Cách để chúng ta trưởng thành

27/06/2022 - 07:15

PNO - "Rain Man" đã cất tiếng nói đẹp đẽ về một câu chuyện giản dị. Ở thời điểm đó, bộ phim đã mở một cánh cửa cho khán giả hiểu hơn về thế giới của người tự kỷ, để chúng ta chấp nhận và kiên nhẫn với họ.

Với nội dung vừa cảm động vừa dí dỏm cùng diễn xuất tuyệt vời của Dustin Hoffman và Tom Cruise, Rain Man vẫn được nhắc lại nhiều lần trong gần 35 năm qua mỗi khi khán giả muốn xem một bộ phim đề tài gia đình.Với nội dung vừa cảm động vừa dí dỏm cùng diễn xuất tuyệt vời của Dustin Hoffman và Tom Cruise, Rain Man vẫn được nhắc lại nhiều lần trong gần 35 năm qua mỗi khi khán giả muốn xem một bộ phim đề tài gia đình.

Rain Man đã cất tiếng nói đẹp đẽ về tình cảm gia đình
Rain Man đã cất tiếng nói đẹp đẽ về tình cảm gia đình

Rain Man (tạm dịch: Người Mưa) là bộ phim hành trình với cấu trúc đơn giản, nội dung giản dị, thậm chí khán giả có thể dễ dàng đoán được diễn biến của phim nhưng không hề nhàm chán, vì sự tinh tế. Hai nhân vật chính - anh em ruột bị chia cắt từ lâu - đã cho ta biết cách kết nối với những người thân trong gia đình và đó cũng là cách để chúng ta 
trưởng thành.

Khi cảm nhận được tình thân, ta biết mở lòng chấp nhận nhau 

Charlie Babbitt (Tom Cruise) là một doanh nhân trẻ đang gặp khó khăn trong công việc. Cũng vào thời điểm đó, anh hay tin cha mình qua đời. Charlie đến đám tang hòng nhận được món thừa kế từ người cha quá cố mà anh đã không liên lạc từ lâu nhưng chỉ nhận về sự thất vọng. Cha anh đã để lại cho anh chiếc xe Buick 1949 mui trần mà ông viết trong di chúc “chiếc xe mà… bất hạnh thay, đã cắt sự liên hệ giữa bố con” và những bụi hồng, 3 triệu USD thừa kế được trao cho người anh trai. Không chấp nhận phần thừa kế ít ỏi, cuối cùng, Charlie đã tìm thấy người anh của mình đang sống tại một trại tâm thần.

Raymond - anh trai Charlie - mắc chứng tự kỷ, có thể nhớ tất cả những cuốn sách đã đọc và giải các phép toán khó trong vài giây nhưng không hiểu ý nghĩa của chúng. Charlie “bắt cóc” anh trai, người vốn không có ý niệm gì về tiền bạc, với ý định ít nhất phải lấy được một nửa khoản tiền thừa kế. Hai anh em lên xe, cuộc hành trình bắt đầu. Đó là quá trình thay đổi tâm lý, cảm xúc của Charlie và cả Raymond.  

Nhân vật Raymond đã đem về tượng vàng Oscar thứ hai cho Dustin Hoffman trong sự nghiệp diễn xuất
Nhân vật Raymond đã đem về tượng vàng Oscar thứ hai cho Dustin Hoffman trong sự nghiệp diễn xuất

Hành trình của hai anh em từ Cincinnati đến Los Angeles chính là hành trình tìm lại tình thân đã bị đứt gãy. Đó cũng là hành trình để Charlie học cách chấp nhận những thứ sẽ đến với mình còn Raymond học cách đi qua các giới hạn trong cuộc sống với não bộ khiếm khuyết. Tuổi tác không phản ánh được sự trưởng thành. Khi mở rộng tấm lòng để đón nhận mọi thứ, cảm nhận cuộc sống bằng từng giác quan là ta đang lớn lên mỗi ngày.

Charlie đã nông nổi “ngắt kết nối” với cha mình sau cơn nóng giận, đã ích kỷ vì đang khó khăn lại mất toi số tiền thừa kế mà anh nghĩ mình đáng được nhận, đã bực bội vì bỗng dưng có một người anh không bình thường mà mọi người đã giấu anh bấy lâu… Còn Raymond đã sống một cuộc sống gần như không cảm xúc với mọi thứ được sắp đặt theo một trật tự nhất định.

Trong quãng thời gian ngắn ngủi với anh trai, sự ích kỷ, tâm trạng bực dọc của Charlie được thay thế bằng tình yêu thương và những xáo trộn trong chuyến đi đã đẩy Raymond ra khỏi giới hạn trước đó để cảm nhận cuộc sống bằng cảm xúc khác, tiếp xúc với nhiều người, học khiêu vũ, ăn món ăn khác trước, xem chương trình khác trên ti vi, thử hẹn hò với một cô gái và hôn cô ấy…

Bộ phim đã đoạt bốn tượng Oscar lần thứ 61 (năm 1989)
Bộ phim đã đoạt bốn tượng Oscar lần thứ 61 (năm 1989)

Rain Man không cố tình kể lể để khán giả sụt sịt về tình cảm gia đình vốn dĩ là thứ rất dễ làm khán giả cảm động. Không hề có những lời dẫn hay câu thoại bi lụy, bộ phim chỉ bình thản kể lại một hành trình nhưng lại để khán giả nhận ra rất nhiều khoảnh khắc tinh tế, thú vị. Vì vậy, cảm xúc bộ phim đem lại cho khán giả không phải là những cú lay động tức thì mà là một nỗi vấn vương.

Hãy để ý ánh mắt của Raymond, từ chỗ gần như không có biểu cảm gì, trừ những lần la hét vì bị kích động cho đến khi đôi mắt ấy có cảm xúc hơn, còn biết cười và nói đùa. Thật khó có thể viết thành lời về diễn xuất tài tình của ngôi sao Dustin Hoffiman cho nhân vật Raymond. Raymond biến đổi theo từng chi tiết được lần giở trong hành trình, từ đó kéo theo những thay đổi của Charlie hoặc cũng có thể ngược lại, khi Charlie từ từ mở rộng lòng mình thì tâm lý của cả hai đều thay đổi. Đó là tác động hai chiều và tình anh em được thiết lập trở lại.

Charlie biết rằng Raymond chính là “Rain Man” - người bạn trong tưởng tượng thuở bé của anh - thường xuất hiện cùng bài hát của The Beatles mỗi khi anh sợ hãi, còn với Raymond, Charlie đã thay thế V.E.R.N để trở thành người bạn tốt nhất. Chỉ hai câu thoại ngắn và hóm hỉnh ở gần cuối phim, Charlie nói: “Raymond, nói cho ông ấy biết đi”, Raymond đáp: “K.Mart chẳng là cái quái gì” đủ để khán giả hiểu rằng Charlie tin Raymond muốn có người em này và Raymond rõ ràng đã bước ra khỏi giới hạn cứng nhắc để đứng cùng “phe” với em trai mình.

Kết phim, Raymond trở lại Wallbrook - nơi cho anh cuộc sống an toàn trong trật tự cứng nhắc - nhưng điều này không quan trọng. Điều quan trọng là trái tim của Charlie đã mở rộng để đón nhận anh trai mình, hiểu và chấp nhận thế giới đầy giới hạn của Raymond. Tại Wallbrook, Raymond vẫn sinh hoạt theo cách “bảo thủ” nhất nhưng rõ ràng khác trước, anh đã có đứa em trai Charlie bé bỏng ngày xưa.

Chiếc tượng Oscar cảm động nhất

Rain Man đã cất tiếng nói đẹp đẽ về một câu chuyện giản dị. Ở thời điểm đó, bộ phim đã mở một cánh cửa cho khán giả hiểu hơn về thế giới của người tự kỷ, để chúng ta chấp nhận và kiên nhẫn với họ. Cho nên, khán giả và giới chuyên môn không bất ngờ khi bộ phim này đã đoạt bốn tượng Oscar lần thứ 61 (năm 1989) cho các hạng mục: Phim hay nhất, Kịch bản xuất sắc nhất (Barry Morrow và Ranald Bass), Đạo diễn xuất sắc nhất (Barry Levinson), Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Dustin Hoffman) và cả giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 39.

Không chỉ gây tiếng vang với loạt giải thưởng, Rain Man còn thành công rất lớn về doanh thu: kinh phí đầu tư 25 triệu USD và đem về 355 triệu USD.

Trailer phim Rain Man:

 

Nhân vật Raymond được xây dựng dựa trên hình mẫu có thật là Kim Peek, người bạn mắc chứng tự kỷ và có trí nhớ siêu phàm của biên kịch Barry Morrow.

Sau khi Barry Morrow và người đồng viết kịch bản nhận tượng vàng, họ đã tặng lại cho Kim Peek. Từ đó, chiếc tượng Oscar đã theo Kim đi chu du khắp nơi trên thế giới trong những buổi nói chuyện của anh với phần đông là cộng đồng người tự kỷ nhỏ tuổi. Câu chuyện đầy cảm hứng của Kim Peek đã thu hút khá nhiều người và chiếc tượng Oscar ấy trở thành vật phẩm được di chuyển nhiều nhất và được nhiều người chạm vào.

Trong một lần gặp lại tượng vàng Oscar ấy, Barry đùa rằng nó đã bị bong tróc gần hết vàng và Kim Peek đã đáp lại: “Vàng giờ đây đã nằm trên tay những em bé”. Khi nhận vai, Dustin Hoffman đã đề nghị được gặp Kim Peek, tìm hiểu về anh và đời sống của người tự kỷ để rồi đến nay, khi nhắc đến bộ phim, chắc chắn người ta sẽ không thể quên diễn viên thủ vai Raymond. Chính Raymond đã đem về tượng vàng Oscar thứ hai cho Dustin Hoffman trong sự nghiệp diễn xuất. 

Tom Cruise khi đó là chàng diễn viên trẻ của Hollywood. Dù anh là ngôi sao được chờ đón ở những bộ phim hành động bom tấn nhưng rất nhiều khán giả vẫn cho rằng họ thích anh ở quá khứ, khi thể hiện những vai diễn tâm lý. Bên cạnh diễn xuất có chiều sâu khiến khán giả lay động chỉ với từng ánh mắt, từng chuyển động nhỏ nhất của Dustin, Tom Cruise cũng lột tả được hình ảnh một Charlie nóng nảy, ích kỷ và ánh mắt từ cáu bẳn chuyển sang dịu dàng, từ chịu đựng sang buông lỏng, rộng mở.

Biên kịch và đạo diễn đã rất có lý khi chọn thể loại hành trình để thể hiện đề tài của bộ phim như một ý ẩn dụ. Kết nối với gia đình đôi khi là một hành trình. Học cách chấp nhận mọi thứ diễn ra xung quanh ta là cả một hành trình. Biết nhìn mỗi người và sự việc ngay vị trí của chính họ cũng là một hành trình… 

Lam Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI