kinh doanh là khó có thể chấp nhận, vì nhà nước thành lập các công ty độc quyền, trong đó có các công ty điện lực, là nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để duy trì mức sống ổn định tối thiểu của người dân cũng như hoạt động của toàn xã hội. Chính vì vậy, nhà nước phải đảm bảo ngành điện luôn ổn định về giá cả và phù hợp với sức mua của người dân.

"Các công ty nhà nước vừa được độc quyền kinh doanh, vừa được nhà nước bù lỗ, nên không thể bắt người dân phải trả thêm tiền, vì như vậy chẳng khác nào công ty độc quyền trở thành công cụ để tăng nguồn thu ngân sách. Qua đây, có thể thấy, chúng ta cần phải có một đạo luật quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của loại hình doanh nghiệp độc quyền, để ngăn ngừa tác động tiêu cực của các công ty độc quyền, đồng thời đặt mô hình này trong sự kiểm soát chặt chẽ của tòa án, để khi các công ty độc quyền tăng giá tùy tiện thì người dân có quyền khởi kiện ra tòa án" - giáo sư Nguyễn Vân Nam nói. 

Cổ phần hóa ngành điện 

Theo lộ trình cổ phần hóa đến năm 2020, EVN sẽ cổ phần hóa ba tổng công ty phát điện (GENCO) trong giai đoạn 2016-2018, trong đó hoàn thành cổ phần hóa GENCO 3 trong năm 2017 và GENCO 1, 2 trong năm 2018. Sau khi cổ phần hóa 2 năm, có thể xem xét tách khỏi tập đoàn, mục tiêu là đến năm 2020, chỉ giữ lại các nhóm công ty, nhà máy thủy điện đa mục tiêu và công ty truyền tải điện quốc gia, đồng thời tái cấu trúc toàn bộ các đơn vị thành viên trong tập đoàn.

Cach nao ngung tang gia dien?

Nhưng theo báo cáo từ EVN, đến hết năm 2018, kế hoạch cổ phần và thoái vốn trong năm 2018 chưa đáp ứng mục tiêu đề ra do còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: các nội dung trong quá trình cổ phần hóa (phê duyệt phương án sử dụng đất, công bố giá trị doanh nghiệp, lựa chọn tư vấn, kiểm toán nhà nước, xác định giá trị quyền sử dụng đất...) kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ, chưa có quy định hướng dẫn thực hiện, chưa có quy định về chi phí thuê tư vấn nước ngoài... Trong khi đó, các khoản vay bằng ngoại tệ có giá trị rất lớn của các tổng công ty thành viên để đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện đã khiến EVN thua lỗ hàng trăm tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung - giảng viên Trường đại học RMIT - cho rằng, một lĩnh vực độc quyền cả cung lẫn cầu như ngành điện không thể là môi trường tự do cạnh tranh lành mạnh thu hút các nhà đầu tư. Thêm vào đó, ngành điện chưa thu hút vốn đầu tư là do thiếu minh bạch thông tin. Dù EVN luôn báo cáo lỗ, nhưng các con số về tinh giản biên chế và cải thiện các khoản chi thường xuyên đạt được hiệu quả đến đâu vẫn chưa từng được công bố. Muốn thu hút các nhà đầu tư, ngành điện cần tăng độ minh bạch, danh sách các công ty tư vấn kiểm toán cần được tham khảo rộng rãi từ các nhà đầu tư để chọn được các công ty tư vấn đáng tin cậy.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, nhà nước cần nhìn nhận xem ngành điện thuộc nhóm nào trong ba nhóm sau, từ đó có cách đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa cho phù hợp: nhóm nhiệt tình muốn cổ phần hóa vì họ nhận thấy những lợi ích trước mắt và lâu dài; nhóm cổ phần hóa để đối phó; nhóm muốn trục lợi, triển khai theo hướng có lợi nhất cho các cá nhân hay nhóm lợi ích. Nếu thuộc nhóm doanh nghiệp tranh thủ trục lợi, họ sẽ tận dụng tối đa việc thiếu vắng Luật Cổ phần hóa. Rõ ràng, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp rất phức tạp, trải qua nhiều công đoạn và phải xin lấy ý kiến nhiều lần. 

Nguy cơ xảy ra thất thoát tài sản hoặc biến tài sản nhà nước thành của riêng là hiện hữu nếu không có quy định chặt chẽ về các bên liên quan và quá trình triển khai giám sát. Vì vậy, Luật Cổ phần hóa là vô cùng cần thiết để nguồn thu của nhà nước không bị thất thoát trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI