Cách ăn uống phục hồi sức khỏe sau nhiễm COVID-19

17/09/2021 - 06:41

PNO - Sau thời gian huy động mọi nguồn lực trong cơ thể chống chọi với COVID-19, sức đề kháng, máu huyết của người bệnh suy giảm đáng kể. Nhiều cơ quan như hệ miễn dịch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh bị tổn thương, do đó cần có chế độ ăn uống phù hợp để cơ thể hồi phục.

Theo Đông y, đó là những triệu chứng cho thấy phần khí (năng lượng), phần âm (máu huyết, tân dịch); phế (bộ máy hô hấp), tỳ vị (bộ máy tiêu hóa) và thần kinh của cơ thể đã bị tổn thương và suy giảm công năng. Vì vậy, cần duy trì một chế độ ăn phù hợp để giúp bồi dưỡng chính khí và làm lành những tổn thương cho cơ thể.

Một số thực đơn điển hình

Cháo hoài sơn, hạt sen: hoài sơn 30g, bí xanh 20g, hạt sen 20g, ý dĩ 20g, gừng tươi 5g. Rửa sạch nguyên liệu, cắt khúc vừa ăn. Hầm hoài sơn, ý dĩ, hạt sen gần nhừ thì cho tiếp bí xanh vào hầm cho tất cả cùng nhừ; giã gừng tươi cho vào, nêm nếm vừa ăn. Dùng 2 - 3 lần/tuần, ăn nóng. Đặc biệt thích hợp với những người cơ thể suy nhược, dễ bị cảm.

Cháo cát căn, hạt sen: cát căn (sắn dây) 30g, hạt sen 15g, táo đỏ 5g, gạo trắng 100g; tất cả cùng rửa/vo sạch. Cho nước vừa đủ, nấu nhừ, nêm vừa ăn. Dùng 2 - 3 lần/tuần, ăn nóng. Đặc biệt thích hợp với người hay đổ mồ hôi, nóng bứt rứt, tức nghẹn; khó thở, khó ngủ.

Cháo hoàng kỳ, táo đỏ: 30g hoàng kỳ, 15g cam thảo, 100g gạo tẻ, 10 quả táo đỏ (hoặc 20g hoàng kỳ, 60g gạo tẻ, đường trắng). Hoàng kỳ, cam thảo sắc lấy nước. Gạo và táo nấu thành cháo, hòa nước sắc hoàng kỳ, cam thảo vào cháo, quấy đều. Dùng 2 - 3 lần/tuần, ăn nóng. Đặc biệt thích hợp với người cơ thể suy nhược, dễ bị cảm.

Cháo ý dĩ, phục linh: 60g ý dĩ, 15g bột phục linh; cho nước vừa đủ, nấu thành cháo, nêm nếm vừa ăn. Dùng 2 - 3 lần/tuần, ăn nóng. Đặc biệt thích hợp với người có hệ tiêu hóa kém.

Cháo tía tô, gạo tẻ: 15g tía tô, 100g gạo tẻ. Gạo nấu thành cháo, nêm vừa ăn, cắt nhuyễn tía tô cho vào, ăn nóng. Dùng vào buổi tối, 3 - 4 lần/tuần. Thích hợp cho người vẫn còn ho, đàm, khó thở.

Cháo táo đỏ, bí đỏ: 500g bí đỏ, 15 - 20 quả táo đỏ, đường đỏ. Nấu nhừ bí và táo thành cháo, thêm đường vào, ăn lúc nóng. Thích hợp cho người sau nhiễm COVID-19 mà vẫn bị ho, đàm. Dùng vào buổi sáng, 3 - 4 lần/tuần. Thích hợp cho người vẫn còn ho, đàm. 

Hoàng kỳ, hoài sơn hầm gà: thịt gà 300-500g chặt miếng vừa ăn, ướp muối hạt; sinh hoàng kỳ 30g, hoài sơn 15g, gừng tươi 15g rửa sạch. Cho hoàng kỳ, hoài sơn vào hầm lửa nhỏ 30 phút. Cho tiếp gà vào hầm đến khi mềm, giã gừng cho vào, nêm vừa khẩu vị. Dùng 1 lần/tuần, ăn nóng. 

Mộc nhĩ chưng đường phèn: 10 - 15g mộc nhĩ trắng lẫn đen, đường phèn. Ngâm và rửa sạch mộc nhĩ, trộn với đường phèn, hấp cách thủy 2 - 3 tiếng. Ăn mộc nhĩ và uống nước, hai lần/tuần. Thích hợp cho người vẫn còn ho, họng khô khát.

Nước đảng sâm: 10-15g đảng sâm, 30g gạo sao vàng, cho thêm bốn chén nước, sắc còn 1,5 chén; uống cách ngày. 

Nước rau cải: 500g rau cải tươi, rửa sạch, cắt khúc; 10g gừng tươi cắt lát. Cho bốn chén nước vào nấu, lấy hai chén, cho thêm ít muối vào, uống nóng, mỗi ngày hai lần, dùng cách ngày. Thích hợp cho người vẫn còn ho, đàm.

Mật ong hấp củ cải: 300g củ cải, 60g mật ong. Rửa sạch củ cải, gọt vỏ, khoét rộng phần giữa, cho mật ong vào, hấp cách thủy, ăn nóng. Dùng cách ngày. Thích hợp cho người vẫn còn ho, đàm.

Ngũ vị tử ngâm trứng gà: 250g ngũ vị tử, 10 quả trứng gà. Sắc ngũ vị tử lấy nước, để nguội. Đập 10 quả trứng vào ngâm từ 6 - 7 ngày. Ngày uống hai lần, sáng và chiều. Uống chung với nước sôi hoặc rượu nóng, thêm ít đường; dùng 2 - 3 ngày/tuần. 

Sa sâm nấu trứng gà: Sa sâm 30g, trứng gà 2 quả. Rửa sạch sa sâm, cho vào nồi, đổ 3 bát nước vào nấu lửa nhỏ còn 2 bát. Luộc trứng chín, bóc vỏ, cho trứng vào nước sa sâm nấu còn khoảng gần một bát nước. Cho đường vừa đủ vào quấy đều. Ăn trứng, uống nước; dùng 2 - 3 lần/tuần.

Mộc Nguyên (Hội Đông y Q.Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI