Các vở diễn đề tài lịch sử - cách mạng trở lại với công chúng

15/05/2024 - 11:32

PNO - Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 6 vở diễn đề tài lịch sử và truyền thống cách mạng đến với khán giả. Các vở diễn bao gồm cả cải lương, kịch nói lẫn rối nước, từ sân khấu người lớn đến sân khấu thiếu nhi. Đáng mừng hơn, phần lớn tác phẩm đều được đánh giá cao, nhận được nhiều tình cảm từ người xem.

Tín hiệu vui

Đầu tiên, phải kể đến vở cải lương Người ven đô (kịch bản: Minh Khoa; chuyển thể: Nguyễn Gia Nghiệm; đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hoa Hạ) của sân khấu Đại Việt công diễn vào tối 27/4 nhân kỷ niệm 49 năm ngày thống nhất đất nước. Đây là tác phẩm rất được mong chờ, khán giả muốn biết ê kíp vở diễn sẽ vượt qua áp lực như thế nào khi cái bóng của bản dựng năm 1976 trên sân khấu đoàn cải lương Sài Gòn 1 là quá lớn.

Theo yêu cầu của nhiều khán giả,  sân khấu Đại Việt sẽ tái diễn vở  Người ven đô vào tối 19/5
Theo yêu cầu của nhiều khán giả, sân khấu Đại Việt sẽ tái diễn vở Người ven đô vào tối 19/5

Phiên bản mới của Người ven đô đã thành công khi trình làng với dấu ấn riêng. Một Người ven đô vẫn đầy hào khí mà lại rất “trẻ”. Tinh thần trẻ trung của vở diễn thể hiện qua các mảng dựng kịch tính dồn dập, không ngừng đẩy cảm xúc người xem và nhất là diễn xuất “đầy lửa” của nghệ sĩ. Như mong muốn của soạn giả Hoàng Song Việt - “ông bầu” của sân khấu Đại Việt - vở diễn góp phần khẳng định tài năng, bản lĩnh của một lớp NSƯT, xứng đáng nối tiếp các bậc tiền bối giữ gìn những giá trị tinh hoa của nghệ thuật cải lương.

Trước đó không lâu, vở Khúc tráng ca thành Gia Định của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng ra mắt với ấn tượng đầy mới mẻ. Đây là kịch bản hoàn toàn mới của tác giả trẻ Phạm Văn Đằng. Đạo diễn Hoa Hạ cũng mang đến một bản dựng “đậm chất hành động”, hấp dẫn người xem. Vở diễn cũng thể hiện góc nhìn cởi mở hơn khi khai thác một giai đoạn lịch sử nhiều đau thương của dân tộc và ghi nhận công lao của cả những “người hùng chiến bại” - điều rất hiếm thấy ở những tác phẩm lịch sử trước đó.

Mới đây nhất, sân khấu Sen Việt đã công diễn vở Lá cờ thêu 6 chữ vàng (tác giả: Nguyên Phương; đạo diễn: NSƯT Nguyên Đạt), trước khi ra Bắc dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024. Tuy chưa thật xuất sắc nhưng hình thức nhạc kịch dân ca Nam Bộ cũng là một nét mới, là cách đưa âm nhạc dân tộc đến gần với người trẻ.

Không chỉ sân khấu cải lương, kịch nói thời gian qua cũng nổi bật với những vở diễn lịch sử. Hoành tráng nhất là vở nhạc kịch Tình sử Thăng Long (cảm tác từ kịch bản Công chúa Ngọc Hân của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ). Dự án hợp tác giữa Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân và NSƯT Kim Tử Long công diễn tại nhà hát Bến Thành vào dịp tết Nguyên đán 2024. Vì nhiều lý do, doanh thu không được như ý, nhưng tác phẩm thể hiện nhiều đổi mới trong chế tác sân khấu, trong đó khâu quảng bá được đặc biệt chú trọng và thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp. Với ê kíp toàn người trẻ, vở diễn cũng thể hiện chủ trương “chuyển giao thế hệ” tại sân khấu Hồng Vân.

Bắt tay thực hiện vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (đạo diễn: Hoàng Duẩn), nhà hát kịch IDECAF đối mặt với nhiều áp lực khi trước đó đã phải chia tay nhiều ngôi sao gạo cội. Tuy nhiên, với tiền đề từ những Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh Triều Lê…, nhà hát đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các tác phẩm lịch sử quy mô lớn. Sự thành công của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử đã khẳng định được sinh khí mới tại nhà hát kịch IDECAF.

Sau vở rối nước đề tài lịch sử đầu tiên - Anh hùng Nguyễn Trung Trực, nhà hát nghệ thuật Phương Nam tiếp tục mang đến vở rối nước đề tài biển đảo đầu tiên - Trước ngọn sóng. Tiếp tục khai thác những đề tài mới mẻ, thoát khỏi lối mòn, cũng là chủ trương của nhà hát trong tương lai.

Định hướng lâu dài

Trong tháng Sáu, sân khấu Chí Linh - Vân Hà sẽ giới thiệu vở Sấm vang dòng Như Nguyệt (tác giả: Yến Ngân; đạo diễn: Chí Linh). Sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang cũng có kế hoạch ra mắt 1 vở cải lương lịch sử trong tháng Mười.

Việc 2 sân khấu xã hội hóa chuyên diễn tuồng cổ thử sức ở đề tài lịch sử thực sự rất đáng mong chờ, bởi sự mới mẻ từ góc nhìn những tác giả trẻ cũng như những mảng miếng dàn dựng của sân khấu cải lương tuồng cổ luôn hấp dẫn người xem. Thời gian qua, cả sân khấu Chí Linh - Vân Hà và Lê Nguyễn Trường Giang đều thu hút nhiều khán giả trẻ. NSƯT Vân Hà mong rằng, với nền tảng gầy dựng được, tác phẩm lịch sử của sân khấu cũng sẽ được khán giả đón nhận như các vở diễn khác.

Cả 5 suất diễn đầu của vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử đều “cháy vé”
Cả 5 suất diễn đầu của vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử đều “cháy vé”

Sân khấu Đại Việt sẽ tái diễn vở Đêm trước ngày hoàng đạo (tác giả: Võ Tử Uyên, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) từng gây tiếng vang tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2022 trong tháng Bảy. Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết, sân khấu Đại Việt hướng đến những tác phẩm cải lương chuẩn mực mà mới mẻ cùng các giá trị văn hóa - lịch sử dân tộc và những tác phẩm tiếp theo sẽ không chệch quỹ đạo này.

Thực tế, đề tài lịch sử - cách mạng luôn là niềm đau đáu đối với người làm sân khấu. Nhưng nan giải nhất vẫn là “bài toán đầu ra”. Thời gian qua, có không ít vở diễn chất lượng nhưng gặp nhiều gian nan, gần như không đạt hiệu quả kinh tế. Tình sử Thăng Long chỉ diễn được 2 suất tết và vẫn chưa có kế hoạch tái diễn. Các vở Chuyện tình Khau Vai, Đêm trước ngày hoàng đạo, Truyền thuyết chàng Sa Mộc… của sân khấu Đại Việt dù đều được đánh giá cao cũng đều chưa qua mốc 3 suất diễn…

Hiện tại, thành công nhất là vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử của nhà hát kịch IDECAF khi 5 suất diễn đầu tiên đều cháy vé. Tuy nhiên, vở đang tạm dừng vì nhà hát phải tập trung cho chương trình Ngày xửa ngày xưa trong dịp hè. “Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF cho biết vở sẽ trở lại sau mùa diễn Ngày xửa ngày xưa, đồng thời các vở lịch sử tiếp theo về Hai Bà Trưng và Thái sư Trần Thủ Độ cũng đang được chuẩn bị.

Nhà hát kịch IDECAF cũng đang dẫn đầu về số suất diễn cho các tác phẩm lịch sử với hơn 80 suất Bí mật vườn Lệ Chi, 47 suất Tiên Nga, 15 suất Vua thánh triều Lê… “Chúng tôi diễn tại nhà hát Bến Thành, bán được từ 500 vé/suất, phục vụ hàng chục ngàn khán giả, nhưng lại chưa khi nào huề vốn. Lần này, đưa Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử về diễn ở nhà hát Thanh Niên có quy mô vừa phải hơn, cũng đỡ phần chi phí, hy vọng sẽ kéo dài được suất diễn” - ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

Những năm qua, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Yến và nhà hát Thế Giới Trẻ (Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) đã tìm được lối đi riêng khi tiếp cận khán giả học đường. Những vở diễn lịch sử và giàu chất văn học của đơn vị, như: Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thuở ấy, Vụ án cậu trời… đã có hơn 200 suất diễn phục vụ học đường. Bên cạnh chất lượng vở diễn đạt chuẩn, đây còn là kết quả của nỗ lực bền bỉ đặt quan hệ, kết nối các trường học một cách chân thành và tin cậy của nhà hát Thế Giới Trẻ.

Sân khấu học đường cũng đang được nhà hát kịch IDECAF và sân khấu Sen Việt hướng đến khi chủ động mời đại diện các trường học đến xem tác phẩm và đề xuất hợp tác. “Nhà hát kịch IDECAF đã phối hợp Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM khởi động chương trình Sân khấu sử Việt học đường. Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ xe đưa rước học sinh các trường đến nhà hát Thanh Niên xem chương trình” - ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

Dù còn nhiều khó khăn, người làm sân khấu đều tâm huyết với đề tài lịch sử - cách mạng và rất nỗ lực để thực hiện, đưa tác phẩm đến công chúng. Với ý thức trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ ngày càng cao và định hướng làm nghề ngày càng rõ ràng, tin rằng các vở diễn đề tài lịch sử - cách mạng sẽ lan tỏa nhiều hơn trong thời gian tới.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI