Các tỷ phú làm từ thiện: Người cho và người nhận cùng có lợi

13/05/2021 - 06:01

PNO - Nhiều người cho rằng quỹ từ thiện là “sân sau” để các tỷ phú thoải mái sử dụng khoản tài sản của mình mà không chịu nhiều sự giám sát hay là một cách để giảm thuế thu nhập. Dù vậy, sau một năm đại dịch, dường như góc nhìn về các quỹ từ thiện đã có phần thay đổi tích cực hơn.

Quỹ từ thiện không chỉ đơn thuần là cho đi

Từ thiện, theo cách phổ biến là giúp chuyển tiền từ người giàu sang người nghèo. Tại Mỹ, quốc gia làm từ thiện nhiều nhất thế giới, chỉ 20% số tiền do những người quyên góp được đến tay người nghèo. Phần lớn còn lại, một nửa dành cho nghệ thuật, thể thao và số còn lại dành cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Thoạt nhìn, điều đó có vẻ phù hợp với mục tiêu “cống hiến cho những lý do chính đáng”, nhưng điều đó có phải là tất cả?

Bill và Melinda Gates thành lập quỹ từ thiện của họ khi đọc được tin tức về hàng triệu trẻ em ở các nước đang phát triển chết vì các bệnh dễ phòng ngừa và chữa trị như tiêu chảy, bại liệt - Ảnh: Getty Images
Bill và Melinda Gates thành lập quỹ từ thiện của họ khi đọc được tin tức về hàng triệu trẻ em ở các nước đang phát triển chết vì các bệnh dễ phòng ngừa và chữa trị như tiêu chảy, bại liệt - Ảnh: Getty Images

Các khoản quyên góp lớn nhất cho giáo dục trong năm 2019 tập trung vào các trường đại học và trường học ưu tú mà chính những người giàu bỏ tiền quyên góp đã theo học. Tại Anh, hơn 2/3 tổng số tiền quyên góp của các triệu phú là dành cho đại học mà họ từng theo học, và một nửa trong số này thuộc về hai trường Đại học Oxford và Cambridge.

Thay vì làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn bằng cách giảm khoảng cách giàu nghèo, nhiều hoạt động từ thiện giúp những người giàu có càng giàu hơn, trong khi lãng tránh một phần trách nhiệm về thuế, và không ai kiểm soát hoạt động “cửa sau” của các tổ chức từ thiện. Khi được hỏi về hoạt động từ thiện vào năm 1985, người đồng sáng lập hãng Apple, Steve Jobs nói: “Để học cách làm tốt điều gì đó, đôi khi bạn phải thất bại. Vấn đề với hầu hết các hoạt động từ thiện là bạn không bao giờ có thể đo lường được bạn thất bại hay thành công. Vì vậy, thực sự rất khó để trở nên tốt hơn”.

Vai trò của quỹ từ thiện được nhìn nhận tốt hơn

Vai trò của hoạt động từ thiện tư nhân trong đời sống quốc tế đã tăng lên đáng kể trong hai thập niên qua. Gần 3/4 trong số 260.000 quỹ từ thiện trên thế giới được thành lập từ năm 2000 đến nay, kiểm soát khoảng hơn 1,5 ngàn tỷ USD. Những quỹ từ thiện tư nhân như Quỹ Gates do vợ chồng tỷ phú Bill Gates sáng lập đã chi 54,8 tỷ USD tài trợ cho 135 quốc gia. Một người đóng góp lớn khác là tỷ phú Mỹ Warren Buffett, vào năm 2006 đã cam kết cung cấp 30 tỷ USD cho quỹ.

Việc cho đi thường phụ thuộc vào ý thích của các cá nhân siêu giàu, nhiều khi điều này trùng hợp với những ưu tiên của xã hội. Chẳng hạn quỹ tài trợ lớn đầu tiên của Bill và Melinda Gates cho nghiên cứu bệnh sốt rét giúp tăng gần gấp đôi số tiền chi cho căn bệnh này trên toàn thế giới. Điều tương tự cũng áp dụng cho bệnh bại liệt. Nhờ vợ chồng tỷ phú Gates và những nhà từ thiện khác, khoảng 2,5 tỷ trẻ em đã được chủng ngừa bại liệt này và các ca bệnh trên toàn cầu đã giảm 99,9%. 

Hoạt động từ thiện cũng giúp giải quyết những thất bại của cả ngành dược phẩm và các chính phủ trên toàn thế giới khi đối mặt với đại dịch COVID-19. Quỹ Gates là đối tác sáng lập của Gavi - Liên minh vắc-xin thành lập vào năm 2000 - để cải thiện khả năng tiếp cận tiêm chủng ở các nước nghèo. Mặt khác, Quỹ Gates là nhà tài trợ tư nhân lớn nhất cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ đứng sau Mỹ về số tiền quyên góp hằng năm, giúp đảm bảo hoạt động của tổ chức này.

Một số chính phủ dường như ngầm thừa nhận hoạt động từ thiện của người giàu là một bài toán đôi bên cùng có lợi. Kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Joe Biden đối với những người có thu nhập cao gần đây có khả năng lôi kéo nhiều người giàu hơn ở Mỹ tặng tài sản hoặc các thu nhập khác cho tổ chức từ thiện để tránh những khoản thuế lớn. 

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI