Các vấn đề sức khỏe tâm thần đang hủy hoại người trẻ

21/02/2022 - 06:44

PNO - Các vấn đề sức khỏe tâm thần đang gia tăng trong thanh thiếu niên ở nhiều nước. Theo báo cáo về tình hình trẻ em thế giới của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) được công bố năm 2021, ước tính có khoảng 13% thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi trên toàn thế giới sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Trong đó, lo lắng và trầm cảm chiếm hơn 40% các rối loạn tâm thần ở lứa tuổi này.

Còn theo báo cáo của Viện Giáo dục và Chính sách sức khỏe Mitchell thuộc Đại học Victoria (Úc) được công bố hồi tháng 8/2021, thanh thiếu niên ở độ tuổi 15 - 24 có tỷ lệ rối loạn tâm thần hoặc rối loạn hành vi cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi. 75% rối loạn tâm thần xuất hiện lần đầu trước 24 tuổi, là thời điểm phần lớn thanh niên Úc đi học đại học. Mỗi năm, trên 200.000 sinh viên đại học (18 - 25 tuổi) bị các vấn đề sức khỏe tâm thần. 

Theo báo cáo về tình hình trẻ em thế giới của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) được công bố năm 2021, ước tính có khoảng 13% thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi trên toàn thế giới sống chung với chứng rối loạn tâm thần.
Theo báo cáo của UNICEF được công bố năm 2021, ước tính có khoảng 13% thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi trên toàn thế giới sống chung với chứng rối loạn tâm thần

Trong khi đó, theo số liệu thống kê đăng trên website của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Mỹ) vào năm 2020, trong các nhóm tuổi, thanh niên từ 18 - 25 tuổi có tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần nghiêm trọng cao nhất (9,7%) so với lứa tuổi 26 - 49 (6,9%) và lứa tuổi từ 50 trở lên (3,4%). Số liệu thống kê ở các nước cho thấy, lo lắng, căng thẳng, rối loạn hành vi, rối loạn tâm trạng, rối loạn sự chú ý là những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần mà thanh thiếu niên đang gặp phải. 

Theo Viện Giáo dục và Chính sách sức khỏe Mitchell, các vấn đề sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi trên thường dẫn đến những hệ quả tiêu cực lâu dài liên quan đến thành tích học tập, việc làm, sức khỏe thể chất, các mối quan hệ và đặc biệt là nguy cơ tự tử cao hơn. Ở Úc, tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở lứa tuổi 15 - 29. Còn ở Mỹ, theo báo cáo thống kê quốc gia, tỷ lệ tự tử ở lứa tuổi 10 - 24 tăng lên 57,4% trong khoảng thời gian 2007 - 2018. Theo UNICEF, tự tử là nguyên nhân thứ tư gây tử vong ở thanh thiếu niên từ 15 - 19 tuổi. Ở Đông Âu và Trung Á, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho lứa tuổi này, còn ở Tây Âu và Bắc Mỹ, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai. 

Về nguyên nhân gây nên các vấn đề sức khỏe tâm thần, Viện Giáo dục và Chính sách sức khỏe Mitchell cho biết, căng thẳng là một yếu tố nguy cơ khởi phát và kéo dài bệnh tâm thần, như trầm cảm và lo lắng. Lứa tuổi trên có thể bị áp lực về thành tích học tập, tài chính cũng như sốc văn hóa và bị phân biệt chủng tộc khi đến một môi trường học tập khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạo lực và nghèo đói cũng là những yếu tố dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi này. 

Bác sĩ Brittany Allen và bác sĩ Helen Waterman của Đại học Wisconsin (Mỹ) cùng viết trong bài báo đăng trên website Healthy Children của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ cho biết, lứa tuổi trên là giai đoạn chuyển giao giữa tuổi ấu thơ và trưởng thành. Những thay đổi về thể chất, tình dục, nhận thức, xã hội và cảm xúc xảy ra trong thời gian này có thể mang đến sự mong đợi thú vị cũng như tạo nên sự lo lắng cho những thanh thiếu niên ở lứa tuổi trên. Ngoài ra, nhiều thanh thiếu niên không còn ở chung nhà với cha mẹ hoặc có thể bắt đầu đi làm. Các bậc cha mẹ và thầy cô nên hiểu những thay đổi và quan tâm nhiều hơn để giúp chúng phát triển khỏe mạnh trong suốt thời kỳ thanh thiếu niên và giai đoạn đầu trưởng thành. 

Trong khi đó, trên tạp chí Nature, nhiều nhà nghiên cứu cho biết, cải thiện kỹ năng nhận thức và giao tiếp giúp ngăn ngừa, điều trị chứng lo âu và trầm cảm ở lứa tuổi này hiệu quả hơn. Chẳng hạn, các thanh thiếu niên nên được dạy cách nhìn và nghĩ tích cực khi không may gặp phải một vấn đề tiêu cực trong cuộc sống, theo báo cáo của Marc Bennett tại Đại học Cambridge (Anh) và các đồng nghiệp.

Ngoài ra, Alexander Daros tại Viện Sức khỏe tâm thần gia đình Campbell ở Toronto (Canada) và các đồng nghiệp báo cáo một phân tích tổng hợp của 90 cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy, những người trẻ được cải thiện kỹ năng điều chỉnh cảm xúc để kiểm soát phản ứng trước các tình huống khó khăn có thể giải quyết lo âu và trầm cảm tốt hơn. 

Huy Hoàng (tổng hợp và biên dịch từ nhiều nguồn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI