Các trường mẫu giáo thời nay đang làm hại trẻ em

21/09/2015 - 06:22

PNO - Một bài viết đưa ra quan điểm rất đáng suy ngẫm của Kate Schweitzer – biên tập viên trang tin sao và phong cách sống nổi tiếng, PopSugar.

Cha mẹ luôn có những kỳ vọng nhất định khi gửi gắm con vào các trường mầm non. Đó là con cái họ sẽ được truyền dạy những kỹ năng cơ bản, quan trọng và cần thiết để có thể thành công trong môi trường học tập và cuộc sống sau này. Đó cũng là lý do tại sao ngày càng có nhiều trường mẫu giáo ở Mỹ tập trung vào các hoạt động định hướng thu nhận kiến thức, như luyện đọc trước và các hoạt động dạng phân loại, tập đếm, tô màu.

Một môi trường như vậy có thể giúp học sinh đạt được điểm trên trung bình trong các môn viết và toán. Điều đáng nói duy nhất, đó là cách tiếp cận sai… và nó chắc chắn sẽ dẫn tới thất bại.

Cac truong mau giao thoi nay dang lam hai tre em

Angela Hanscom, một chuyên gia về phát triển trí năng, cơ năng ở trẻ, tin rằng, trẻ em – trong đó có cả con gái cô – đang phải đối mặt với những rắc rối liên quan tới cảm nhận bằng giác quan và các vấn đề xã hội từ khi còn rất nhỏ. Hiện trạng đáng lo ngại này đang ngày càng phổ biến sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu các bậc phụ huynh và các chuyên gia giáo dục ủng hộ quan điểm giáo dục kiến thức quá sớm cho trẻ.

Một số rối loạn ở trẻ mầm non đang diễn ra với tần suất nhiều hơn hẳn trước đây như:

- Trẻ dễ dàng cáu giận, có thể khóc chỉ vì đánh rơi mũ

- Trẻ thường rời khỏi chỗ ngồi nhiều lần trong ngày

- Trẻ hay lơ đễnh

- Trẻ chạy xô vào nhau và xô cả vào tường

- Trẻ gặp rắc rối khi cần tập trung cao

- Trẻ không thể kiểm soát được cảm xúc của mình và thường sử dụng những biện pháp giải quyết vấn đề rất nghèo nàn và đôi khi tiêu cực

- Trẻ gặp khó khăn với việc giao tiếp xã hội cơ bản

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ thẳng ra nguyên nhân của tình trạng trên – đó là trẻ học được tốt nhất thông qua các trải nghiệm vui chơi có ý nghĩa, nhiều trường mầm non hiện nay ở Mỹ lại vẫn chuyển đổi mô hình chơi mà học sang kiểu tập trung nhiều hơn vào các thành tích thiên về mặt lý thuyết, tri thức.

Trong một bài viết trên tờ Bưu điện Washington, chuyên gia Angela Hanscom nhấn mạnh: “Khi cha mẹ và giáo viên cố gắng để cung cấp các trải nghiệm học tập có tổ chức nhiều hơn, cơ hội để trẻ tự chơi, chơi tự do – đặc biệt là những hoạt động ngoài trời - càng suy giảm. Thật mỉa mai thay, chính các hoạt động tự do ngoài trời tích cực đó mới là nơi để trẻ bắt đầu xây dựng những kỹ năng sống nền tảng mà trẻ cần, để có được thành công trong tương lai”.

Cac truong mau giao thoi nay dang lam hai tre em
Hoạt động vui chơi, nhất là vui chơi ngoài trời, mới là phương pháp học tốt nhất dành cho trẻ.

Và thay vì để trẻ tham gia các trải nghiệm dựa trên cảm quan của toàn cơ thể theo lịch trình đều đặn hàng ngày, chúng lại phải ngồi nghiêm chính trên ghế, trong lớp và giải quyết các đề bài bằng bút chì, giấy.

Chuyên gia Angela Hanscom cũng chỉ ra rằng, chúng ta có thể truyền dạy kiến thức bất cứ lúc nào, nhưng một khi trẻ lên 7 tuổi, gần như không thể “sửa chữa” những phát triển đã định hình về mặt nhận thức, vận động, giác quan của trẻ nữa – đây là những kỹ năng chẳng cần phải dạy.

Lời khuyên của cô dành cho các bậc cha mẹ: Trẻ chỉ cần thời gian, không gian và sự cho phép để được là trẻ con. Hãy để những trải nghiệm học hành theo định hướng người trưởng thành lại. Trẻ con tuổi mẫu giáo chỉ cần chơi!”.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng liệu các bậc phụ huynh và các trường mầm non có dám cùng chung sức tạo nên thay đổi đó – thay vì học, hãy để trẻ chơi?

Huyền Nguyễn (Nguồn: PopSugar)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI