Cách kích cầu du lịch tốt nhất là tạo sự cạnh tranh công bằng

09/09/2020 - 11:07

PNO - Tổng cục Du lịch Việt Nam hiện đang gấp rút lấy ý kiến doanh nghiệp về chương trình kích cầu du lịch lần thứ hai trong bối cảnh ngành này đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.

Trao đổi với chúng tôi, đồng thời cũng đóng góp ý kiến với cơ quan hữu quan về vấn đề này, bà Trần Thị Xuân Quyên - Giám đốc tư vấn đào tạo Công ty Quản lý bất động sản nghỉ dưỡng và giải trí quốc tế IRR - nói:

- Khi nghe về các gói kích cầu du lịch của Chính phủ, phần lớn doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa có vẻ ít quan tâm. Thực tế, khi đưa ra các gói kích cầu, các doanh nghiệp lớn có cơ hội nhiều hơn. Do đó, những doanh nghiệp nhỏ lẻ như chúng tôi chỉ mong sao có các chính sách đi kèm giải pháp hiệu quả nhằm tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn mà thôi.

Công bằng cho “người có tóc”

bà Trần Thị Xuân Quyên - Giám đốc tư vấn đào tạo Công ty Quản lý bất động sản nghỉ dưỡng và giải trí quốc tế IRR
Bà Trần Thị Xuân Quyên - Giám đốc tư vấn đào tạo Công ty Quản lý bất động sản nghỉ dưỡng và giải trí quốc tế IRR

Phóng viên: Theo bà, đó là những chính sách và giải pháp gì?

Bà Trần Thị Xuân Quyên: Chúng ta cần phân cấp loại hình doanh nghiệp tùy theo mô hình lớn, nhỏ và vừa để có thể tiếp cận gói kích cầu một cách tối ưu và công bằng nhất. Tôi kỳ vọng trong gói kích cầu đợt hai, các chính sách về thuế phải thực chất hơn và có biện pháp song hành “củ cà rốt và cây gậy”. Ý tôi là phải đánh giá được chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp muốn hưởng gói kích cầu.

Ngoài phân cấp về mô hình doanh nghiệp, để có sự công bằng trong việc hưởng chính sách kích cầu, Nhà nước cần phân cấp trong giám sát về quy chuẩn chất lượng, đặc biệt là giám sát, phản hồi đối với các đối tượng muốn hoặc đang được hưởng gói kích cầu. Khi đã có quy chuẩn và có quyền cấp quy chuẩn đó cho doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước cũng như các hiệp hội phải có đầy đủ kênh thông tin nhằm giám sát và phản hồi kết quả giám sát ấy một cách hữu hiệu, thực chất.

Lâu nay, cơ quan quản lý nhà nước hầu như chỉ nắm được “người có tóc”, tức những người đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, trong khi “kẻ trọc đầu” thì ngược lại. Thế nhưng những đơn vị không phép như thế lại sống khỏe. Chẳng hạn, cơ quan nhà nước gần như không kiểm soát được các đơn vị livestream bán hàng online, không biết họ có đăng ký kinh doanh hay không, có tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm cũng như phòng, chống dịch COVID-19 hay không.

Điều này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với những đơn vị phải căng mình tuân thủ các quy định. 

Du khách đến TP.HCM trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 ẢNH: ĐỖ MINH

Cần hỗ trợ các doanh nghiệp xem trọng chất lượng dịch vụ 

* Theo bà, kích cầu lần trước hiệu quả tới đâu?

- Theo tôi, kích cầu lần thứ nhất chỉ dừng lại ở kêu gọi là chính. Cho tới nay, mọi thứ chính sách chỉ đang nằm trên bàn giấy. Chúng tôi cũng chưa dám “mơ” đến gói kích cầu du lịch lần hai này.

Thực tế, dịch bệnh buộc doanh nghiệp phải tự cứu mình trước, thông qua các biện pháp thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp với bối cảnh không có khách nước ngoài, chỉ có khách nội địa. Từ đó sẽ thấy, những ai làm ăn tâm huyết thì không màng đến các chính sách giá cả nữa, họ đã xác định phải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.

Và như tôi đã nói, người quan tâm chất lượng dịch vụ lại “khó sống” trong mọi hoàn cảnh. Đây mới là vấn đề mà chính sách kích cầu cần quan tâm.

* Theo bà, vai trò đánh giá của Nhà nước hiện đang như thế nào và sẽ phải ra sao trong tương lai?

- Miếng bánh thị phần bị thu hẹp nhưng số doanh nghiệp khai thác vẫn bấy nhiêu đó. Vậy, chắc chắn doanh nghiệp cần chính sách cạnh tranh để hưởng gói kích cầu công bằng.

Thế nhưng, tôi cho rằng, việc đánh giá chất lượng đang có vấn đề. Chưa nói đến lĩnh vực lữ hành, dịch vụ ăn uống, chỉ riêng việc đánh giá hệ thống khách sạn theo chuẩn sao hiện nay là chưa đúng chất lượng của từng đơn vị.

Điều này lệ thuộc vào sự công tâm và năng lực đánh giá để cấp chuẩn sao cho cơ sở kinh doanh nghỉ dưỡng. Chất lượng dịch vụ nên được chính người thụ hưởng trực tiếp dịch vụ ấy đánh giá. Như tôi đã nói, kênh phản hồi từ người tiêu dùng trong du lịch hiện nay chưa được quan tâm.

Du khách đến TP.HCM trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 ẢNH: ĐỖ MINH
Du khách đến TPHCM trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 - Ảnh: Đỗ Minh

Tổng cục Du lịch Việt Nam là đơn vị quản lý nhà nước có chức năng thẩm định và cấp chuẩn sao cho hệ thống khách sạn, nhưng hiện nay, các khâu này đang có vấn đề. Nhiều khách sạn được đánh giá “5 sao” nhưng thực chất hoàn toàn không đạt chuẩn này. Điều này đang tạo ra sự mất niềm tin lớn từ khách hàng.

Nhân lúc thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong tình hình dịch bệnh, Tổng cục Du lịch nên nhìn nhận lại hệ thống đánh giá của mình, để việc đánh giá phải hướng tới mục tiêu vì khách hàng, cho khách hàng chứ không phải chỉ đơn giản là “gắn sao” cho doanh nghiệp nào đó.

Tóm lại, nếu có kích cầu thì nên kích cầu cho những doanh nghiệp thực sự tâm huyết đầu tư cho chất lượng dịch vụ và hỗ trợ quảng bá mô hình của họ ra công chúng. Chúng tôi cần sự kích cầu cho những đơn vị muốn xây dựng chất lượng dịch vụ. Đổ xô kích cầu cho những dạng khuyến mãi, phát hành combo, voucher này nọ trong khi chất lượng không tương xứng thì không những làm lu mờ ý nghĩa của kích cầu mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

* Bà có thể cho thêm giải pháp để giảm thiểu tiêu cực trong vấn đề trên?

- Giải pháp là tận dụng tối đa công nghệ thông tin. Hiện dường như chưa có website nào để người dân giám sát, phản hồi, đánh giá lại các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lữ hành, tour du lịch. Phản ứng của cơ quan chức năng cũng cần mạnh mẽ, nghiêm minh khi nhận được phản ánh của khách hàng. Bất cứ doanh nghiệp nào bị người dân than phiền quá nhiều thì phải hậu kiểm, nếu cần thì hạ chuẩn, hạ sao xuống. 

 Thị phần du khách quốc tế chính là nỗi ưu tư của cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp du lịch trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh
Thị phần du khách quốc tế chính là nỗi ưu tư của cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp du lịch trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh

COVID-19 lần này là một cơ hội nhắc nhở rằng, Tổng cục Du lịch Việt Nam mang vai trò, sứ mệnh cực lớn trong việc kiểm soát và đánh giá chất lượng dịch vụ. Việc đánh giá phải thực chất để người dân tin cậy. Tổng cục phải có một kênh để tiếp nhận phản hồi từ người dân, doanh nghiệp quan tâm chất lượng dịch vụ.

Cần lưu ý rằng, chất lượng mà “cân đo đong đếm” như hệ thống đánh giá chuẩn sao thì khập khiễng lắm. Chưa kể, tiêu chí đánh giá hiện vẫn thiếu linh hoạt. Ví dụ, một khách sạn ở quận 2, TPHCM chỉ có 52 phòng thôi, nên theo chuẩn chỉ đạt 3 sao, nhưng dịch vụ phục vụ khách ở đây hoàn toàn theo chuẩn 5 sao. Nếu như việc đánh giá chất lượng mang tính cảm nhận, cảm quan thì theo tôi, công tác hậu kiểm phải thường xuyên hơn để bảo đảm sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh.

* Xin cảm ơn bà. 

Ông Lê Công Năng - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Truyền thông giáo dục Wonder: Cần người cầm trịch chung để ứng phó với các đợt dịch

Khi Chính phủ có chương trình kích cầu, chúng tôi rất hào hứng và cố gắng đẩy dịch vụ của mình lên tốt nhất. Đối với chủ trương kích cầu lần thứ hai, doanh nghiệp du lịch, lữ hành như chúng tôi chỉ mong đợi một sự bảo đảm an toàn cho dịch vụ của mình. 

Đặc thù của ngành lữ hành là một sản phẩm du lịch dựa trên những đối tác cung cấp dịch vụ khác. Chẳng hạn như trong đợt kích cầu lần thứ nhất, chúng tôi có khoảng hai tháng triển khai (từ tháng Sáu đến tháng Bảy) và đã bán được tương đối tốt các sản phẩm combo tour du lịch nội địa. Thế nhưng, khi vừa tung ra bán và bắt đầu có doanh thu thì đợt dịch thứ hai trở lại, khách lập tức ồ ạt hủy tour

Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì toàn bộ các khoản thu từ khách trước đó, chúng tôi phải chuyển cho các đối tác cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, resort, vé máy bay… 

Thành thử, chúng tôi đã phải gánh rủi ro trước khách hàng thay cho các đơn vị cung cấp dịch vụ khác nên thật sự khó. Cũng như khách lẻ, chúng tôi cũng phải deal trực tiếp với khách sạn, vé máy bay theo đúng các chính sách đổi, hủy, hoàn từ bên cung cấp dịch vụ cấp một ấy. Chúng tôi phải chờ quá trình làm việc đó và thông báo các kết quả cũng như đưa ra hướng giải quyết khác nhau cho khách. 

Vì vậy, nếu có chương trình kích cầu lần thứ hai, điều tôi mong nhất là có sự kết nối toàn bộ đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch để cùng nhau chia sẻ rủi ro, từ đó đưa ra các phương án đề phòng, ứng phó tốt nhất cho các đợt dịch tiếp theo. Vai trò chủ trì ở đây chính là cơ quan nhà nước. 

Nếu Tổng cục Du lịch có thể chủ trì và đưa ra chính sách chung, áp dụng nhất quán trong toàn bộ hệ thống dịch vụ thì doanh nghiệp và khách hàng đều được nhờ. Kích cầu còn là sự quan tâm đến những đơn vị có chính sách tốt nhất cho khách hàng trước rủi ro dịch bệnh.

Ông Hoàng Việt - Chủ quán bar Carmen (quận 1, TPHCM): Tôi không biết gì về các gói hỗ trợ

Quán xá có đời sống ngắn lắm, nhưng tôi đã duy trì quán được 21 năm rồi. Điều này cho thấy chúng tôi đã rất cố gắng. Mô hình của tôi dựa phần lớn vào khách nước ngoài nhưng giờ đang có dịch COVID-19, không biết bao giờ mới vực lại được đối tượng khách này. Giờ phải xoay sang trông mong vào khách nội địa. 

Nếu có kích cầu thì Nhà nước cần làm cách nào để người dân đi chơi nhiều ở trong nước, song song với việc bảo đảm phòng, chống dịch tốt. Chi tiêu của họ khi đi du lịch cũng nên được quan tâm để họ còn “quan tâm” các dịch vụ như chúng tôi.

Tôi không biết gì về chính sách kích cầu cả lần thứ nhất lẫn thứ hai, có các ưu đãi gì, cũng không biết xin gói hỗ trợ ở đâu, thủ tục thế nào. Nếu có, điều mong mỏi nhất đối với loại hình dịch vụ như chúng tôi là được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

Ông Trần Danh - sáng lập chuỗi Quán Bụi (TPHCM): Cần xây dựng tiêu chuẩn đánh giá cho nhà hàng

Nhân chuyện kích cầu, tôi đề nghị Tổng cục Du lịch cần xúc tiến và xây dựng ngay bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ. Riêng hệ thống F&B (nhà hàng, quán ăn) cần đánh giá sao cho đạt chuẩn. Những doanh nghiệp nào đạt chuẩn thì mới được hưởng gói kích cầu.

Theo tôi, các tiêu chí đánh giá chuẩn cần bao gồm kiểm soát an toàn thực phẩm, nâng cấp và kiểm soát được chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, đạt quy chuẩn xử lý nước thải và phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp chống dịch của ban chỉ đạo quốc gia. Ngoài triệt để thực hiện giãn cách, nhân viên còn phải được huấn luyện để ứng phó với đại dịch.

Các doanh nghiệp đạt bộ tiêu chuẩn này sẽ được nằm trong hệ thống mà cơ quan nhà nước khuyến khích người dân chọn lựa thông qua hình thức kích cầu như phát hành voucher cho người dân để đến đó thụ hưởng dịch vụ. Khi khách hàng nhận biết và ủng hộ các nhà hàng đạt chuẩn như vậy thì các doanh nghiệp buộc phải tự đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ của mình, không còn sự bầy hầy như trước đây nữa. 

Các doanh nghiệp F&B muốn Tổng cục Du lịch ban hành bộ quy chế, hệ thống đánh giá và gắn sao cho nhà hàng. Ở Mỹ, người ta làm lâu rồi. Và đây chính là cách kích cầu hay nhất.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó giám đốc điều hành khách sạn Mia Saigon (quận 2, TPHCM): Cần sớm mở rộng thị phần khách quốc tế 

Các cấp chính quyền đã hỗ trợ doanh nghiệp rất tốt về thông tin dịch bệnh trong đợt một. Hỗ trợ tiền điện cũng khá tốt. Nhưng về hỗ trợ thuế thu nhập cá nhân, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ hướng dẫn nào. Trong khi đó, thu nhập của toàn bộ nhân viên đã bị cắt giảm đáng kể. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tương tự.

Tôi nghĩ, bên cạnh việc doanh nghiệp đã tự xác định phải chuyển đổi sang mô hình kinh doanh staycation (du lịch nghỉ dưỡng tại chỗ) dành cho khách nội địa, chúng tôi vẫn mong muốn Chính phủ sớm mở lại các chuyến bay thương mại nhằm mở rộng thị phần khách quốc tế. Nếu như có kích cầu lần thứ hai, tôi cho rằng, cần cân nhắc nhiều hơn về điều này. Dĩ nhiên, khi mở đường bay, chúng ta vẫn phải bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. 

Ngoài các biện pháp kiểm soát chặt đối tượng nhập cảnh như đang làm, theo tôi, khi thế giới đã có vắc-xin rồi, có thể kiểm soát chặt bằng cách đưa ra điều kiện để được nhập cảnh. Theo đó, khách nào có giấy chứng nhận đã tiêm chủng COVID-19 thì đủ tiêu chuẩn nhập cảnh.

Bản thân doanh nghiệp vẫn phải tự tuân thủ biện pháp phòng dịch, như khách sạn phải có phòng cách ly và áp dụng nghiêm việc khai báo y tế hoặc phải có giấy chứng nhận kiểm tra sức khỏe thì mới được check-in. Chúng tôi không hề muốn giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách bằng mọi giá mà xem nhẹ chất lượng hoặc bỏ qua các biện pháp bảo đảm an toàn trong mùa dịch bệnh.

Nam Anh (ghi)

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI