Cách nào chấm dứt cơn sốt ngôn tình?

21/05/2015 - 08:38

PNO - Lệnh cấm đối với thể loại ngôn tình và đam mỹ chỉ có tính chất tạm thời, vì cơ quan quản lý nhà nước còn cần có thời gian để nghiên cứu giải pháp hợp lý hơn.

Như một cách tiếp thu ý kiến chính đáng của dư luận, Cục Xuất bản đã gửi công văn đến các NXB nhắc nhở “thời gian gần đây, một số NXB đã xuất bản nhiều xuất bản phẩm ngôn tình, đam mỹ (phần lớn là của nước ngoài), nội dung sáo mòn, vô bổ, thậm chí thô tục, phản cảm, bị thu hồi” và yêu cầu “không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ”.

Cú sốc ngôn tình và đam mỹ hiện nay khiến công chúng nhớ cơn sốt dòng văn học linglei gần một thập niên trước. Linglei phiên âm là “lánh loại”, nói về cuộc sống của giới trẻ nổi loạn muốn thoát khỏi những ràng buộc của xã hội đương đại ngột ngạt chen lấn và thị phi.

Dòng văn học linglei gây bão táp trong đời sống văn hóa Trung Quốc một thời gian dài và ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí ba gương mặt nổi trội của dòng văn học linglei là Vệ Tuệ, Xuân Thụ và Cửu Đan còn được tạp chí Time danh tiếng của Mỹ dành cho nhiều lời khen ngợi trân trọng.

Sau khi linglei hạ nhiệt, tiểu thuyết ngôn tình lên ngôi. Những cuốn ngôn tình đầu tiên của Trung Quốc thu hút đám đông đến mức các nhà làm phim tận dụng sự hâm mộ để đưa lên màn ảnh một loạt tác phẩm như Khuynh thế hoàng phi hoặc Chân Hoàn truyện.

Cach nao cham dut con sot ngon tinh?

Anh có thích nước Mỹ không? đã được Triệu Vy chọn dựng thành phim

Và đỉnh điểm để nhắc đến trào lưu ngôn tình là việc ngôi sao điện ảnh Triệu Vy với tư cách nhà sản xuất kiêm đạo diễn đã không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư cho bộ phim chuyển thể từ một tiểu thuyết hiện tượng ngôn tình là Anh có thích nước Mỹ không? của tác giả Tân Di Ổ.

Vì trước đó đã mặc định giá trị của dòng văn học linglei, nên các nhà xuất bản nước ta dễ dàng chấp nhận thể loại ngôn tình.

Xét về nội dung, ngôn tình na ná giống tiểu thuyết ba xu vẫn xuất hiện ở các quầy cho thuê truyện ở thành thị lẫn nông thôn. Đó là những câu chuyện tình kết thúc có hậu, dù gặp trắc trở cách ngăn gì thì cuối cùng đôi lứa vẫn được sống bên nhau đến răng long đầu bạc.

Thẳng thắn mà đánh giá, với phạm vi đề tài như vậy thì không có gì vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quá trình cạnh tranh giữa các tác giả, nhiều thủ thuật tu từ nhằm thu hút độc giả được áp dụng triệt để, và cho ra những tên sách giật gân như Không yêu thì biến, Công tử vô sỉ, Thiên thần sa ngã, Nghìn kế tương tư, Thịt thần tiên hoặc Cô vợ hồ ly ngốc nghếc.

Đáng lo ngại hơn, khi loại ngôn tình tung hoành lại sản sinh ra một phiên bản khá nhạy cảm: loại sách được gọi là đam mỹ, phản ánh quan hệ yêu đương giữa những người đồng giới. Càng ngày loại sách khuyến khích luyến ái của giới tính thứ ba càng có màu sắc đậm đặc. Và hậu quả tệ hại tất yếu xảy ra, không còn lằn ranh mỏng manh giữa ngôn tình, đam mỹ và… truyện sex!

Ngôn tình và đam mỹ ùa vào Việt Nam thu hút giới trẻ đọc, bình luận và viết theo. Những người viết nghiệp dư không thể bắt chước dòng văn học linglei, vì khó có được cái nhìn riêng biệt về thế sự và nhân duyên, nhưng mô phỏng cách viết ngôn tình và đam mỹ thì không quá phức tạp.

Hầu hết các công ty sách tư nhân đều tham gia liên kết xuất bản ngôn tình và đam mỹ, để tìm kiếm lợi nhuận. Có không ít đơn vị xuất bản chỉ chuyên khai thác thể loại này và trực tiếp làm ô nhiễm thị trường sách.

Cục Xuất bản đã đình chỉ phát hành một số cuốn như Anh là định mệnh trong đời hoặc Nở rộ. Tuy nhiên, những trường hợp bị xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ phát hoảng khi thử đọc qua những cuốn sách đang được truyền tay ở tuổi mới lớn như Dụ tình, Ngủ cùng Sói, Uy Uy, tình yêu của tôi đẫy rẫy những trang miêu tả tình dục tỉ mỉ và thô lậu.

Trước mắt Cục Xuất bản chỉ có thể cấm sách in, còn trên mạng vẫn có hàng chục trang web chuyên dịch và đăng tải thể loại ngôn tình và đam mỹ. Kiểm soát dòng sách nhạy cảm không đơn giản, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng!

Theo TUY HÒA
(Nông nghiệp Việt Nam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI