Một cô giáo ở Q.Gò Vấp, TP.HCM vì sinh non, yếu sức nên không qua khỏi khi mắc COVID-19 vào cuối tháng 7/2021. Đứa bé mới chào đời đã phải rời xa vòng tay mẹ và cha, vì cha bé cũng bị lây nhiễm.
Trong thời gian cha đi cách ly điều trị, bé được cưu mang bởi các cô đồng nghiệp thân thương của mẹ (cô giáo có nghề tay trái là tư vấn bảo hiểm). Không ruột rà máu mủ, “các mẹ” vẫn yêu thương, săn sóc con hết lòng.
Tuy mất mát, buồn đau nhưng nhờ tình thương và những lời động viên, cha bé đã dần lấy lại được thăng bằng để vượt qua tai ương, làm điểm tựa cho con gái bé bỏng, món quà thiêng liêng của người vợ vắn số.
Điều đáng sợ nhất lúc này có lẽ là cả nhà phải đi cách ly, hay con nhỏ phải đi cách ly một mình, hoặc cha/mẹ đi cách ly không cùng con. Tình huống nào cũng đều khiến chúng ta lo lắng, bất an.
Khi không có cha mẹ bên cạnh, con có ổn không? Con có hoang mang khi cha mẹ bệnh, khi bất ngờ rời xa, điều mà xưa nay chưa từng có? Con về quê chơi hè rồi mùa dịch ập đến “ai ở đâu yên đó”, ông bà lớn tuổi có biết ý con để chăm sóc tốt không, có đủ sức để lo không? Bao câu hỏi ngổn ngang, rối bời cần được trấn an, đồng hành.
|
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh gửi những thông điệp tích cực đến các gia đình mùa COVID-19 |
Ở bệnh viện, vừa bị căn bệnh hoành hành, chị Lê Thị K. (Q.4, TP.HCM) vừa nhớ và rầu lo cho thằng bé ở nhà. Trước giờ, người thủ vai chính chăm sóc gia đình là chị. Mùa COVID-19, chồng chị làm việc tại nhà nhưng chị sợ anh làm việc quá say mê, không theo sát con.
Lo nhất là con đá banh trên sân thượng. Sợ con thèm ăn bánh tráng trộn, lén mở cửa chạy ra đầu hẻm như trước, hẻm chị nay đã không còn là vùng xanh.
Chị nhắn tin cho hai cha con ngày cả chục lượt; hết dặn cha cẩn thận khóa gas, đổ rác phải bịt khẩu trang, đeo tấm chắn… đến dặn con đừng lợi dụng việc học lập trình mà ôm máy tính, điện thoại đến khuya.
Chị cũng nhắc con chơi cờ, đọc sách và dò hỏi để biết con có nắm nội dung quyển sách ấy không, để chắc con có chú tâm đọc hay không. Dù vẫn liên lạc gia đình thường xuyên nhưng lòng chị lắm khi nóng ran như lửa đốt.
Vào tháng 6/2021, cả nhà bà Nguyễn Thị X. (Q.5, TP.HCM) được đưa đi cách ly tập trung vì con trai bà bị lây nhiễm từ công ty. Vào Facebook của bà, thấy con trai sáu tuổi của mình phải chịu chung cảnh với cả nhà, mẹ bé (đã chia tay với cha bé) trách móc, nặng lời rằng sao bà không giữ kỹ, để thằng bé phải khổ như thế.
Chị đòi sau khi cách ly sẽ rước thằng bé về quê. Bất ngờ, hoang mang và nóng ruột cho con nhỏ nên chị buông lời gay gắt. May có nhiều người khuyên nhủ chị nên đồng cảm và động viên gia đình nội của bé thay vì trách cứ, đổ lỗi.
Chị dần giữ được bình tĩnh và thái độ ôn hòa khi thấy con vẫn được bảo vệ tốt, con vẫn vui vẻ đọc số, đánh vần hay một ít cửu chương đơn giản bà nội dạy và con đã được trở về khỏe mạnh, an toàn.
Nỗi lo khi cách ly cha mẹ - con cái không cùng nhau là một trong những vấn đề phổ biến ở phụ huynh, nhiều người tìm đến nhờ các chuyên gia của dự án SpyCare - Chăm sóc tinh thần mùa COVID tư vấn, hỗ trợ.
Đây là dự án miễn phí vì cộng đồng, với nhiệm vụ cấp thiết nâng cao nhận thức cũng như sức khỏe tinh thần cho mọi người trong mùa dịch, được chủ trì bởi Trường đại học Sư phạm TP.HCM, phối hợp thực hiện bởi đội ngũ Khoa Tâm lý học và các chuyên gia thuộc Trung tâm Tư vấn & Đào tạo Ý Tưởng Việt (fanpage: Tư vấn & Chăm sóc tinh thần SpyCare, điện thoại: 0347 600 379, 0363 883 597).
|
Cách ly chính là lúc gần nhau, hiểu nhau và thương nhau - Ảnh minh họa |
Để giúp các gia đình an lòng, vững vàng dù có phải cách ly không cùng con cái, thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn & Đào tạo Ý Tưởng Việt, một trong 40 chuyên gia của dự án SpyCare) chia sẻ một số giải pháp:
- Luôn chuẩn bị tâm thế cho mình và cả cho con trẻ. Khi chuẩn bị cách ly, hãy nói điều này với con để con cũng có tâm thế chủ động.
- Chúng ta có thể nhờ người thân hỗ trợ chăm sóc và để mắt đến con. Đừng quên trò chuyện với con về sự hỗ trợ, giúp đỡ này để con bắt đầu tập dần, làm quen khi không có cha mẹ bên cạnh.
- Thường xuyên gọi điện thoại, trò chuyện với con, cập nhật những thông tin, sự thay đổi tâm lý của con trẻ từ đó có những phương pháp giáo dục con trẻ phù hợp, kịp thời.
- Đừng quá kỳ vọng hay khắt khe với những người đang giúp đỡ chúng ta trong việc chăm sóc, hỗ trợ con cái. Những người thân đang bằng tình yêu thương, sự động viên để thừa hành thêm nhiệm vụ giúp đỡ chúng ta giáo dục và quan tâm con cái chúng ta trong khả năng của họ. Do vậy hãy luôn biết ơn và cảm ơn người thân mỗi ngày.
- Hãy cùng con cái lập ra những kế hoạch, mục tiêu để phấn đấu. Cha mẹ sẽ thấy nhẹ nhàng hơn và con trẻ cũng sẽ chờ mong ngày cha mẹ quay trở lại trong tâm thế vui vẻ và tích cực.
- Cùng con trẻ lập ra những công việc hằng ngày phải làm, tham gia những trò chơi, gọi video call cùng nhau. Cũng có thể chia sẻ những niềm vui mà cha mẹ, con cái có được ở khu cách ly hay tại nhà. Chính sự lan tỏa niềm vui, sẻ chia câu chuyện trong cuộc sống sẽ giúp cho cha mẹ, con cái kết nối nhau nhiều hơn.
- Đặc biệt hãy nói với con rằng tuy sống không gần nhau nhưng tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ dành cho con không bao giờ vơi bớt. Tình yêu đó chỉ có mỗi ngày một lớn lên, mỗi ngày thêm tràn đầy. Chính lời nói ấy là nguồn động viên, nguồn tinh thần tuyệt vời đối với con và bản thân mình.
Tô Diệu Hiền