Cách dùng máy lạnh tiết kiệm điện, an toàn cho sức khỏe ngày nóng

08/05/2023 - 06:18

PNO - Khi thời tiết nắng nóng 35-40 độ C, việc mở máy lạnh ở nhiệt độ 18 độ C có thể khiến mức tiêu thụ điện tăng lên đến 400% so với những ngày nhiệt độ ở mức trung bình và mở máy lạnh ở mức 26 độ C.

Những ngày gần đây, nhiệt độ TPHCM có thời điểm lên đến 38 độ C, nhiều gia đình mở máy lạnh 18-20 độ C cả ngày để tránh nóng.

Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM - máy lạnh là thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Khi thời tiết nắng nóng 35-40 độ C, nhiều người có thói quen mở máy lạnh ở nhiệt độ 18 độ C, lúc này mức tiêu thụ điện có thể tăng lên đến 400% so với những ngày nhiệt độ ở mức trung bình và máy lạnh ở mức 26 độ C. Chính vì vậy, các gia đình nên nên mở máy lạnh ở 26 độ C để vừa đủ mát, vừa giúp tiết kiệm điện.

 

Mức tiêu thụ điện có thể tăng lên đến 400% nếu mớ máy lạnh ở mức 18-25 độ C
Mức tiêu thụ điện có thể tăng lên đến 400% nếu mở máy lạnh ở mức 18 độ C

Một đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết, ngày thứ Bảy (6/5/2023) là ngày thứ hai liên tiếp sản lượng điện tiêu thụ của TPHCM lập đỉnh mới với 94.802.677 kWh/ngày. Mức này đã vượt qua đỉnh mới thiết lập 1 ngày trước đó (93,434 triệu kWh/ngày) gần 400.000 kWh. Đây là lần thứ tư trong năm 2023 sản lượng điện tiêu thụ phá kỷ lục. Mức mới này cao hơn đỉnh của năm 2022 gần 2,8 triệu kWh, và là mức cao nhất từ khi Sài Gòn - TPHCM có điện đến nay.

Để kiểm chứng cho sự tiêu hao điện năng trong những ngày nắng nóng, Trường đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM) đã xây dựng mô hình đối chứng thí nghiệm về hoạt động của máy lạnh trong các điều kiện thời tiết khác nhau.

Mô hình gồm 2 phòng có kích thước bằng nhau, gắn cùng một loại máy lạnh 1HP inverter, có hệ thống đo lường và giám sát tự động, được thiết lập theo chuẩn Smart factory. Phòng 1 làm việc ở môi trường thực tế và phòng 2 - phòng đối chứng có thể điều khiển, thay đổi nhiệt độ môi trường. 

Thực nghiệm sau 8 giờ cho thấy: Cùng cài đặt nhiệt độ máy lạnh ở 20 độ C, nếu nhiệt độ môi trường là 30 độ C thì điện năng tiêu thụ ở cả hai phòng đều là 6,46 kWh. 

Tuy nhiên, khi thay đổi nhiệt độ môi trường hoặc nhiệt độ điều hòa ở phòng 2, sẽ có sự thay đổi rõ rệt về lượng điện năng tiêu thụ. Cụ thể, khi tăng nhiệt độ môi trường lên 35 độ C và 40 độ C thì lượng điện tiêu thụ tương ứng là, 8,51 kWh (tăng 31,7%) và 10,72 kWh (tăng 65,8%). Như vậy, nhiệt độ môi trường càng cao, máy lạnh càng tiêu tốn điện năng nhiều hơn. 

 

 

Mô hình đối chứng thí nghiệm về hoạt động của máy lạnh trong các điều kiện thời tiết khác nhau của Trường đại học Tôn Đức Thắng
Mô hình đối chứng thí nghiệm về hoạt động của máy lạnh trong các điều kiện thời tiết khác nhau 

Nếu trong cùng điều kiện nhiệt độ môi trường là 35 độ C, khi mở máy lạnh 26 độ C thì điện nặng tiêu thụ là 3,55 kWh. Như vậy, để nhiệt độ càng thấp, máy lạnh càng tiêu thụ nhiều điện năng.

Nếu so những ngày có nền nhiệt trung bình 30 độ C với những ngày 40 độ C, thì điện năng tiêu thụ của máy lạnh gấp 4-5 lần (chỉ tính riêng cho trường hợp cùng số giờ sử dụng). Điều này lý giải vì sao tiền điện tăng mạnh vào tháng 4, tháng 5 hàng năm.

Do đó, trong các tháng 4-5 đối với khu vực phía Nam, nếu người dân buộc phải dùng máy lạnh thì sẽ phải trả chi phí điện nhiều, thậm chí rất nhiều. 

Tiến sĩ Đinh Hoàng Bách, khoa Điện - Điện tử Trường đại học Tôn Đức Thắng - cho biết: "Trong những ngày nắng nóng, người dân sử dụng máy lạnh với thời gian dài hơn và có xu hướng để nhiệt độ thấp. Điều này cộng với nhiệt độ môi trường cao đã tác động trực tiếp đến dàn nóng, khiến máy lạnh hoạt động nặng nề hơn nên lượng điện năng tiêu thụ tăng cao. Tủ lạnh cũng là thiết bị gặp tình trạng tương tự. Tuy nhiên, do công suất thấp hơn nên mức độ ảnh hưởng cũng thấp hơn".

Tam Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI