Dày đặc video quảng cáo cho vay tiền
Trước đây, các app cho vay tiền không phép (không thuộc các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép) thường chạy quảng cáo dưới dạng tài trợ nội dung trên mạng xã hội Facebook hoặc xuất hiện trong các dòng bình luận (comment) dưới các bài viết trên mạng xã hội còn hiện nay, chúng xuất hiện trong nhiều video trên các kênh YouTube, Facebook, TikTok.
Một trong những app có thời lượng quảng cáo dày đặc là Takomo với các nội dung “vay không lãi suất”, “hạn mức lên đến 2 triệu đồng cho khách hàng mới”, “vay tiền online, dễ dàng nhận ngay 2 triệu trong ngày”, “Takomo - cần là có, duyệt siêu nhanh, chỉ cần thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng”, “hạn mức 500.000 đến 10 triệu đồng, không thẩm định người thân”.
Truy cập vào trang web hiển thị trong đoạn quảng cáo, chúng tôi được người của app này nói sẽ hỗ trợ từ 1-4 tháng với khoản vay đầu tiên, thu phí 0 đồng/tháng và thu lãi suất tối thiểu 12%, tối đa 18,25%/năm với các khoản vay sau đó. Nếu thanh toán đúng hạn, bên vay sẽ được tăng hạn mức lên đến 15 triệu đồng.
|
Các đoạn video quảng cáo về các app cho vay tiền xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội YouTube |
Ứng dụng có tên Oivay thuê những người trẻ có sức ảnh hưởng (KOL) trên TikTok để quảng cáo nhằm thu hút học sinh, sinh viên. App này cam kết cung cấp tài chính mọi lúc, kể cả Chủ nhật, ngày lễ với điều kiện vay đơn giản, nhanh, lãi suất ưu đãi 0% cho khoản vay đầu tiên và thu lãi suất 19,71%/năm với các khoản vay sau đó, số tiền cho vay lên tới 20 triệu đồng. App này còn dẫn chứng số liệu giải ngân cho gần 10 triệu khách hàng.
Để khách hàng dễ hình dung, Moneyveo ghi rõ khoản vay 2 triệu đồng/tháng, số tiền cần thanh toán khi đến hạn là 2.780.000 đồng.
Ngoài các app, một số công ty cũng tự quảng cáo mình là công ty tài chính. Đoạn quảng cáo “Home Cret - Hỗ trợ tài chính không thế chấp” lấy biểu tượng (logo) của Công ty Tài chính Home Credit (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép) để quảng cáo cung cấp gói vay trong 10 phút, lãi suất chỉ 0,75%, duyệt vay đến 200 triệu đồng. Khi chúng tôi bấm vào đoạn quảng cáo trên thì được dẫn đến hộp thoại Messenger trên Facebook, người chat gửi một đường dẫn đến trang web có tên inkbioi.me rồi hướng dẫn chúng tôi đăng ký vay tiền trên trang web này.
Một đoạn quảng cáo “Công ty tài chính hỗ trợ tài chính 24/7” cũng dẫn chúng tôi đến hộp thư thoại, người chat gửi chúng tôi bảng lãi suất có tên Công ty Tài chính thương mại cổ phần Việt Thành Finace, là công ty không có tên trong danh sách 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động.
Lãi suất 2.400%/năm
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - nhận định, các app cho vay không phép đang tận dụng việc có nhiều người lao động thất nghiệp để đẩy mạnh quảng cáo mời gọi vay tiền. Các app này là những tổ chức tín dụng “đen”, lợi dụng sự phát triển của công nghệ để tiếp cận người dân.
Theo ông, việc quảng cáo lãi suất 0% trong kỳ vay đầu là không đúng sự thật bởi “không có bữa ăn nào miễn phí”. Có thể họ cho lãi suất 0% trong lúc đầu để thu hút rồi dẫn dắt người vay tiếp cận các app khác với đủ thứ chi phí mà lãi suất cộng lại thuộc dạng “cắt cổ”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian ưu đãi lãi suất của các app Oivay, Takomo, Sieudong, Moneyveo chỉ trong vòng 7 ngày đầu, số tiền giải ngân chỉ khoảng 500.000 đồng. Sau đó, lãi suất vay rất cao, thời gian vay tối đa 1 tháng, số tiền vay tối đa sau nhiều lần vay chỉ từ 1-5 triệu đồng. Nếu vay 1 triệu đồng thì sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc và lãi 1,5 triệu đồng, tương đương lãi suất 50%/tuần. Nếu tính theo tháng, năm thì mức này tương đương 200%/tháng, 2.400%/năm.
Nhiều app còn cho phép người vay gia hạn số tiền vay nhưng phí gia hạn tương đương với lãi suất vay khiến người vay phải chịu cảnh lãi chồng lãi.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cơ quan chức năng khó chặn được quảng cáo của các app này trên nền tảng TikTok, Facebook, YouTube bởi chủ app ở nước ngoài và số video quảng cáo quá nhiều. Người vay tiền qua các app này đa phần là người có thu nhập thấp, dưới chuẩn để tiếp cận các nguồn vay chính thức. Các tổ chức tín dụng cũng chỉ là tổ chức kinh doanh, phải quản lý được rủi ro và họ cũng không có nhiệm vụ ngăn chặn tín dụng “đen”.
Do đó, ông đề xuất Chính phủ cho thành lập một chương trình cho vay đặc biệt dành cho những trường hợp cần vay “nóng”, với điều kiện người vay chứng minh được công việc, được người có tài khoản ngân hàng bảo lãnh. Ông nói: “Hệ thống tiệm cầm đồ là kênh cung cấp tài chính hiệu quả cho người có thu nhập thấp nhưng đáng tiếc là chúng chưa được quản lý chặt chẽ nên đã xuất hiện nhiều tiêu cực”.
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - cho biết, các app cho vay trên sử dụng nhiều quyền nguy hiểm đối với người dùng, như quyền ghi âm, đọc thông tin trên điện thoại, đọc trạng thái danh bạ điện thoại, sửa đổi hoặc xóa bộ nhớ, quyền chụp ảnh, quay phim… Để tạo niềm tin cho người vay tiền, các app này quảng cáo lãi suất 0%, cam kết không truy cập vào danh bạ điện thoại để làm phiền người thân. Đây là nội dung quảng cáo lừa đảo, bởi khi người dân sử dụng, các app này sẽ cập nhật nhiều phiên bản mới, cập nhật thêm phần mềm nguy hiểm vào thiết bị mà người dùng không hay biết.
Athena đã tiếp nhận nhiều đơn nhờ truy ra tổ chức đứng sau các app bởi có những người không được vay tiền nhưng lại bị mất thông tin tài khoản, mất tiền trong tài khoản sau khi cài đặt app; có người vay được tiền từ app này, đã trả xong các khoản nợ nhưng vẫn tiếp tục bị đòi nợ ráo riết, đe dọa người thân.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, các app cho vay không phép xuất hiện nhan nhản là do việc tạo các app không khó, chủ các app là các tổ chức quốc tế, máy chủ không đặt ở Việt Nam. Họ thuê người Việt Nam thành lập cùng lúc 2 doanh nghiệp với 2 ngành nghề kinh doanh khác nhau, pháp nhân khác nhau để vận hành và trong phần mô tả doanh nghiệp, không có mục nào liên quan đến tín dụng.
“Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên yêu cầu gỡ các nội dung quảng cáo liên quan đến tín dụng “đen” trên các nền tảng mạng như Facebook, YouTube nhưng đây là các nền tảng xuyên biên giới, lượng người dùng rất lớn nên rất khó kiểm duyệt nội dung quảng cáo. Cách làm tốt nhất hiện nay là truyền thông, khuyến cáo người dân không nên cài đặt các app này vào điện thoại bởi chúng là các app lừa đảo” - ông Võ Đỗ Thắng nói.
Cuối tháng 5/2023, Công an TPHCM tiếp tục phát đi cảnh báo về các thủ đoạn cho vay tiền qua app. Theo đó, có 32 app cho vay tiền, đứng sau đó là một nhóm người Việt Nam được người nước ngoài thuê để điều hành, gọi đòi nợ. Nếu người vay không trả nợ đúng hạn, chúng sẽ nhắn tin đe dọa, gọi điện thoại cho người thân, dọa ghép ảnh người thân vào các trang mạng sex rồi đăng lên Facebook, dán lên cột điện… Ngoài ra, các nhóm còn trực tiếp hoặc thuê người đến chỗ ở của người vay để tạt sơn, tạt chất bẩn. |
Thanh Hoa