Cách ly F0 tại nhà: Quan trọng nhất là sự theo dõi, hỗ trợ của nhân viên y tế

27/08/2021 - 06:52

PNO - Nhiều quốc gia chọn biện pháp cách ly tại nhà cho những ca nhiễm COVID-19 vừa và nhẹ. Tuy nhiên, việc phân loại này cần được theo dõi bởi chuyên gia y tế, cùng với sự hợp tác của người nhà và F0.

Một cặp vợ chồng lớn tuổi ở Tangerang, ngoại ô Jakarta, Indonesia, xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào đầu tháng Bảy. Do chỉ có triệu chứng nhẹ, họ quyết định tự cách ly tại nhà.

Henny Kawilarang - người vợ 67 tuổi - cho biết: “Chúng tôi chỉ bị sốt”. Họ tự tìm cách hồi phục sức khỏe ở nhà bằng việc sử dụng thuốc kháng virus cũng như vitamin. Tuy nhiên, ông Sinyo - người chồng 70 tuổi - vẫn không thuyên giảm dù đã nghỉ ngơi bốn ngày. Ông không còn cảm giác thèm ăn và chỉ uống nước tăng lực cầm hơi.

Sau đó, ông đã gọi điện cho con và nói rằng ông cảm thấy khó thở. Bốn người con của ông đã cố gắng tìm giường bệnh, bình oxy quanh Jakarta và các thành phố lân cận, nhưng đều thất bại. 

Một tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ giúp bệnh nhân thở bằng bình ô-xy ở Bangkok, Thái Lan - ẢNH: AP
Một tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ giúp bệnh nhân thở bằng bình oxy ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: AP

Ahmad Arif - đồng lãnh đạo của nhóm nghiên cứu virus LaporCovid-19 - cho biết: “Việc tự cách ly nên dành cho những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc những người có các triệu chứng nhẹ”. Từ tháng Tám, Chính phủ Indonesia đã thiết lập thêm nhiều trung tâm cách ly tập trung để tiếp nhận những bệnh nhân vừa hoặc có nguy cơ chuyển nặng, nhằm ngăn chặn tử vong.

Kosuke Yasukawa - bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ - cho biết, công chúng nghĩ rằng người có các triệu chứng vừa phải sẽ cảm thấy khó thở nhẹ, nhưng thực tế, họ có thể bị sốt, ho và khó thở trong nhiều ngày do viêm phổi. Nếu bệnh nhân cần cung cấp oxy, họ được xếp vào loại “nghiêm trọng”. Nếu bệnh nhân phải sử dụng máy thở, tình trạng của họ được coi là “nguy kịch”. Do vậy, người dân khó có thể tự theo dõi và quyết định việc điều trị tại nhà nếu không nhận thêm trợ giúp từ lực lượng chức năng hoặc y, bác sĩ.

Bác sĩ Kazuma Tashiro - Giám đốc Phòng khám chăm sóc tại nhà Hinata (Tokyo, Nhật Bản) - cho biết, số cuộc gọi nhờ giúp đỡ từ bệnh nhân COVID-19 tự cách ly nhiều hơn khả năng xử lý của các y, bác sĩ.

Ông chia sẻ: “Đối với bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, tình trạng của họ có thể đột ngột chuyển nặng, nhưng họ khó có thể nhập viện ngay. Đây là lúc chúng tôi làm việc của mình. Nhưng xét về thời gian để đến nhà bệnh nhân, thay thiết bị bảo hộ cá nhân, kiểm tra và làm các thủ tục theo dõi cần thiết, một bác sĩ chỉ có thể tiếp cận tối đa năm bệnh nhân mỗi ngày”. 

Tại Thái Lan, ban đầu chính phủ cách ly y tế bất kỳ ai nhiễm COVID-19. Tính đến ngày 19/8, có khoảng 206.000 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến và bệnh viện. Những người bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng hiện được phép tự cách ly dưới sự giám sát từ xa, nhưng họ luôn gặp nhiều khó khăn.

Ekapob Laungprasert - một doanh nhân giúp thành lập nhóm tình nguyện giúp đỡ bệnh nhân gặp khó khăn ở Bangkok - cho biết, nhóm của anh và nhiều nhóm tình nguyện khác vẫn đang ngày đêm mạo hiểm sức khỏe để chăm sóc và cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân. Họ hoạt động nhờ tiền quyên góp của công chúng, hỗ trợ cung cấp thuốc, thực phẩm, oxy, cũng như thực hiện xét nghiệm nhanh và tìm giường bệnh cho những ca trở nặng.

Những “anh hùng” cộng đồng như họ đang là hy vọng cho cả bệnh nhân và hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đang căng thẳng nghiêm trọng.

Linh La

(theo Kyodo, Bangkok Post, NWA online, Straits Times, Asahi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI