Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

02/09/2019 - 11:47

PNO - Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Tuy diễn tiến bệnh sốt xuất huyết rất khó lường nhưng người bệnh có thể vượt qua nếu người nhà chăm sóc, theo dõi bệnh và đưa đến bệnh viện kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cach cham soc benh nhan sot xuat huyet tai nha
Sốt xuất huyết khi trở nặng sẽ có những diễn tiến rất bất thường.

Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 130.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 16 trường hợp tử vong.

Đặc biệt, trong những tuần gần đây, số ca mắc SXH ghi nhận trên cả nước tăng từ 5.000-10.000 ca bệnh/tuần. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc SXH tăng hơn ba lần, tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, khuyến cáo: “Tuy diễn tiến bệnh SXH rất khó lường nhưng người bệnh nào cũng có thể vượt qua nếu người nhà chăm sóc, theo dõi bệnh và đưa đến bệnh viện theo hướng dẫn của bác sĩ”.

Với những ca điều trị ngoại trú, gia đình phải biết cách chăm sóc bệnh nhân SXH tại nhà, nhất là trẻ em.

Cach cham soc benh nhan sot xuat huyet tai nha
Sốt xuất huyết nổi ban đỏ

1. Thời điểm mới mắc bệnh SXH dễ nhầm với sốt siêu vi, viêm họng hoặc tay chân miệng. Nhưng đặc điểm nhận dạng của SXH là sốt đột ngột 39-400C, nếu uống thuốc hạ sốt sẽ giảm nhưng sau đó liền tăng cao trở lại.

Lúc này người bệnh không được mua thuốc tự điều trị vì sẽ khiến biểu hiện của bệnh bị ẩn đi. Vì vậy, chỉ nên cho người bệnh uống thuốc hạ sốt, không uống kháng sinh, kèm lau mát, mặc đồ thoáng mát, không kiêng ăn, uống nhiều nước lọc.

2. Theo dõi sốt bằng nhiệt kế nhiều lần trong ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 4 tiếng. Nếu thấy người bệnh sốt cao, tiếp tục cho uống thuốc paracetamol hạ sốt. Cần lưu ý liều lượng với trẻ em không vượt quá 60mg/kg/ngày hoặc không uống quá 1.000mg/ngày (4 gói hạ sốt 250mg), người lớn dùng không quá 2.000mg paracetamol (4 viên hạ sốt 500mg).

3. Khi bệnh SXH sang ngày thứ hai, ba, người bệnh sẽ mệt mỏi, nổi chấm đỏ trên da, nhức đầu, đau họng khiến một số bệnh nhân ăn uống kém. Do đó, người nhà cần theo dõi vị trí nốt ban, cho người bệnh ăn thức ăn loãng, trái cây, uống nhiều nước, chia nhỏ các buổi ăn, mỗi lần ăn một lượng nhỏ.

Không ăn hoặc uống thực phẩm có màu đỏ để tránh nhầm lẫn nôn máu nếu bệnh nhân nôn ói hoặc đi tiêu. Cụ thể, cha mẹ không cho trẻ ăn cháo huyết, uống nước ngọt vì khi đi ngoài, tiểu tiện thì phân, nước tiểu sậm màu rất khó phân biệt đây là màu thức ăn hay màu của máu do bị xuất huyết.

Cach cham soc benh nhan sot xuat huyet tai nha
Bác sĩ Phong đang hướng dẫn cách theo dõi và chăm sóc bệnh cho người nhà bệnh nhân.

4. Nếu người bệnh sốt cao, dùng khăn ấm lau khắp cơ thể, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch sẽ khiến cơ thể phù nề dẫn đến suy hô hấp. Đồng thời, người bệnh nên hạn chế tắm rửa, va chạm mạnh sẽ khiến SXH tiến triển nặng hơn.

5. Khi người bệnh đột nhiên bớt sốt, hạ nhiệt nên cứ nghĩ sắp khỏi bệnh. Thực ra, đây là thời điểm SXH “lấy đà” để tấn công mạnh nhất nên người chăm sóc cần lưu ý hơn.

Giai đoạn này, người bệnh sẽ trở nặng bất kỳ lúc nào, thậm chí bị sốc SXH và rơi vào nguy hiểm, xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa hay biến chứng suy đa cơ quan, suy hô hấp, tổn thương não, nguy cơ tử vong rất cao.

Có thể bệnh đã khiến bạch cầu, tiểu cầu giảm đáng kể, ảnh hưởng đến khả năng đề kháng của bệnh nhân. Vì vậy, hãy đưa bệnh nhân đến bác sĩ để được khám và hướng dẫn theo dõi những dấu hiệu tăng nặng của bệnh.

Cach cham soc benh nhan sot xuat huyet tai nha
Nhiều người đã rơi vào nguy kịch vì mắc sốt xuất huyết.

Ngoài ra, nếu người bệnh bị chảy máu chân răng, đi tiêu ra máu, chảy máu mũi, phải đưa đến bệnh viện ngay, tránh sốc SXH.

Nếu vượt qua được giai đoạn trên, ngày thứ tư đến thứ bảy của bệnh, người bệnh sẽ từ từ hồi phục, nhịp tim, huyết động ổn định, đi tiểu nhiều, có cảm giác thèm ăn và khát nước. Tuy nhiên, người nhà cũng phải đưa người bệnh đi tái khám theo lịch hẹn, tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về theo dõi và chăm sóc sau bệnh.

Đến nay, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Người dân nên chủ động tiêu diệt muỗi, tránh nước đọng, loại bỏ nơi cư trú của muỗi, tránh xa nơi thiếu sáng, sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem chống muỗi, buông màn khi ngủ.

Khi nhà có người SXH, cần phải nhanh chóng báo cho trung tâm y tế dự phòng của quận, huyện đang ở tới xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi khắp nhà để ngăn bệnh lây lan. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI