Cách ly hay kỳ thị?

06/02/2020 - 07:14

PNO - Sự khắc nghiệt, kỳ thị chỉ khiến người ta càng lẩn trốn và tệ hơn là cày xới thêm trên những con người đã sẵn tổn thương.

16.678 ca nhiễm tính đến sáng 5/2, và mỗi ngày, có thêm hàng chục người chết, hàng ngàn ca được xác định dương tính với virus nCoV. Đường phố vắng tanh, cả thành phố 11 triệu dân như bị bỏ hoang, gia đình bị “xé lẻ” vì cách ly.

Trong những người qua đời, có cả những đứa trẻ, những người bệnh không liên quan đến nCoV - nhưng bị tước mất nguồn sống khi người chăm sóc họ đã bi cách ly.

Đó là câu chuyện dịch bệnh đang diễn ra ở Hồ Bắc, mà tâm điểm là thủ phủ của nó - thành phố Vũ Hán. Tưởng chừng, bi kịch đánh đu theo những con số tai ác của số ca nhiễm, số ca tử vong, số người bị cách ly đã quá đủ với một thành phố mắc phải dịch bệnh, và cái tên “Vũ Hán” đủ gây bao trắc ẩn, xót xa. 

Nhưng không.

Trước ngày Vũ Hán bị phong tỏa do dịch bệnh, 5 triệu dân của thành phố này đã tỏa đi khắp nơi để du lịch, hồi hương ăn Tết. Và khi những thông tin bàng hoàng và thương tâm về dịch bệnh ở Vũ Hán được công bố, họ lập tức trở thành đối tượng bị truy tìm.

Thành phố Vũ Hán vắng tanh trong giữa dịch bệnh
Thành phố Vũ Hán vắng tanh giữa dịch bệnh

Harmo Tang - một sinh viên đang học ở Vũ Hán bị “kẹt” lại quê nhà Linhai, Chiết Giang, sau chuyến về ăn tết. Sau khi làm việc với cán bộ địa phương và tiến hành tự cách ly, anh bất ngờ bắt gặp thông tin cá nhân của mình xuất hiện trên mạng, cùng danh sách những người từ Vũ Hán quay về Linhai.

Những thông tin này được Tang cung cấp cho chính quyền Linhai trước đó. Và hôm sau, trước nhà Tang được dán tấm biển cảnh báo rằng có người trở về từ Vũ Hán đang sống ở đây, kèm số hotline để người dân gọi điện thông báo nếu Tang hoặc người thân rời khỏi căn hộ. 

Đất nước 1,4 tỷ dân với hệ thống nhận diện khuôn mặt tối tân đã chọn kiểm soát dịch bệnh bằng cách phát động "tố giác" và kiểm duyệt nhân thân lẫn nhau.

Dĩ nhiên, cuộc truy tìm được phát động bởi chính quyền, với những yêu cầu tất yếu của việc kiểm soát dịch. Nhưng, cuộc tìm kiếm sau đó đã đi khỏi giới hạn của một sự cách ly y khoa, trở thành một cuộc phát động "đấu tố", hay tệ hơn là châm ngòi cho một nạn xa lánh, kỳ thị - hợp thời đến đáng sợ.

“Người Vũ Hán” không còn là tên gọi một nhóm nạn nhân tiềm ẩn của một dịch bệnh. Nó như trở thành tên gọi của một “thủ phạm”, một "mầm mống tai họa". Và một khi đã bị sự kỳ thị xâm chiếm thì đừng nói đến “quyền con người” hay bất kỳ một sự trắc ẩn, một động thái bảo vệ, che chở tối thiểu nào. Đối tượng bị kỳ thị sẽ không còn nhìn thấy lương tri của đồng loại.

Người giao hàng làm việc giữa thành phố Vũ Hán trong trang phục bảo hộ
Người giao hàng làm việc giữa thành phố Vũ Hán trong trang phục bảo hộ

Từ chuyến đi Bắc Kinh, Andy Li - kỹ sư công nghệ ở Vũ Hán - bắt đầu “mắc kẹt” khi thành phố bị phong tỏa. Sau rất nhiều nỗ lực tự cách ly giữa sự xa lánh, chối từ của những khách sạn anh ghé vào. Li cùng gia đình được chính quyền hỗ trợ cách ly tại một khách sạn gần nhà ga thành phố Nam Kinh.

Nhưng, đằng sau cánh cổng khách sạn “dành cho người Vũ Hán” này, không hề có dấu hiệu của sự cách ly. Phòng ốc, sự phục vụ, giao tiếp không hề hạn chế. Sau những gắng gượng đơn độc để bảo vệ gia đình và các con, đến khi tiếp cận được sự hỗ trợ từ chính quyền, Li bẽ bàng nhận ra: "Họ chỉ tập trung cách ly người Vũ Hán khỏi người Nam Kinh, họ không quan tâm việc người Vũ Hán lây bệnh cho nhau".

Người Vũ Hán đang bị bỏ mặc. Sự bỏ mặc không phải chỉ ở căn phòng khách sạn bên cạnh nhà ga ở trung tâm thành phố Nam Kinh, không chỉ với người Vũ Hán, nó có cả trong những cái nhún vai, lắc đầu của cả những người làm du lịch địa phương với bất kỳ người Trung Quốc hay một người châu Á (nhìn giống Trung Quốc) bất kỳ trên thế giới.

Mới đây, khi du lịch New Zealand, bạn tôi bị một lễ tân khách sạn từ chối tiếp xúc vì… nhìn giống người Trung Quốc. Ở ngay tại Hội An, sự xa lánh và chối bỏ người Trung Quốc trong các nhà cung cấp dịch vụ đã báo động đến mức chính quyền phải tuyên phạt với những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu kỳ thị.

Sự “kỳ thị Trung Quốc”, “kỳ thị người Vũ Hán” lây lan nhanh hơn cả dịch virus nCoV. Và buồn cười là, sự kỳ thị không chỉ “mở rộng” về xuất thân đối tượng, nó còn nhân rộng ra toàn thể những người ho, sốt, hắt hơi trên đời này…

Những thuyết lý minh triết nhất đã dạy cho con người văn minh một tâm thế lĩnh hội tai họa như một bài học, rằng mọi tai ương đều dạy ta một bài học nào đó. Lần này, dịch bệnh từ nCoV đang dạy loài người điều gì nếu không phải là một bài học lớn lao và chí mạng về những liên kết mật thiết giữa người với người, giữa người với những giống loài đang cùng tồn tại trên hành tinh này. Một dịch bệnh tại Trung Quốc có thể là tai họa ở cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Việt Nam… Một virus tai ác từ dơi, rắn hay một loài động vật hoang dã nào đó đã trở thành thảm họa của chính loài người. Không có biên giới. Không có cả khoảng cách loài. Trước thiên tai, dịch bệnh - mọi thực thể trên trái đất này có cùng số phận.

Trước sự thật đó, kỳ thị chính là hành động ấu trĩ nhất mà con người có thể làm với nhau. Nó vô ích và… vô minh. Nó cũng phủ nhận toàn bộ những kỹ năng và hiểu biết của mọi con người văn minh, khi anh chối bỏ mọi phương cách cách ly, tự vệ của y học, mà chỉ nhất mực kỳ thị.

Mới đây, khi nhìn thấy hình ảnh tấm biển hiệu khổng lồ giữa trung tâm thương mại lớn của Bangkok (Thái Lan) ghi dòng chữ tiếng Thái “Trái tim chúng tôi hướng về Vũ Hán”, tôi chợt giật mình như tìm thấy một manh mối của hơi ấm, lương tri, của tính người giữa những ngày nhiều đớn đau, mất mát và bàng hoàng. Chỉ có yêu thương và hiểu biết mới làm sáng tỏ và hóa giải những tai họa, đớn đau. Sự khắc nghiệt, kỳ thị chỉ khiến người ta càng lẩn trốn và tệ hơn là cày xới thêm trên những con người đã sẵn tổn thương.

“Con người văn minh”, “con người hiểu biết” phải đâu chỉ là những danh xưng tự phong để yên tâm về sự tiến hóa của thế hệ mình. Nó còn hàm chứa những thuộc tính mà văn minh, hiểu biết đã trao tặng, để loài người biết tự vệ và bảo vệ những đối tượng yếu đuối hơn mình, hơn là trốn chạy, chối bỏ.

Minh Trâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • NY 06-02-2020 10:06:40

    Bài viết rất hay. Ai cũng là con người, họ - người dân Vũ Hán trong tâm dịch bệnh hơn ai hết cần sự chia sẻ, yêu thương. Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn. Họ không may mắn phải gánh chịu bệnh tật, mất mát. Chúng ta - những người may mắn hơn họ - hãy chia sẽ, giúp đỡ thay vì có thái độ kỳ thị. Hãy đặt mình vào trường hợp của những người ở vùng tâm dịch, mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu bị đối xử kỳ thị và xa lánh?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI