edf40wrjww2tblPage:Content
“Kho tàng” hạnh phúc
Em Tuấn Đạt, học sinh lớp 2 trường tiểu học Nguyễn Thị Định, thành thật: “Con vui nhất khi cô giáo bị bệnh không đi dạy được!”. Tôi hỏi lại, con có chắc không, Đạt suy nghĩ, rồi reo lên: “Con biết rồi, con sẽ sung sướng vô cùng nếu mẹ mua cho con cây kiếm như trong phim để con đi… chiến đấu!”. Rồi như sợ thiếu, Đạt nhìn chén cơm đang để trước mặt, vội vàng nói thêm: “Mà vui nhất là chén cơm này nhỏ lại còn chút xíu, và thằn lằn đi vô rừng sống hết!”. Đó là hạnh phúc của một đứa trẻ biếng ăn, và mỗi lần không chịu ăn cơm thì lại bị mẹ đem thằn lằn ra dọa. Chị gái của Đạt, Bích Trâm (lớp 4, trường tiểu học Nguyễn Thị Định) lại cảm thấy hạnh phúc nếu một ngày em “làm toán nhanh hơn em Đạt”. Đạt nhanh nhảu: “Con sẽ vui lắm nếu ăn cơm nhanh hơn chị Hai”. Chị Hạ Vi, mẹ của Trâm và Đạt chia sẻ, Đạt biếng ăn nhưng thông minh hơn nên luôn thua chị hai trong cuộc thi ăn cơm, và thắng mỗi khi thi làm toán, đó là lý do của “niềm hạnh phúc” mà hai chị em vừa nói đến.
Hai chị em Bích Trâm và Tuấn Đạt
“Con thấy hạnh phúc nhất khi ba mẹ mau mau về nhà với con” là tâm sự của Minh Trang (lớp 5, trường tiểu học số 3 Nam Phước, Quảng Nam) vì em thường ở nhà một mình, chờ ba mẹ đi làm về. Gia Bảo (lớp 5, quận Tân Phú) lại ước “khu vui chơi chuyển đến gần nhà” vì mỗi lần em đòi đi chơi, mẹ em đều viện cớ đường xa để từ chối. Bảo khẳng định: “Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất, còn niềm vui thứ hai là con ước có nhiều truyện tranh để đọc, có nhiều bạn để chơi”. Rồi, Bảo sực nhớ: “Ước gì hai bạn trong xóm con là hai bạn trai chứ không phải bạn gái”. Theo lời chị Dung, mẹ Bảo, do chị kèm cặp gắt gao nên Bảo chỉ được đi chơi với các bạn trong xóm, khổ nỗi, quanh nhà chị không có bé trai mà toàn bé gái.
Thúy 10 tuổi, mồ côi ba mẹ, ở trọ cùng bà ngoại ở quận 7, mỗi sáng em theo bà ngoại đi xe buýt vào quận 1 bán vé số đến chiều lại quay về. Hồ Con Rùa là nơi nghỉ trưa của hai bà cháu. Trong những lần bắt chuyện ở Hồ Con Rùa, Thúy hồn nhiên khoe với tôi: “Làm ca sĩ là sướng nhất phải không cô? Con hát hay lắm, con muốn làm ca sĩ!”. Rồi em tự tin đứng lên nhún nhảy, hát cho tôi nghe mấy bài nhạc trẻ em nghe lỏm được khi lang thang bán vé số trong mấy quán cà phê. Không biết làm ca sĩ có… sung sướng không, nhưng nhìn cô bé bán vé số đen nhẻm vì nắng, đang mượn bài hát để mường tượng về chính mình trong dáng dấp một ca sĩ, tôi tự hỏi, có hạnh phúc nào đẹp đẽ và lớn lao hơn thế?
Hạnh phúc của trẻ thơ thường đến từ… người lớn
Những quan niệm của trẻ nhỏ về hạnh phúc tuy giản dị và ngây ngô, nhưng không phải là vô thưởng vô phạt. Những mơ ước, mong muốn - vốn là những điều dễ chia sẻ nhất - chính là một “kênh” để ba mẹ tiếp cận thế giới tâm tư mà chia sẻ ước mơ, hoặc điều chỉnh nhân cách của trẻ.
Thúy, cô bé bán vé số ở Hồ Con Rùa
Còn nhớ một lần tôi vừa xuống xe buýt ở Hồ Con Rùa, Thúy quýnh quíu chạy ra khoe với tôi một cái máy MP3 mới coóng. Bà ngoại em vội vã phân trần: “Cuối tháng tui dồn tiền mua cho nó cái đó, rồi ra tiệm nhờ người ta bỏ vào mấy bài nhạc cho nó nghe, kệ, nghèo cũng nghèo rồi, nó vui được chừng nào hay chừng ấy”. Cô bé lắc lư theo điệu nhạc, bà cụ thì lắc lư theo cô. Được mua bằng cả tình yêu và sự thấu cảm, chiếc MP3 mang đến hạnh phúc cho cả cháu và bà - một người chắc cả đời không màng đến âm nhạc.
Trong câu chuyện này, bên cạnh những mong muốn ngẫu nhiên của trẻ thơ, người lớn còn có một “hệ tiêu chí” để nhận diện hạnh phúc thay cho con trẻ. Những tiêu chí này xoay quanh các vấn đề sức khỏe, sự an toàn và việc định hình nhân cách cho con.
Dù Tuấn Đạt thích cây kiếm nhựa đã lâu nhưng đến sinh nhật con, chị Vi vẫn nhất định không mua chiếc kiếm về tặng. Mặc cho Đạt ngồi bệt xuống đất, khóc lóc, bắt đền, chị vẫn kiên quyết. Theo chị, cây kiếm chỉ làm em thỏa mãn mong muốn nhất thời, nhưng nó sẽ làm em sa vào trò đánh trận giả rất nguy hiểm của bọn trẻ trong xóm, rồi sa vào bạo lực.
Chị Dung, mẹ Gia Bảo lại giải thích cho sự nghiêm khắc của mình rằng: “Không nên thỏa hiệp những đòi hỏi không chính đáng của trẻ. Đôi lúc ba mẹ phải biết nói “không”, để trẻ thất vọng cũng là một cách để trẻ tập cách thích nghi với cuộc sống sau này”. Mỗi tháng chị Dung chỉ đưa Bảo đến khu vui chơi trẻ em một - hai lần. Có lần, trong xóm có bạn được đi chơi, Bảo nằng nặc đòi theo, không được đi, em la khóc inh ỏi. Chị Dung đợi cho con khóc xong mới đến gần trò chuyện, chỉ cho con thấy còn rất nhiều bạn nhỏ trong xóm hôm nay cũng ở nhà, rồi rất nhiều bạn không bao giờ được đến khu vui chơi. Từ đó, Bảo ngoan ngoãn chờ mẹ dắt đi chứ không còn đòi hỏi nữa.
Hạnh phúc trẻ thơ
Dường như, cách tốt nhất để mang lại hạnh phúc cho con là chỉ ra cho trẻ những điều mà em đang có. Tuy mới học lớp 7 nhưng bé Gia Nghi (trường Trương Vĩnh Ký, Tân Phú) đã khá chững chạc. Nghi kể, cách đây một năm em được mẹ dắt đi thăm một trại trẻ mồ côi ở Vũng Tàu, đến bây giờ ấn tượng về chuyến đi vẫn chưa phai mờ trong em. “Các bạn nhìn mặt mũi rất sáng sủa, thông minh nhưng không được đến trường, con thật may mắn vì có ba mẹ, và được đi học”, Nghi chia sẻ. Ý thức được niềm hạnh phúc của mình, Nghi luôn cố gắng học tập và giúp đỡ bạn bè.
Hầu hết mong muốn của trẻ thơ đều nằm trong tầm tay người lớn, vậy nên, nhiều cha mẹ chọn cách xuôi theo ý muốn của con cho đỡ phiền phức. Hơn nữa, có những bậc phụ huynh nhầm lẫn giữa việc làm cho con hạnh phúc với sự nuông chiều, dung dưỡng những ý muốn lệch lạc và thói quen đòi hỏi của con, khiến trẻ quen với việc “muốn gì được đấy” và xem nhẹ giá trị của hạnh phúc mà không biết gìn giữ, trân trọng.
Tuy chưa đủ trưởng thành để có thể hình dung rõ ràng về “hạnh phúc”, nhưng những nhận thức mơ hồ đang hình thành trong tâm hồn trẻ là những tiền đề làm nên một quan niệm về hạnh phúc mà trẻ theo đuổi sau này, cần phải được ba mẹ quan tâm, định hướng.
MINH TRÂM