Các trường nghề đang bị bỏ quên

30/09/2022 - 07:46

PNO - Quan niệm đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công vẫn tồn tại trong nhiều gia đình. Cửa vào đại học thì ngày càng rộng mở. Vì thế, rất nhiều trường đào tạo nghề ngày càng chật vật trong công tác tuyển sinh.

Chỉ 10% trường tuyển sinh đạt yêu cầu

Không còn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như hai năm trước, song nhiều trường đào tạo nghề cho biết năm nay còn khó tuyển sinh hơn những năm trước rất nhiều. Trường cao đẳng (CĐ) ngh cao đẳng ề Công nghiệp Hà Nội có truyền thống gần 50 năm với 20 ngành nghề đào tạo. Năm học 2022-2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 2.380 học sinh, sinh viên. Thế nhưng, từ đầu tháng Tám đến nay, mới có khoảng 1.000 thí sinh nhập học.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội - Ảnh: U.N.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội - Ảnh: U.N.

Nằm giữa các khu công nghiệp sôi động của tỉnh Hà Nam, Trường CĐ nghề Hà Nam có sáu ngành đào tạo đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 và đề án của UBND tỉnh Hà Nam (Đề án tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025), trường tuyển 250 sinh viên hệ CĐ, nhưng đến nay sau bốn đợt tuyển sinh mới chỉ có hơn 100 thí sinh nộp hồ sơ.

Nhiều trường nghề cho biết, năm học này thậm chí còn khó tuyển sinh hơn nữa, bởi điểm trúng tuyển đại học ở tổ hợp toán - lý - hóa chỉ ở mức trung bình (đã cộng điểm ưu tiên). Hiện tại, các trường đại học lại đang xét tuyển bổ sung, có trường bổ sung đến 2.000 chỉ tiêu (Trường đại học Hùng Vương TPHCM ) - thì việc “nhặt nhạnh” thí sinh vào các trường nghề sẽ phải kéo dài đến hết tháng Mười.

Ông Nguyễn Yên Thắng - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giải quyết việc làm Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội - cho biết tâm lý của cả phụ huynh và học sinh vẫn coi trọng việc học đại học nên chỉ có một số rất nhỏ lựa chọn học nghề.

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có 1.904 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có khoảng 500 trường CĐ nghề, song chỉ có khoảng 10% số trường này có kết quả tuyển sinh hằng năm ở mức “khả quan”. CĐ đã vậy, trung cấp nghề còn khó khăn hơn. Những năm qua, đã có rất nhiều trường trung cấp nghề trên cả nước phải giải thể vì không có người học.

Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã chọn đi làm ngay ở các khu công nghiệp, thay vì phải học nghề ít nhất 1,5 năm. Với những địa phương có phong trào đi xuất khẩu lao động, lựa chọn hoặc học đại học, hoặc đi xuất khẩu lao động ngay sau khi tốt nghiệp THPT càng thêm rõ rệt. Không ít trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề vốn rất nổi tiếng với thế hệ gen Y (sinh năm 1980-1996), nhưng với thế hệ gen Z (sinh năm 1997-2012), đó chỉ là những cái tên hoàn toàn xa lạ.

Khoảng trống trong dự báo và hướng nghiệp

Là một công ty công nghệ cao, Công ty TNHH GoerTek VINA luôn có nhu cầu lớn trong tuyển dụng kỹ thuật, gồm cả kỹ thuật viên, kỹ sư, nhân viên thiết bị… Để giải bài toán nhân sự, công ty này đã phải trang bị hơn 50 bộ thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng để phục vụ hoạt động đào tạo cho lao động kỹ thuật, thực tập sinh. Công ty cũng liên kết với Trường CĐ Cơ điện Bắc Ninh để đào tạo đội ngũ lao động - là những sinh viên đang theo học tại trường. GoerTek VINA cho biết họ không quan trọng việc lao động có trình độ đại học hay CĐ, mà quan trọng là lao động làm được gì, năng lực ra sao.

Trong 5 năm qua, rất nhiều công ty, nhà máy mới được thành lập, thế nhưng lao động kỹ thuật lại hầu như không tăng. Nắm được nhu cầu đó, từ năm học 2022-2023, các trường nghề sẽ tuyển sinh quanh năm theo phương thức xét học bạ. Tuy chỉ tiêu tuyển sinh năm nay chỉ bằng 50% so với nhu cầu của thị trường (200.000 chỉ tiêu), nhưng để đạt được con số đó đã không phải là điều dễ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tú - Hiệp hội Nhân sự - lực lượng lao động có tay nghề đang thiếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi vào Việt Nam. Phía các trường CĐ nghề, trung cấp nghề chưa đủ nguồn lực như chất lượng giảng viên, thiếu hợp tác với doanh nghiệp, thiếu máy móc thiết bị hỗ trợ đào tạo… Ông Nguyễn Hoàng Tú cho rằng, lý tưởng nhất là các doanh nghiệp đầu tư - liên kết đào tạo với các trường, sau đó tuyển dụng chính những sinh viên, thực tập sinh này vào làm việc. 

Trên mặt bằng chung, số doanh nghiệp có khả năng đầu tư cho đào tạo rất nhỏ. Quan trọng nhất vẫn là công tác hướng nghiệp và dự báo nhu cầu nhân lực. Hai việc này cần phải được thực hiện bài bản, song song. Các trường phổ thông có nhiệm vụ giúp học sinh đi theo khả năng của bản thân và nhu cầu lao động của địa phương. Các cơ quan chức năng, các sở, ban ngành cần cập nhật thông tin liên quan đến việc làm, định hướng tuyển dụng trong 5-10 năm của các ngành nghề, các địa phương để học sinh và phụ huynh có định hướng cụ thể. Họ cũng cần biết đi học nghề sẽ được gì cho tương lai và thu nhập của lao động có tay nghề ra sao.  

Công tác dự báo có làm tốt thì việc hướng nghiệp mới thực sự có kết quả. Từ đó, các trường đào tạo nghề mới có thể thực hiện đúng sứ mệnh cung cấp lao động có tay nghề; đồng thời tránh được nghịch lý bị bỏ quên trong khi nhu cầu của thị trường lại đang rất lớn như hiện nay. n

Thiếu lao động đã qua đào tạo nghề

Số liệu từ Hiệp hội Nhân sự cho thấy, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, TPHCM , Bình Dương… mỗi địa phương đang thiếu đến 50.000-60.000 lao động đã qua đào tạo nghề.

Theo số liệu khảo sát nhu cầu nhân sự của hơn 20.000 doanh nghiệp do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM thực hiện cuối năm 2021, thì chỉ có 15% cần nhân sự chưa qua đào tạo trong khi 85% cần nhân sự đã qua đào tạo. Đặc biệt trong 85% này, nhu cầu trình độ đại học chỉ khoảng 17%, có đến 68% nhu cầu lao động có trình độ nghề. Thế nhưng, tỷ lệ lao động đi tìm việc trong quý III/2021, chỉ có 38% lao động có trình độ nghề, lao động chưa qua đào tạo là 26% và lao động trình độ đại học là 36%.

Rõ ràng đang có sự mất cân đối giữa cung - cầu ở tất cả các trình độ. Trong đó đặc biệt thiếu lao động có trình độ nghề.

Uông Ngọc

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI