PNO - PN - Trong bối cảnh phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, chuyện dạy văn, dạy người đang được nhiều nhà giáo dục quan tâm đặc biệt. Để hiểu thêm về bản chất của việc dạy, học văn hiện nay và yêu cầu...
edf40wrjww2tblPage:Content
* Thưa tiến sĩ, lâu nay, một giáo viên (GV) dạy văn giỏi được xem là người giảng văn thu hút được học sinh (HS) ngồi nghe và phần nào gieo được vào HS sự yêu thích văn chương. Quan niệm này có còn đúng không?
- Xưa nay chúng ta vẫn quan niệm dạy văn là chỉ dạy văn chương nghệ thuật. Do khái niệm về văn bản bị xem nhẹ nên chương trình giảng dạy cũ chỉ quan tâm đến văn chương nghệ thuật. Chương trình - sách giáo khoa (SGK) hiện tại đã mở rộng khái niệm văn bản giảng dạy trong nhà trường, ngoài văn bản nghệ thuật đã có thêm một số văn bản phi hư cấu. Nhưng vì số lượng còn ít nên đến lúc này, khi nói đến dạy văn, người ta vẫn xem dạy văn chương nghệ thuật là chính.
Vì đặc trưng của văn bản nghệ thuật nên xưa nay cách dạy cơ bản là người thầy cảm thụ văn bản và “nói” lại sự cảm thụ của mình cho HS. Người thầy giỏi là người có thể “nói” một cách nghệ thuật, diễn cảm, có tác động truyền lửa. Người ta xem giờ văn như vậy mới có chất văn. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, dạy văn không chỉ là dạy văn bản văn chương nghệ thuật mà còn là dạy “đọc hiểu” nhiều loại văn bản khác (thường gọi là văn bản thông tin) mà HS có thể gặp trong cuộc sống. Vì vậy, tôi không phủ nhận cách dạy truyền thống, nhưng như thế là chưa đủ, cần phải có thêm nhiều cách khác. Thứ hai, tuy người thầy dạy hay, có cảm xúc và bằng cảm xúc của mình có thể khơi dậy cảm xúc trong lòng HS, nhưng cách đó vẫn là thụ động. Cần có những cách khác để HS tự tìm thấy tình yêu đối với tác phẩm văn học. Bởi sau này, khi ra trường, trước một tác phẩm, HS đâu thể chỉ khen hay khi nghe người khác khen. Có thể, bằng cảm xúc của mình, người thầy khơi gợi cảm xúc cho HS ở giai đoạn đầu, giúp các em hào hứng bước vào tác phẩm. Tuy nhiên, bước tiếp theo thì người thầy phải biết lùi lại, trở thành người hướng dẫn để các em tự tìm ra cái hay, cái đẹp của tác phẩm.
Ở nước ngoài, khi dạy tác phẩm người ta thường gắn vấn đề của tác phẩm với cuộc sống hiện tại của HS. Cụ thể, họ quan tâm đến bối cảnh đọc văn: tác phẩm được đọc trong hoàn cảnh nào, ai đọc, mang lại ý nghĩa như thế nào? Chúng ta thì thường chỉ quan tâm đến bối cảnh xây dựng văn bản như tác giả viết ra tác phẩm trong hoàn cảnh nào, để bộc lộ điều gì... Vì thế, HS sẽ thấy tác phẩm chỉ liên quan đến quá khứ, liên quan đến những người viết ra nó, còn bản thân các em không biết đọc để làm gì, học được gì trong đó. Đó là một trong những lý do khiến HS không thấy được mối dây liên hệ giữa tác phẩm văn học với cuộc đời thực, không cảm thấy có ý nghĩa gì ngoài việc học để thi.
Học sinh trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) học tiết văn trên sông nước - một cách làm nhằm khơi gợi cảm xúc cho học sinh.
* Có một thực tế là trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh ĐH, hàng vạn, thậm chí hàng triệu bài thi của HS trình bày những ý văn giống nhau cho một đề văn. Điều này có bất thường không, thưa tiến sĩ?
- Hết sức bất thường chứ! Nhưng vì điều đó diễn ra thường xuyên nên nhiều người cứ ngỡ là bình thường. Do cách thi của ta chú trọng đến nội dung kiến thức, nên khi dạy, GV chỉ quan tâm cung cấp tất cả những kiến thức liên quan cho HS để đảm bảo các em thi tốt. GV phải đọc và tham khảo rất nhiều bài nghiên cứu về tác phẩm của các giáo sư, tiến sĩ, rồi hệ thống lại thành bài hoàn chỉnh để cung cấp cho HS.
Vì thế, khi thi, ngay cả những HS giỏi nhất cũng khó có thể sáng tạo thêm được, vì làm sao các em có thể vượt qua được thầy cô và những học giả đã nghiên cứu lâu năm về tác phẩm? HS bị ép vào cái khuôn đó, không còn chỗ nào để sáng tạo thêm. Vì vậy, dù tác phẩm có hay đi nữa, nhưng đã học theo một cái khuôn như thế thì HS sẽ cảm thấy nhàm chán. Chính nhiều GV cũng than phiền chấm văn rất chán, vì các bài đều na ná như nhau.
Cách dạy học này làm hạn chế khả năng sáng tạo ở HS, tạo thói quen nói và làm theo người khác, nói không thật, nói dối. Không tốt chút nào!
* Tiếp nhận văn học là phải bằng trái tim của mỗi người. Hình như cách dạy học văn hiện tại đang đi ngược quy luật này?
- Bản chất của văn bản nghệ thuật là đa nghĩa và khơi gợi cảm xúc, nên nó dễ làm cho người ta yêu thích và tìm hiểu. Tuy nhiên, như đã nói, do cách dạy văn của ta lại quá quan tâm nhồi nhét kiến thức để phục vụ thi cử, nên nó làm mất đi chất văn. Chúng ta dạy HS tiếp cận tác phẩm văn học không khác gì với tiếp cận một văn bản thông tin. Cách dạy đó không quan tâm đến HS với những kiến thức nền khác nhau. Tất cả HS đều có chung một cách giải mã tác phẩm và đều “ra” những sản phẩm na ná nhau. Điều này đi ngược với bản chất của việc tiếp nhận văn học.
* Tiến sĩ có nghĩ sách hướng dẫn GV đang giết chết trái tim văn học của người thầy?
- GV cũng có phần nào đó giống như học trò. Bản thân GV khi đọc những tài liệu hướng dẫn quá chi tiết sẽ mất đi sự sáng tạo, sẽ bị lệ thuộc vào các tài liệu đó. Ở nước ngoài họ cũng có sách tham khảo, nhưng khi kiểm tra đánh giá, họ xem trọng kỹ năng. Vì thế, khi dạy học, GV không chú trọng nhiều đến cung cấp kiến thức cụ thể của văn bản mà phải chú trọng dạy cho HS những kỹ năng khai thác văn bản đó, để HS có thể áp dụng những kỹ năng này vào khai thác những văn bản khác.
Vì thế, sự lệ thuộc vào tài liệu tham khảo không nhiều. Ngoài ra, tuy trong khung chương trình của nhiều nước có phần gợi ý về cách giảng dạy cho GV, nhưng cũng thiên về hướng dẫn phương pháp và kỹ năng, chứ không phải liệt kê những nội dung kiến thức cụ thể. Tôi nghĩ, nếu chúng ta chuyển từ việc đánh giá các kiến thức cụ thể qua đánh giá các kỹ năng, năng lực của HS thì sẽ tạo được sự thay đổi lớn.
* Trong hoàn cảnh cụ thể là chương trình - SGK và đội ngũ GV hiện tại, chúng ta có thể chuyển hướng dạy học văn từ thuyết giảng và tiếp thu có định hướng sang gợi mở cho HS tự khám phá, tiếp nhận văn học bằng cảm nhận của riêng mình?
- Chương trình - SGK là yếu tố quan trọng nhưng không quyết định tất cả. Yếu tố quyết định vẫn là ở tư tưởng của GV. Với những điều kiện hiện tại, để dạy theo cách mới là khó khăn, vì SGK không đồng bộ. Nhưng, ở mức độ nào đó vẫn có thể thay đổi nếu có sự hướng dẫn, chỉ đạo để người GV thông hiểu về cách dạy mới. Nghĩa là cũng văn bản đó, nếu chuyển từ khai thác kiến thức sang dạy kỹ năng thì sẽ dạy như thế nào.
Theo tôi, ta vẫn có thể làm được và có thể làm đồng bộ ở các cấp học. Dĩ nhiên, kết quả sẽ không tốt bằng khi chúng ta có sự thay đổi đồng bộ tất cả, từ chương trình - SGK, phương pháp dạy học đến kiểm tra đánh giá, nhưng chắc chắn sẽ có những chuyển biến theo chiều hướng tốt.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.