Các trường tất bật chuẩn bị chương trình học mới ở 3 khối lớp

26/07/2024 - 06:21

PNO - Tại TPHCM, theo lộ trình, năm nay 3 khối lớp Năm, Chín và Mười hai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trường phổ thông vì thế đang tất bật tập huấn chương trình sách giáo khoa, soạn bài giảng, dạy thử… để sẵn sàng trước khi bước vào năm học mới.

Với 3 khối cuối cùng này, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được đưa vào giảng dạy đồng bộ tất cả các khối ở bậc tiểu học, THCS và THPT từ năm học 2024-2025.

Tập huấn xuyên hè

7g30 sáng 25/7, dù học sinh đang nghỉ hè, nhưng toàn bộ giáo viên của Trường THPT Trường Chinh (quận 12) đã tề tựu đủ ở trường. Từng tốp giáo viên vội di chuyển về phòng làm việc của tổ mình, bắt đầu lật từng trang sách lớp Mười hai của chương trình mới, phân tích từng bài học. Tiếng bàn luận rôm rả cả phòng. Cô Dương Ngọc Yến - Tổ trưởng tổ ngữ văn của trường - chia sẻ: “Năm nay, trường chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Chúng tôi đã có sách giáo khoa (SGK) nên mọi người cùng ngồi lại để lên kế hoạch cho năm học. Với chương trình mới, 14 người trong tổ không còn soạn giáo án riêng như trước, mà cùng làm kế hoạch bài vở, hoạt động, thiết kế đề thi… Tính đến nay, tổ đã xây dựng được phần lớn chương trình học kỳ I”.

Giáo viên Trường THPT Trường Chinh (quận 12, TPHCM) làm việc nhóm, tập huấn chương trình lớp Mười hai cho năm học mới
Giáo viên Trường THPT Trường Chinh (quận 12, TPHCM) làm việc nhóm, tập huấn chương trình lớp Mười hai cho năm học mới

Cô Nguyễn Thụy Kiều Phương - giáo viên môn lịch sử - địa lý Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - cũng cho biết, những ngày này, giáo viên bậc THCS tất bật với lịch tập huấn SGK chương trình mới của lớp Chín. Những buổi còn lại, từng tổ bộ môn lên trường soạn bài. Sau đó, giáo viên sẽ dạy thử để đồng nghiệp chia sẻ, góp ý hoàn thiện bài mẫu trước khi triển khai xây dựng kế hoạch bài dạy hoàn chỉnh. “Nói là nghỉ hè nhưng không có hè vì lịch tập huấn, làm việc nhóm kín cả tuần. Chúng tôi cố gắng nghiên cứu để soạn ra chương trình phù hợp nhất” - cô Kiều Phương nói. Riêng với môn lịch sử - địa lý vì tích hợp từ 2 môn nên khối lượng kiến thức khá nhiều, giáo viên vì thế cũng vất vả hơn.

Giáo viên các trường THCS, THPT đã bắt đầu tập huấn lần lượt từng bộ sách (Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống) lớp Chín và Mười hai từ ngày 23 - 24/7. Tới tháng Tám, giáo viên từng bộ môn sẽ được tập huấn tiếp về cấu trúc đề thi, phương pháp giảng dạy chuyên sâu.

Tương tự, các trường tiểu học ở TPHCM đã tập huấn xong chương trình lớp Năm từ giữa tháng Bảy cho giáo viên. Theo bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) - để bắt kịp được với chương trình mới, trường đã yêu cầu giáo viên khối Năm tham gia tập huấn chương trình SGK lớp Bốn từ năm trước. Dù khác khối dạy, nhưng việc tập huấn trước giúp giáo viên làm quen với nội dung cũng như phương pháp dạy. Năm nay, khi bắt đầu với lớp Năm, giáo viên đã có kinh nghiệm.

Chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên

Là trường đông học sinh nhất TPHCM, năm tới Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) dự kiến có khoảng 90 lớp trong khi chỉ có 45 phòng học. Từ trước tới nay, toàn bộ học sinh của trường chỉ được học 6 buổi/tuần. Năm nay, để chuẩn bị cho khối lớp cuối cùng thực hiện chương trình mới, trường tính toán sẽ cho lớp Năm học 1 buổi các ngày trong tuần và học thêm buổi thứ sáu vào cuối tuần để đủ số buổi tối thiểu theo quy định. Nếu học sinh lớp Một giảm (dự kiến có khoảng 16-17 lớp, giảm 3-4 lớp so với kế hoạch ban đầu), số phòng học còn trống sẽ được tận dụng để dạy tin học, tiếng Anh, tăng cường buổi 2 cho khối lớp cuối cấp. Năm học này, trường đầu tư thêm 15 thiết bị dạy học thông minh (bảng tương tác) phục vụ giảng dạy.

Cũng có trên 4.000 học sinh, theo ông Võ Phương Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân) - áp lực sĩ số năm nay đã “hạ nhiệt” khi gần địa bàn trường có thêm trường tiểu học mới. Vì thế, dù có 20 lớp Năm nhưng năm nay trường vẫn có thể tổ chức cho học sinh học bán trú (hoặc 2 buổi/ngày) 100%. Trường cũng đã chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên, nhân sự cho khối lớp Năm, đảm bảo thực hiện đúng quy chuẩn giáo viên theo chương trình.

Bà Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - cho biết, ngoài tập huấn SGK, phân công giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất thì trường cũng đã chuẩn bị sẵn nguồn SGK cho riêng khối lớp Chín. Vì năm đầu tiên áp dụng, nhiều phụ huynh khó tìm mua đủ bộ. Nhà trường đã kết nối với nhà xuất bản, những phụ huynh nào không mua được bên ngoài có thể đăng ký mua trực tiếp tại trường.

TPHCM đã phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục trong năm học 2024-2025, trong đó có lớp Năm, lớp Chín và Mười hai. Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - các trường cần chủ động phối hợp với nhà xuất bản để hỗ trợ SGK cho phụ huynh, học sinh có nhu cầu. Ngoài các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn của sở, các trường cũng cần tổ chức bồi dưỡng, tập huấn thêm về việc sử dụng SGK mới, đặc biệt là ở các môn học tích hợp như khoa học tự nhiên; lịch sử - địa lý…

Điều chỉnh mô hình học tập lớp Mười để phù hợp hơn

Ông Trịnh Duy Trọng - Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh - cho biết, tháng Tám này, trường sẽ tổ chức hội nghị học sinh ở cả 3 khối nhằm giới thiệu chương trình, đề án thi tốt nghiệp THPT 2025 cùng những điểm mới trong năm học này. “Năm đầu tiên thực hiện, có nhiều thay đổi, giáo viên các tổ phải làm việc với nhau để xây dựng kế hoạch bài dạy. Mọi thứ phải chỉn chu, nhất là khi lớp Mười hai năm nay là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Trong đó, chúng tôi chú trọng các hoạt động dạy học tích cực và hiệu quả” - ông nói.

Theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi bắt buộc 2 môn ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp Mười hai. Như vậy, ngoài những môn truyền thống giống trước đây thì có thêm nhiều môn mới: giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Trường sẽ dựa trên số lượng học sinh đăng ký học và có nhu cầu chọn một trong những môn mới này thi tốt nghiệp để tính toán, lên kế hoạch học tập cụ thể cho các em. Những môn nào có học sinh đăng ký, giáo viên tổ bộ môn cần nghiên cứu kỹ chương trình để xây dựng kế hoạch dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình và kỳ thi sắp tới. Ưu tiên sự chọn lựa của học sinh nên mô hình học tập ở lớp Mười hai vì thế sẽ có những điều chỉnh để phù hợp hơn.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI