Vào những năm 1960-1970, hầu hết đô thị lớn của Pháp đều thiếu bãi đậu xe ở khu trung tâm. Phần lớn các không gian công cộng đều được tận dụng tối đa để làm bãi đậu xe. Khu vực quảng trường lớn của thành phố Toulouse, các đê kè ven sông và cả các công trình cổ cũng bị tháo dỡ để dùng làm bãi đậu xe. Năm 1971, người ta đã làm bãi đậu xe ngầm bên dưới khu vực quảng trường. Đến năm 1978, dù đã có những bãi đậu xe ngầm nhưng tình trạng đậu xe tràn lan trên quảng trường vẫn không được giải quyết.
Năm 1983, ông Dominique Baudis tranh cử thị trưởng Toulouse với đề xuất xây đường tàu điện ngầm đầu tiên của đô thị Toulouse. Kết quả là 10 năm sau, dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng cùng lúc với việc khởi công xây tuyến tàu điện ngầm thứ hai cùng hệ thống giao thông công cộng kết nối đến 2 đô thị vệ tinh là đô thị đại học Mirail và Rangueil. Một loạt nhà đậu xe lớn được xây dựng cạnh các ga tàu điện (Arenes, Saint Cyprien, Jean-Jaures). Từ đó, bài toán thiếu bãi đậu xe mới được giải quyết.
Về lý thuyết, việc xây dựng thêm bãi đậu xe ở khu vực trung tâm hoặc xây thêm làn đường mới không giúp giải quyết được vấn đề kẹt xe ở các khu vực trung tâm bởi chúng làm phát sinh thêm nhu cầu đi lại do việc lưu thông vào trung tâm dễ dàng hơn. Để hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, các nhà quản lý nên có chính sách khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, như tăng thuế và phí đậu xe cá nhân.
Ở Anh, Pháp, Bỉ và Hà Lan, bãi đậu xe được xem như một công cụ quản lý việc di chuyển trong đô thị. Thay vì quy định số chỗ đậu xe tối thiểu trên diện tích sàn (m2), việc quy định chỗ đậu xe tối đa đã giúp giảm số phương tiện cá nhân và tạo điều kiện cho sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng có định hướng. Đây chính là điều kiện tiên quyết thực hiện mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD), tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư.
Kiến trúc sư Lê Võ Trường Giang