|
Ông Bindeshwar Pathak được nhiều phụ nữ biết ơn vì đã giúp cải thiện điều kiện sống của họ, giúp giảm thiểu những rủi ro họ phải đối diện do thiếu nhà vệ sinh. |
Ở Ấn Độ, đi vệ sinh là nỗi ám ảnh với nhiều phụ nữ. Do tình trạng thiếu nhà vệ sinh, chị em phải di chuyển một quãng xa nhà và đối mặt với nguy cơ bị tấn công tình dục bất cứ lúc nào.
Thông thường, các cô gái phải đi thành từng nhóm hoặc ít nhất là đi từng cặp nếu có nhu cầu vệ sinh để tránh bị tấn công.
Doanh nhân xã hội Bindeshwar Pathak hiểu được khó khăn này của phụ nữ và ông đã thí điểm mô hình nhà vệ sinh trong từng hộ gia đình. Ông Bindeshwar Pathak cho rằng: “Những rủi ro mà nữ giới Ấn Độ đối mặt bên cạnh lý do vẫn còn tồn tại những nhận thức sai lệch về giới còn có tình trạng kém an toàn cho phụ nữ liên quan tới nhà vệ sinh”.
Mô hình nhà vệ sinh cải thiện đời sống nữ giới đã được áp dụng ở ngôi làng Hir Mathala, bang Haryana.
Hoạt động với nguyên tắc tự hoại, tiết kiệm tối đa nguồn nước cho quá trình làm sạch, hệ thống này đã được Tổ chức Hỗ trợ định cư Habitat của Liên Hợp Quốc và Trung tâm Định cư công bố là một trong những phát minh tiến bộ nhất toàn cầu và hiện được Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc khuyến cáo cho hơn 2,6 triệu người trên khắp thế giới (đặc biệt là người dân ở cộng đồng dân cư nghèo đông đúc và nơi công cộng) sử dụng.
Anh Thông (theo globalcitizen.org)