Cách dạy và thi cử hiện nay khó duy trì vị thế toán học của Việt Nam

31/07/2019 - 07:27

PNO - Nếu không có chính sách phù hợp trong việc đào tạo học sinh chuyên, đặc biệt là đào tạo đại học thì khó có thể đảm bảo toán học cũng như các môn khoa học khác giữ được vị thế hiện nay trong hai, ba chục năm tới.

Tính theo số công bố ISI, toán học Việt Nam đứng vị trí 30-40 thế giới và vị trí của đội tuyển Việt Nam tại kỳ thi Olympic toán học thế giới dành cho học sinh THPT (IMO) thường xuyên xung quanh top 10. Nhưng nếu không có những chính sách phù hợp trong việc đào tạo học sinh chuyên, đặc biệt là đào tạo đại học thì khó có thể đảm bảo toán học cũng như các môn khoa học khác giữ được vị thế hiện nay trong vòng hai, ba chục năm tới. 

Học sinh chuyên toán còn yếu phương pháp tư duy

Trong báo cáo vừa qua của nhóm nghiên cứu độc lập Trắc lượng khoa học Việt Nam Scientometrics for Vietnam, số lượng công bố ISI (Web of Science) ngành toán ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á. Thành tích này, các nhà toán học Việt Nam đã đạt được từ năm 2015, sau khi vượt qua Singapore. Cũng tính theo các con số này, vị trí của toán học Việt Nam ở khoảng 30-40 trên thế giới. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng ta sẽ mất đi vị thế của mình trong ngành toán học (và có thể nhiều ngành khác nữa) nếu duy trì cách thức đào tạo học sinh giỏi như hiện nay. 

Từ năm 2010, Chính phủ phê duyệt đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên 2010-2020 (quyết định số 959/QĐ-TTg). Mục tiêu là xây dựng hệ thống trường THPT chuyên để “phát hiện những học sinh có tư chất thông minh... tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế”.

Đề án cũng nêu rõ các yêu cầu: “Đến năm 2015, có khoảng 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp THPT được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học trong nước và tại các trường đại học uy tín ở nước ngoài và đạt 50% vào năm 2020”.

Cach day va thi cu hien nay kho duy tri vi the toan hoc cua Viet Nam

6/6 học sinh đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic toán quốc tế năm 2019 đều giành huy chương

Tuy nhiên, nội dung chương trình tại các trường THPT chuyên mới là vấn đề đáng bàn. Đến nay, câu hỏi dạy gì cho các học sinh chuyên thậm chí chưa hề được đặt ra. Ngược lại, do ảnh hưởng tiêu cực của mô hình thi trắc nghiệm khách quan hai năm vừa qua, cũng như do khuynh hướng du học nước ngoài, chất lượng sinh viên ưu tú tại các trường đại học lớn ngày càng giảm sút - những lời phàn nàn tôi nghe được từ các giảng viên. 

Đây là điều đáng lo lắng, vì ngay trước khi chất lượng giảm sút thì chất lượng học sinh chuyên cũng không được như mong muốn. Cần làm rõ, khi nói tới “chất lượng học sinh” tôi muốn đề cập hiểu biết kiến thức, khả năng tiếp thu kiến thức và giải quyết vấn đề, phương pháp học tập, tư duy, chứ không đề cập tư chất của học sinh. Có thể hiểu, mặc dù các trường THPT chuyên về cơ bản vẫn lựa chọn được những học sinh có tư chất thông minh, nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng chưa hẳn tốt.

Thực trạng ở các trường THPT chuyên với môn toán diễn ra như sau: khi được chọn vào lớp chuyên toán, các em là những học sinh có tư chất tốt, có đam mê với môn học. Tuy nhiên, niềm đam mê đó của đa số học sinh thường không kéo dài quá năm lớp Mười. Sau đó, chỉ còn một số học sinh tiếp tục theo đuổi môn toán, mà mục tiêu cũng chỉ là theo đuổi các kỳ thi học sinh giỏi (một số tham gia do có sự động viên, thuyết phục, thậm chí thúc ép của thầy cô). Còn đa số học sinh, sau sự hăm hở năm đầu đều tập trung toàn lực cho việc thi đại học. 

Đáng lo lắng hơn đối với các lớp chuyên toán, khi hình thức thi tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để xét tuyển đại học chuyển sang 100% trắc nghiệm khách quan. Học sinh vì phải tập trung luyện quá nhiều kỹ năng, mẹo mực không khoa học để có thể trả lời được số lượng lớn câu hỏi khó trong thời gian rất ngắn (đề năm 2019 là 50 câu làm trong thời gian 90 phút), đã hoàn toàn không được dạy về phương pháp tư duy toán học. 

Rất tiếc, phương pháp tư duy là nội dung quan trọng nhất khiến cho việc học toán trở nên có ích. Ngay cả đối với các học sinh tiếp tục theo đuổi môn toán, với mục đích chủ yếu là giành giải tại các kỳ thi học sinh giỏi, việc tập trung quá nhiều thời gian vào việc giải quyết các bài toán quá rắc rối, hình thức giảng dạy nhồi nhét kiến thức mà thiếu sự định hướng một cách khoa học cũng là sự lãng phí thời gian đối với các em. Cần thấy rằng, các học sinh này thực sự là tinh hoa và xứng đáng được hưởng một chương trình giáo dục tốt hơn, không chạy theo thành tích. 

Trên nền của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó thay thế cách tiếp cận nội dung bằng cách tiếp cận năng lực, rất cần có một bộ sách giáo khoa đầy đủ cho học sinh chuyên và có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các học sinh giỏi nói chung cũng như cho giáo viên. 

Kiến thức toán phổ thông không tiếp nối với đại học

Mô hình trường chuyên còn có khó khăn căn bản là yếu tố động cơ. Như đã nói, học sinh chuyên toán sẽ bị điều khiển bởi một trong hai động cơ: thi đỗ đại học với số điểm cao, xin học bổng đi học nước ngoài; hoặc đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi, cuối cùng cũng để vào được đại học hay có học bổng đi học nước ngoài. Điểm mấu chốt là chẳng ai quan tâm tới việc học sinh sẽ học đại học như thế nào. 

Hiện tại đang có độ vênh quá lớn giữa nội dung giảng dạy bậc THPT và đại học, nhất là với môn toán. Học sinh chuyên được luyện để giải quyết những bài toán hết sức phức tạp, trong số đó cũng có những bài toán hay, dù tỷ lệ không nhiều, nhưng việc dạy và học chủ yếu tập trung vào việc: biết một lời giải và nhớ nó.

Trong khi đó, các kiến thức cơ bản rất quan trọng của toán học hầu như không được đề cập. Học sinh không được học một cách bài bản về phương pháp tư duy, không có được hình dung toán học là gì và để làm gì. Điều này khiến nhiều học sinh, kể cả học sinh giỏi cũng gặp khó khăn khi vào đại học, nơi mà toán học được dạy theo cách hoàn toàn khác.

Nhiều kiến thức mà các giảng viên đại học cho rằng học sinh đã nắm vững trong chương trình THPT nhưng thực ra không phải, điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu và kết quả học tập của sinh viên ở bậc đại học. 

Do đó, mục tiêu tích cực của việc học chuyên thì ít mà sự lãng phí lại nhiều, trước tiên là lãng phí thời gian của học sinh. Tai hại hơn, nội dung giảng dạy ở trường chuyên, vì được coi là hình thức giảng dạy ưu việt, còn được mở rộng đối với lớp chất lượng cao trong nhiều trường phổ thông, ảnh hưởng tới cả việc ra đề tại các kỳ thi. Trong khi đó, những học sinh này, vì quá tập trung vào việc chọn phương án đúng bằng các giải pháp mẹo mực, dựa dẫm hoàn toàn vào máy tính cầm tay trong việc giải bài, hoàn toàn hổng kiến thức cơ sở khi lên đại học.

Cho đến bây giờ, toán học Việt Nam vẫn đang thừa hưởng những thành quả do các bậc tiền bối như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy và nhiều người khác dày công xây đắp. Nhưng nếu không có chính sách phù hợp đối với đào tạo học sinh chuyên và đặc biệt là đào tạo đại học, khó có thể đảm bảo toán học cũng như các khoa học khác giữ được vị thế hiện nay của mình trong vòng hai, ba chục năm tới. 

Đừng coi kỳ thi học sinh giỏi là “phao cứu sinh”

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hiện đang là “phao cứu sinh” cho sự tồn tại của nhiều trường chuyên. Thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi được coi là thành tích quan trọng của trường cũng như ngành giáo dục tỉnh nhà. Các trường chuyên vì thế phải chịu sức ép về chuyện có giải. Các ưu tiên trong xét tuyển vào đại học đối với học sinh được giải cũng góp phần tạo thêm sức ép cho kỳ thi. Các yếu tố này góp phần làm cho kỳ thi mất ý nghĩa của kỳ thi dành cho những người yêu toán mà trở thành… cuộc đua tốn kém.

Do đó, cần thay đổi quan niệm về các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng như các kỳ thi Olympic quốc tế. Điểm mấu chốt cần nhận thức: thành tích của đội tuyển các tỉnh không phải là thành tích của giáo dục Việt Nam nói chung, lại càng không phải là chỉ dấu chất lượng cho giáo dục Việt Nam. 

Giáo sư Phùng Hồ Hải 
(Viện trưởng Viện toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI