Những ngày qua, trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đang gia tăng. Bác sĩ Dư Tuấn Quy – khoa Nhiễm & Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM – cho biết, tính đến ngày 1/10 đã có 188 trẻ nhập viện điều trị tay chân miệng.
Trong đó, 28 bé phải nằm cấp cứu, một bé mắc tay chân miệng độ 4, hai bé độ 3, còn lại ở cấp độ 2 và 2b. Trung bình mỗi giờ có 7 ca nhập viện vì tay chân miệng. Bệnh viện gần như quá tải, phải tăng cường 3 phòng nội trú từ căn tin cũ để điều trị cho bệnh nhi nhẹ hơn.
Trong nửa tháng trẻ mắc bệnh tay chân miệng 2 lần
Tại Khu khám bệnh theo yêu cầu 2, các bà mẹ đưa con đến khám trong trạng thái lo lắng, vì không biết bệnh nhi ở cạnh bên có đang bị bệnh tay chân miệng không. Chị Nguyễn Thị Thương (32 tuổi, ở tỉnh Long An) cho hay: “Mấy ngày qua con tôi bị sốt, bác sĩ nói cháu bị viêm họng và sốt siêu vi. Hôm nay cháu đi tái khám, nhưng nghe bệnh tay chân miệng thì tôi lại lo, lỡ cháu hết bệnh này lại lây bệnh kia thì tội cháu”.
Ngày 2/10, chỉ tính riêng phòng khám có bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm & Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang trực, trong vòng 30 phút khi phóng viên có mặt, trong 5 trẻ được đưa đến thăm khám, đã có 3 trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
|
Bé T. vừa được phát hiện mắc bệnh tay chân miệng, bé cần được tái khám trong những ngày tiếp theo để kiểm soát bệnh. |
Mẹ bé N.B.T. (7 tháng tuổi, nhà ở quận Tân Bình) khá lo lắng khi nghe bác sĩ nói con gái mình bị tay chân miệng. Tuy bé T. chỉ mới khởi phát bệnh, sốt nhẹ, nổi mụn nước ở chân, tay nhưng cần được theo dõi kỹ ít nhất trong vòng 5 ngày để tránh bệnh diễn tiến nhanh chóng.
Bệnh của bé V.D.K. (1 tuổi, gửi nhà trẻ được 3 tháng) lại khác, người bé K. nổi nhiều mụn nước, có mụn đã khô, nhưng có thêm nhiều mụn mới nổi. Mẹ bé thổ lộ 10 ngày trước bé đã bị bệnh tay chân miệng, chị có đưa đi khám và được bác sĩ cho thuốc uống, bôi nên bé khỏi.
“Khi bé vừa hết bệnh, tôi cho cháu đi học tiếp. Được hơn tuần thì cô giáo nói cháu có dấu hiệu bệnh trở lại. Cháu mới bệnh xong nên tôi không nghĩ con mình bị lại. Không ngờ chưa đầy nửa tháng mà cháu mắc tay chân miệng tới 2 lần. Lớp con tôi có 4 bé được trường cho nghỉ học vì nghi ngờ bị tay chân miệng”, mẹ bé K. nói.
|
Bệnh tay chân miệng đang vào mùa, năm nay bệnh tăng nhanh hơn so với những năm trước |
Thăm khám cho bé K. xong, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, bệnh tay chân miệng đang vào mùa, năm nay bệnh tăng nhanh hơn so với những năm trước. Số lượng trẻ ở tỉnh mắc bệnh ngang với trẻ ở thành phố, không chỉ trẻ đi học, mà ở nhà cũng bệnh. Nếu không được kiểm soát, số lượng trẻ mắc bệnh này tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà sao cho tốt?
Theo bác sĩ Khanh, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Khi khởi phát, bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng, đa phần trẻ bị sốt nhẹ, nổi mụn nước nhưng ít. Ban đầu, người lớn dễ bị lầm tưởng con mình bị dị ứng hoặc thủy đậu.
Để chăm sóc trẻ tại nhà, người lớn không kiêng ăn uống để trẻ có đủ chất, nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu, ăn nhiều rau, uống nhiều nước. Nếu trẻ nổi mụn nước, không kiêng cử tắm rửa, phải vệ sinh tốt, không bôi bất kỳ loại thuốc gì lên mụn nước.
Trước khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần rửa tay thật sạch, cách ly trẻ với những bé khác xung quanh. Theo dõi bệnh liên tục, phải hạ sốt ngay khi phát hiện trẻ nóng sốt. Nếu trẻ tiếp tục sốt cao, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế.
|
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng |
“Bệnh tay chân miệng có diễn biến rất nhanh, nhiều trường hợp chỉ trong vòng vài giờ đã xuất hiện các biến chứng về tim mạch, hô hấp, thần kinh, nguy cơ tử vong rất cao. Ở Bệnh viện Nhi đồng 1 có nhiều trẻ phải thở máy, một trẻ đã tử vong vì bệnh này”, bác sĩ Khanh cho biết.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo trong thời gian này nếu trẻ có các dấu hiệu như: sốt, chảy nước bọt nhiều, miệng, lòng bàn tay, chân nổi mụn nước… có thể trẻ đang bị tay chân miệng. Người thân phải chú ý khi trẻ ngủ nếu bị run tay, chân, giật mình, thở mệt hoặc trẻ sốt cao quá 2 ngày thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được thăm khám kịp thời.
Khi trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh nên thông báo với nhà trường (nếu trẻ đang đi học). Trường hợp lớp học hoặc nơi ở có nhiều trẻ bị bệnh này cùng thời điểm, nhà trường và địa phương phải báo ngay với trung tâm y tế dự phòng để nhân viên y tế xử lý, phòng chống bệnh lây lan trên diện rộng.
Thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 47.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó đến 23.344 trường hợp phải nhập viện. Tính riêng tháng 9, cả nước có hơn 12.200 trường hợp trẻ mắc bệnh này.
Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong tháng 8 và 9, trung bình mỗi tuần có 200 ca nhập viện vì tay chân miêng. Cá biệt có tuần gần 300 ca, tăng 47% so với các tuần trước đó. Tổng số ca bệnh nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng của TP.HCM hiện là 3.200 ca và 15.500 ca điều trị ngoại trú.
Ba dấu hiệu có thể chân miệng diễn tiến nặng: Trẻ khóc nhiều, quấy khóc suốt đêm, cứ 15 – 20 phút trẻ lại tỉnh giấc, quấy khóc; Sốt cao không hạ, sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ, uống thuốc không hạ; Đặc biệt, trẻ run tay chân, giật mình khi đang ngủ, tần suất giật mình nhiều, phải đưa trẻ đến bênh viện ngay vì có thế tay chân miệng tăng nặng và đang gây biến chứng.
|
Phạm An