Các vị Tổng thống Mỹ đã làm gì trong những ngày cuối nhiệm kỳ

13/09/2016 - 13:35

PNO - Trong những ngày cuối, ai cũng cố gắng làm tốt nhất có thể để lưu giữ lại hình ảnh đẹp nhất của mình trong lòng người dân và in đậm dấu ấn về quyền lực của mình sau những năm dài cống hiến hết mình cho đất nước.

Tổng thống Bill Clinton (nhiệm kỳ 1993 - 2001)

Ngày cuối cùng của Tổng thống Bill Clinton cùng vợ và con gái trong Nhà Trắng đã được ông kể lại trong hồi ký của mình.

"Khi tôi trở về nơi cư trú của mình thì trời đã khuya mà chúng tôi vẫn chưa dọn xong đồ đạc. Chỗ nào cũng thấy nào thùng, nào hộp, và tôi cũng chưa quyết định là sẽ gửi thùng quần áo mình đi đâu - New York, Washington hay Arkansas.

Hillary và tôi đều không muốn ngủ đêm nay. Chúng tôi chỉ muốn lang thang từ phòng này sang phòng khác... Thật không ngờ chúng tôi đã ở đây tám năm và nay mọi sự đã đến đoạn kết.

Cac vi Tong thong My da lam gi trong nhung ngay cuoi nhiem ky
Bà Hillary cùng chồng và con gái trong ngày ông Bill Clinton tái nhậm chức Tổng thống năm 1997.

... Quá nửa đêm, tôi quay lại phòng Bầu dục để dọn dẹp, sắp xếp và trả lời vài bức thư. Ngồi một mình ở bàn giấy, tôi nghĩ đến tất cả những gì đã xảy ra trong tám năm qua và nhận ra rằng tất cả đi qua quá nhanh. Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ chứng kiến việc chuyển giao quyền hành và rời nơi đây.

Hillary, Chelsea và tôi sẽ cùng lên chiếc phi cơ Air Force One lần cuối cùng với phi hành đoàn tài giỏi đã từng đưa chúng tôi đến mọi góc trời xa lạ trên trái đất này... Tôi trông đợi việc bắt đầu cuộc đời mới của mình, xây dựng thư viện Clinton, làm việc thiện, giúp Hillary và có thêm nhiều thì giờ để đọc sách, chơi golf, nghe nhạc và đi chơi thăm thú mọi nơi mà chẳng cần vội vàng...

Tôi nghĩ đến việc viết lại một vài dòng cho Tổng thống Bush trong phòng Bầu dục như cha của ông đã làm cho tôi tám năm trước đây. Tôi muốn lịch sự và khuyến khích như Tổng thống George Bush đã đối với tôi khi trước. Chẳng bao lâu nữa, George W. Bush sẽ trở thành Tổng thống của tất cả mọi người dân Mỹ và tôi muốn chúc ông mọi sự tốt lành...

Cac vi Tong thong My da lam gi trong nhung ngay cuoi nhiem ky
Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm tới Việt Nam.

Buổi sáng hôm sau, tôi trở lại phòng Bầu dục để viết bức thư ngắn cho Tổng thống Bush. Khi đặt bức thư viết xong lên bàn, tôi gọi các nhân viên đến để nói lời từ biệt. Chúng tôi ôm lấy nhau, cười, rơi nước mắt và chụp vài tấm hình. Sau đó, tôi bước ra khỏi phòng Bầu dục lần sau cùng.

Sau tám năm làm Tổng thống và nửa cuộc đời làm chính trị, tôi lại trở thành một người dân bình thường, nhưng rất biết ơn, vẫn lo lắng cho đất nước của tôi và vẫn nghĩ đến ngày mai".

Di sản để lại cho tân Tổng thống Bush lúc đó:

Clinton đã rời Nhà Trắng với quá nhiều chuyện dang dở phía sau lưng. Những thách thức mới từ một thế giới đơn cực đã nảy sinh ngay từ chính nhiệm kỳ của Clinton.

Cuộc chiến chống Al Qaeda bị Monica Lewinsky làm xao lãng. Sự sụp đổ của nền kinh tế dot.com đã nhen nhóm cũng từ thời Clinton. Những cải cách thuế và tài chính của ông mới đi được nửa chặng đường.

Chỉ ít lâu sau khi Clinton ra đi, người ta đã thấy một nước Mỹ và thế giới khác đi rất nhiều, một phần do cự ly trong cách nhìn của ê-kip Tổng thống Bush, một phần do chính những mâu thuẫn ấp ủ từ thời Clinton đã được dịp bộc phát.

Tổng thống George W.Bush (nhiệm kỳ 2001-2008)

Trong những ngày cuối ở Nhà Trắng, Tổng thống George W.Bush dành nhiều thời gian để cải thiện hình ảnh sau khi quyết định tấn công Iraq của ông đã dấy lên nhiều tranh cãi. Ông có nhiều cuộc phỏng vấn với báo giới và tổ chức một cuộc họp báo cuối cùng, đồng thời lên truyền hình để phát đi một thông điệp liên bang.

Cac vi Tong thong My da lam gi trong nhung ngay cuoi nhiem ky
Tổng thống George W. Bush bên cạnh vợ và con gái tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2005.

Trong những lần xuất hiện này, ông Bush đã nỗ lực bảo vệ những gì mình đã làm trong suốt nhiệm kỳ, nhưng dường như ông đã tỏ ra trầm tư hơn. Ông thừa nhận với các nhà báo sự thất vọng của mình khi không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq.

Ngày 12/1, ông Bush tổ chức cuộc họp báo cuối cùng tại Nhà Trắng để tự "tổng kết" 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống của mình, trong đó ông đã thừa nhận những sai lầm đồng thời cũng khăng khăng bào chữa cho cuộc chiến chống khủng bố mà ông cho là "thành công".

Ngày 7/1/2009, khi gặp nhau tại bữa tiệc hiếm hoi của 5 đời Tổng thống Mỹ, ông Bush đã có cuộc gặp riêng 30 phút với ông Obama không nằm ngoài mục đích trao đổi quanh những vấn đề gai góc này. Nhưng chỉ có 30 phút hội đàm chớp nhoáng thì khó có thể đủ cho 2 nhà lãnh đạo "giao ban" hết những vấn đề cần thiết.

Cac vi Tong thong My da lam gi trong nhung ngay cuoi nhiem ky
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã ra lệnh tấn công Iraq và tiến hành chiến tranh xâm lược nước này sau vụ khủng bố 11/9.

Những di sản để lại:

Kể từ khi Tổng thống Herbert Hoover “chuyển giao” lại cuộc Đại khủng hoảng 1930 cho Tổng thống Franklin Roosevelt, chưa một Tổng thống Mỹ nào lại để lại cho người kế nhiệm của mình một “di sản” đáng ngại như những gì mà ông Bush để lại cho ông Obama từ ngày 20/1/2009 này.

Sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, tỷ lệ ủng hộ của người Mỹ đối với ông Bush rất cao, nhưng sau đó cứ hao hụt dần vì quyết định tiến hành chiến tranh ở Iraq, phản ứng không mấy hợp lý của Chính phủ Mỹ trước cơn bão lịch sử Katrina, khủng hoảng tài chính lan rộng từ Phố Wall ra toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Về ngoại giao, ở bên ngoài biên giới nước Mỹ, di sản lớn nhất của ông Bush là cuộc chiến ở Iraq. Theo giới quan sát lúc đó, việc ông Obama cần làm trong thời gian tiếp theo là hoàn tất một chiến lược rút lui khỏi cuộc chiến này, đồng thời cải thiện uy tín vốn đã bị tổn hại của nước Mỹ.

Ngoài ra, ông Bush còn để lại cho ông Obama  nhiều vấn đề chính sách đối ngoại chưa được giải quyết như chương trình hạt nhân của Iran, cuộc chiến ở Afghanistan, xung đột gia tăng giữa Israel và Palestine, vấn đề giam giữ nghi phạm khủng bố ở Vịnh Guatanamo…

Về kinh tế, trong 6 năm đầu cầm quyền của mình, ông Bush đã đưa kinh tế Mỹ đạt được những thành tựu phát triển mà có lẽ phần lớn các tổng thống của nước này phải cảm thấy ghen tị. Thế nhưng cuộc khủng hoảng tài chính ập tới đã cuốn phăng đi những thành quả này. Trước khi Tổng thống Obama lên tiếp quản, Tổng thống Bush đã để lại cho ông một nền tài chính kinh tế tương đối nan giải.

Tổng thống Barack Obama (nhiệm kỳ 2004-2016)

Chỉ còn vài tháng nữa là gia đình Tổng thống Obama sẽ rời khỏi Nhà Trắng. Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực này, dường như Tổng thống Obama đang được các nhà lãnh đạo Thế giới thử thách trước khi lui về "hậu trường".

Trong tháng 9, từ khi đặt chân xuống thành phố Hàng Châu, Trung Quốc hôm 3/9 cho đến khi dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào hôm 6/9, Tổng thống Mỹ Obama phải đối mặt với những thách thức về chính sách của mình.

Cac vi Tong thong My da lam gi trong nhung ngay cuoi nhiem ky
Tổng thống Barack Obama trong lễ nhậm chức đầu tiên của ông hồi năm 2009.

Tổng thống Nga Putin khiến chính quyền Obama "trắng tay" sau những cuộc đàm phán căng thẳng về một thỏa thuận để giảm thiểu bạo lực ở Syria. Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến hành những cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tối 6/9 đưa ra những lời lẽ xúc phạm ông Obama, khiến ông chủ Nhà Trắng hủy bỏ cuộc gặp mặt song phương. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất ngờ đưa ra nhận xét tích cực về mối quan hệ với Mỹ, nhưng đồng thời cũng để lại thách thức đối với vấn đề người Mỹ hậu thuẫn người Kurd tại Syria. Mỹ coi người Kurd là nhân tố quan trọng trong chính sách chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại chiến đấu chống lực lượng này.

Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Obama và đồng ý hợp tác với Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu, tuy nhiên hai bên vẫn còn những vấn đề lớn ở khu vực chưa được giải quyết.

Theo WSJ, nỗ lực của chính quyền Obama trong việc chuyển trọng tâm ngoại giao và quân sự của Mỹ đến châu Á đã đạt được những dấu ấn nhất định. Mỹ đã đưa thêm lính, tàu, máy bay đến khu vực và tăng nguồn vốn cung cấp cho hoạt động quân sự. Mỹ đạt được hai tiến bộ quan trọng là thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Philippines và quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam năm nay.

Cac vi Tong thong My da lam gi trong nhung ngay cuoi nhiem ky
Ở cuối nhiệm kỳ, ông Obama ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân.

"Chính quyền Obama đã thành công trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước đồng minh, đáng chú ý nhất là Nhật Bản, Australia và Philippines và đẩy mạnh mối quan hệ với các đối tác mới như Việt Nam và Ấn Độ", ông Michael Mazza, một chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington, nói. Ông gọi đây là những bước quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sức mạnh.

Tuy nhiên, các biện pháp mà Mỹ đưa ra chưa đủ để khiến Trung Quốc chùn bước, khi nước này vẫn có những hành động rất quyết liệt trong khu vực.

Vẫn có những điểm sáng trong chuyến đi của ông Obama tuần này. Tại Trung Quốc, ông Obama và ông Tập cùng tuyên bố những bước đi mới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Mỹ cũng cam kết sẽ tăng gấp đôi số tiền viện trợ cho Lào nhằm giúp loại bỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh Việt Nam.

Những cố vấn của Tổng thống Mỹ nói rằng cách tiếp cận của ông đã đem lại cho Washington tầm ảnh hưởng nhiều hơn, chứ không phải ít đi, tại khu vực châu Á.. "Ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gia tăng. Chúng ta đã vượt qua những thiệt hại của Mỹ tại chiến trường Iraq hay khủng hoảng kinh tế thế giới", Ben Rhodes, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết.

Minh Đức


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI