Cách mạng đã thay đổi cuộc đời tôi

30/04/2025 - 06:00

PNO - Tôi vào Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, hăng hái tham gia các hoạt động. Phong trào Đoàn Đội đã rèn tôi thành thanh niên mạnh khoẻ, lạc quan.

Nhân dân Sài Gòn đón chào Quân giải phóng trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Đón chào Quân giải phóng trưa 30/4/1975 (ảnh tư liệu)

Sau ngày 30/4/1975 gia đình tôi sống trong những ngày với nhiều cảm xúc đan xen. Vui vì đất nước thống nhất, không còn chiến tranh; lo là vì ba tôi từng làm việc cho chế độ cũ, không biết tương lai rồi sẽ ra sao.

Ba tôi làm ở trạm tiếp liệu xăng dầu. Ông thực hiện đầy đủ những việc cần làm: bảo quản kho xăng nguyên vẹn để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Các anh bộ đội tiếp quản kho xăng đã động viên ba tôi: “Chú đã làm rất tốt. Giờ chú về thu xếp việc nhà, một tuần sau chú ra trình diện chính quyền”. Ba tôi nói với má: “Mấy ảnh nói chỉ đi học tập cải tạo thôi, không có chuyện trả thù”. Cả nhà như trút được gánh nặng.

Tháng Tư năm đó, tôi 15 tuổi, đang học lớp 9. Các anh bộ đội tới nhà vận động tôi tham gia Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Tôi rụt rè nói: “Ba em đi học tập cải tạo, chắc em không đủ điều kiện tham gia”. Các anh cười lớn: “Đội Thiếu niên không phân biệt thành phần, ai cũng có thể tham gia. Em càng phải tham gia và thể hiện tốt, vì bản thân em”.

Câu nói của anh bộ đội đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Thì ra dù ba tôi từng làm việc ở đâu thì tôi vẫn là công dân bình thường, sống cuộc đời bình thường như bao người khác. Tôi phải phấn đấu để thay đổi cuộc đời tôi.

Dưới sự hướng dẫn của các anh bộ đội, tôi cùng Đội thiếu niên tham gia dọn dẹp đường phố, đào kênh, sinh hoạt văn nghệ, dạy bình dân học vụ…

Tôi sinh ra đã ốm yếu, đau bệnh liên miên. Vào Đội Thiếu niên, ngày nào tôi cũng hăng hái tham gia lao động và sinh hoạt văn nghệ. Các phong trào Đoàn Đội đã cuốn tôi đi, rèn tôi thành một thanh niên mạnh khoẻ, tinh thần lạc quan, tôi khỏi bệnh hồi nào không hay.

Tôi nhớ việc đi dạy bình dân học vụ rất vui. Học trò là các cô bác lớn tuổi. Người đi học, ngoài tập vở còn xách theo chiếc đèn dầu. Ban đầu các cô bác học hành rất hăng hái, về sau thì rơi rụng dần. Chúng tôi tới nhà động viên, tìm hiểu nguyên nhân.

Các bà má nói thẳng: “Tưởng đâu đi học một hai bữa là đọc được chữ, ai dè cứ a bờ cờ hoài”. Sau đó các anh bộ đội hướng dẫn chúng tôi vừa dạy chữ cái vừa dạy ráp vần để cô bác đọc được nhanh hơn. Chúng tôi lại một phen đi vận động bà con, còn doạ “mai mốt các anh bộ đội căng băng - rôn ở cổng chợ, ai đọc được chữ mới cho vô chợ”. Các bà má ghiền đi chợ, nên rủ nhau đi học đầy đủ.

Thấy lớp đông dần, chúng tôi quay sang hứa hẹn ai học giỏi sẽ có thưởng. Phần thưởng là những buổi liên hoan với cháo gà, chè đậu, bắp luộc… Vụ nấu nướng thì “học trò” giỏi hơn “thầy” nên giành làm, còn chê các “thầy” hậu đậu. Tối nào cũng ồn ào như chợ vỡ.

Những ngày tập tành làm thầy đó đã gieo trong tôi mơ ước được làm thầy giáo, mang kiến thức truyền trao cho các thế hệ học trò.

Năm tôi học lớp 12, má nói tôi học xong thì kiếm việc gì đó làm, vì nghe nói những người có “lý lịch đen” như gia đình tôi, con cái sẽ không được thi đại học. Tôi phấp phỏng lo, lẽ nào ước mơ làm thầy giáo của tôi tắt lịm? May sao, tôi được thầy cô thông báo vẫn được thi như bình thường. Cả nhà tôi vỡ oà sung sướng. Ba tôi mừng suýt khóc, bởi ba luôn cảm thấy có lỗi vì đã cản trở con đường học hành của tôi.

Tôi thi đậu vào trường đại học Sư phạm TPHCM. Sau khi tốt nghiệp, tôi về quê đi dạy. Những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng với tôi như một giấc mơ. Chính quyền cách mạng đã mở rộng cửa cho những người như tôi. Tôi luôn nói với học trò: “Xã hội luôn công bằng, luôn cho mọi người cơ hội để vươn lên, vì vậy, các em hãy cố gắng hết sức mình”.

Tôi đã luôn nỗ lực cố gắng, và tôi đã được trao cơ hội để hoàn thành ước mơ.

Nguyễn Văn Đức

(Giáo viên trường THPT Cao Lãnh 1, Đồng Tháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI