Cứ yên tâm mà cách ly
Nhận bó cỏ nặng trĩu do các đoàn viên thanh niên trong xã cắt giúp, ông Đoàn Quốc Việt (thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫy vẫy tay chào các anh em đang ngồi phía bên ngoài rào chắn rồi nhanh chóng quay về. Ở nhà, đàn bò 4 con đang đợi.
|
Ông Việt đang cho bò ăn |
“Nhờ các em thanh niên mới có cỏ cho bò, phải nói là cảm ơn tụi nó quá chừng, chứ cách ly trong này 28 ngày, không biết làm sao với mấy con bò luôn. Tài sản của gia đình đều nằm ở đây cả”, ông Việt cười, vỗ vỗ đầu con bò đang thong dong nhấm nháp cỏ tươi trong chuồng.
Không riêng gia đình ông Việt, 70 con bò trong xóm 3 của người dân đều không lo bị đói vì có cỏ tươi ăn hàng ngày .
“Công việc cắt cỏ cho bò được thực hiện ngay từ ngày thứ 2 sau khi khu dân cư được phong tỏa và sẽ được duy trì cho đến hết thời gian cách ly. Anh em phân công nhau, mỗi người một việc, người cắt cỏ, người vác cỏ đưa lên xe. Những bó cỏ sau khi cắt xong được chở đến đặt ở bờ rào bên trong khu cách ly, sau đó người dân sẽ đến lấy”, chị Phạm Thị Tiến - Phó bí thư chi đoàn thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương chia sẻ.
Ngoài việc cắt cỏ cho bò, đoàn viên thanh niên, phụ nữ xã Bình Dương luân phiên nhau nấu ăn sáng, phân chia lương thực, thực phẩm… giúp bà con đổi khẩu vị cũng như đảm bảo nhà nào cũng đầy đủ lương thực. Ở chốt trực, xã còn bố trí hẳn một đội quân “shipper” gồm 4 thành viên, nhiệm vụ chính là chuyên chở nhu yếu phẩm, quà tặng ở các nơi, mang về cho bà con trong xóm 3 .
|
Đoàn viên thanh niên cắt cỏ giúp dân xóm 3 |
Vừa xong cuộc họp, ông Đỗ Minh Huấn - Chủ tịch UBND xã Bình Dương - ngồi bần thần một lúc rồi gọi Bí thư đoàn xã lên căn dặn: “Nói anh em coi mua thêm cám cho bò của người dân trong đó nghen, rồi tính toán luôn cái vụ gặt lúa cho bà con nữa, chừng chục ngày là lúa chín trĩu rồi, coi chứ làm không kịp. Cố gắng nhé!”.
“Người dân thôn quê khi cách ly rất lo việc đồng áng, gia súc trong chuồng. Nghỉ cả tháng ở nhà, cỏ mọc đầy đồng làm sao mà canh tác, rồi trâu bò, gà lợn, còn nỗi lo lúa chín hoặc đổ ngã không ai thu hoạch… Mình không quan tâm hỗ trợ mấy chuyện đó thì chắc chắn bà con cũng không yên tâm cách ly theo đúng quy định. Phải cố gắng để sau khi dỡ cách ly, bà con có thể quay lại liền với nhịp sống bình thường”, ông Huấn chia sẻ.
Gần 2 tuần đã trôi qua, hơn 100 người dân ở xóm 3, thôn Mỹ Huệ 1 vẫn không quên được cái ngày đầu tiên phong tỏa vì có người dương tính với COVID-19. Nhiều nỗi lo ập xuống vì biết bao dự tính, công việc đành gác lại chỉ vì dịch bệnh. Cũng trong ngần ấy thời gian, có biết bao là ân tình được trao gửi giữa những người bên trong và bên ngoài rào chắn của khu cách ly.
|
Các lực lượng ở xã Nghĩa Sơn cắt lúa giúp nhà ông Nhậu |
Ngược lên vùng rừng núi của tỉnh Quảng Ngãi, dưới ánh nắng gay gắt giữa trưa đầu tháng 8, hàng chục thanh niên, phụ nữ xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa đang hối hả thu hoạch lúa cho nhà ông Phạm Văn Nhậu (thôn 2, xã Nghĩa Sơn).
4 người trong gia đình ông đang thực hiện cách ly tập trung tại khu cách ly của huyện, trong khi đó, mấy sào lúa ở nhà đã đến vụ gặt. Lo số lương thực để gia đình ông Nhậu sống trong nửa năm "đổ sông đổ biển", chính quyền tại xã có hơn 98% là đồng bào H’re này đã huy động các lực lượng và nhân dân tổ chức thu hoạch giúp, phơi khô cẩn thận.
“Ông Nhậu là lao động chính trong nhà, ổng với gia đình đi cách ly, người thân chỉ còn mỗi bà mẹ già, sao thu hoạch cho nổi? Mình và các anh, chị em trong xã đến gặt lúa giúp cho nhà ông, sau đó mang phơi. Mấy nay thời tiết lúc nắng lúc mưa, anh em phải luân phiên trông coi để lúa không bị ướt. Đây cũng là lần đầu tiên đi gặt lúa mà không có gia chủ” anh Phạm Văn Đồng - đoàn viên xã Nghĩa Sơn cười, cho biết.
Ngoài ông Nhậu, trong điều kiện thời tiết hay mưa vào buổi chiều như hiện nay, các đoàn thể trong xã cũng đang tính toán để huy động nhân lực hỗ trợ thêm các hộ gia đình đang cách ly tại nhà thu hoạch lúa.
“Họ đi cách ly là giúp mình chống dịch rồi, mình ở nhà giúp họ cũng là việc đương nhiên thôi. Cứ yên tâm là cách ly nhé, ở đây có chúng tôi lo”, ông Phạm Văn Phùng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn nói gọn bâng.
Hơn ngàn lời nói
“Thân gửi đến bà con nhân dân trong khu cách ly, xóm 3 thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương. Chẳng biết nói gì nhiều hơn trong lúc này, chúng tôi có món quà nhỏ gửi biếu bà con với tinh thần “của ít lòng nhiều”. Ông bà ta có câu “một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ…”
|
Bức thư của nhóm bạn Đỗ Sa Trường |
Biết quê nhà xuất hiện ca bệnh, nhóm bạn 6 người của anh Đỗ Sa Trường (ngụ ở TP. Quảng Ngãi) rủ nhau góp 50kg thịt heo gửi cho bà con trong khu cách ly ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn. Không được gặp trực tiếp, nhóm phân công người đánh máy rồi gửi “tâm thư” cho bà con vùng dịch.
Khi nghe tin xã kêu gọi người dân ủng hộ thực phẩm cho các khu cách ly tập trung, anh Nguyễn Xuân Vũ (thôn 6, xã nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi) đã nhanh chóng thu hoạch rau, quả trong vườn nhà để hỗ trợ. Hai vợ chồng anh Vũ đều làm nông, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thế nhưng khi dịch bệnh, chẳng chút ngần ngại, vợ chồng anh đã ủng hộ đến 2 lần, với số lượng gần 400kg đu đủ, xà lách, rau cải...
“Nông dân chúng tôi thì chỉ có những sản phẩm mình trồng được nhưng cũng mong muốn được góp sức để phòng chống dịch. Những vụ rau màu tiếp theo, nếu địa phương, các khu cách ly còn cần đến thì tôi lại tiếp tục ủng hộ", anh Vũ nói.
Ở tận Malaysia, nhóm bạn bè của MIMI gửi về nước trao tặng 2.500 khẩu trang, mì tôm, nước uống và thực phẩm, rau các loại cho khu cách ly Thị trấn Sông Vệ - huyện Tư Nghĩa; khu cách ly huyện Ba Tơ và Minh Long.
|
Các hàng hóa, nhu yếu phẩm đặt sẵn ở bên trong rào chắn để người dân ra nhận |
Từ khi đại dịch tái bùng phát và diễn biến phức tạp, hàng ngàn người phải cách ly tập trung, người dân ở Quảng Ngãi và nơi xa đều đồng lòng hướng về quê hương. Nhiều người trong số ấy lẳng lặng, âm thầm, không muốn công khai tên tuổi.
“Nhận bó rau, lạng thịt… hoặc được mua giùm viên thuốc đã làm ấm lòng những người sống trong vùng bị phong tỏa như chúng tôi. Dịch bệnh không ai muốn, nhưng cũng từ dịch bệnh mới thấy được tình nghĩa với nhau, xa về khoảng cách nhưng lại gần nhau vì sự quan tâm, chia sẻ. Quan trọng nhất là đều muốn chung tay đẩy lùi dịch bệnh” - chị Nguyễn Thị Thu Hiền, người dân ở khu cách ly thuộc tổ 9, phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi cho hay.
Hoài Phương