edf40wrjww2tblPage:Content
Sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đóng học phí
Trường công: Tăng hơn gấp đôi
Không chỉ các trường ngoài công lập mới tăng học phí “khủng”, nhiều trường đại học (ĐH) công lập cũng chính thức bước vào “sân chơi” tự chủ với mức học phí không hề thấp. Cụ thể, Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt đề án tự chủ đối với một số trường ĐH công lập như: ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Tài chính - marketing, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội...
Theo đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có mức học phí bình quân đối với các chương trình đại trà từ năm học 2014-2015 là 13 triệu đồng/sinh viên/năm; 2015-2016 tăng lên 14,5 triệu đồng và 2016-2017 lên tới 16,5 triệu đồng. Sinh viên (SV) các khóa cũ chỉ đóng tăng thêm 30% so với mức học phí cũ theo Nghị định 49 (năm học 2014-2015 ở mức 5,5 triệu đồng/SV/năm). Với sự thay đổi này, những SV chuẩn bị vào học tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ phải đóng học phí cao hơn gấp đôi so với trước đó.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng được phép thu học phí ổn định với mức bình quân tối đa hệ ĐH chính quy chương trình đại trà năm học 2014-2015 là 13 triệu đồng/SV/năm. Mức học phí này tiếp tục tăng theo lộ trình từng năm, đến năm học 2015-2016 tăng lên 14,95 triệu đồng; năm 2016-2017 là 17,2 triệu đồng/SV/năm.
Tương tự, Trường ĐH Tài chính - marketing có mức thu học phí bình quân tối đa đối với ĐH chính quy (chương trình đại trà) năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/người học/năm; năm 2016-2017 là 16,5 triệu đồng/người học/năm. Mức thu học phí đang áp dụng trong năm học 2014-2015 được giữ nguyên để bảo đảm toàn bộ các nội dung chi thường xuyên và một phần nguồn kinh phí phục vụ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất của trường.
Trường thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, nghề, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của trường theo quy định.
Trường tư: Tăng bù trượt giá
Những trường ĐH ngoài công lập có mức học phí “khủng” hầu như giữ nguyên hoặc chỉ tăng nhẹ trong năm học mới. Cụ thể, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, năm 2015 thu học phí từ 42,2 - 48,5 triệu đồng/SV/năm (với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt) và 109,8 - 120,3 triệu đồng/SV/năm (giảng dạy bằng tiếng Anh). Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen có mức thu học phí vào khoảng 45-49 triệu đồng/SV/năm. Trường ĐH Kinh tế - tài chính có mức học phí 3,5 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm học phí tiếng Anh.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến tăng học phí tối đa khoảng 2-5% so với năm học trước. Theo ThS Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh của trường: Trường thu học phí theo tín chỉ, bậc ĐH khoảng 600.000 đồng/tín chỉ, bậc CĐ hơn 500.000 đồng/tín chỉ (khoảng 20 triệu đồng/năm). Những năm trước, trường thường tăng học phí khoảng 10% mỗi năm để bù trượt giá. Tuy nhiên, năm nay tỷ lệ lạm phát có giảm nên trường chỉ tăng nhẹ học phí cho phù hợp.
Tương tự, năm 2015 Trường ĐH Văn Lang cũng dự kiến sẽ tăng ở mức từ 5 - 10% so với năm ngoái và mức này sẽ không thay đổi trong suốt khóa học (học phí năm 2014 của trường từ 16 - 25 triệu đồng/năm, tùy ngành học). Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM dự kiến tăng 10% so với năm trước. Trường ĐH Văn Hiến dự kiến tăng khoảng 5% học phí so với năm 2014; những sinh viên nhập học trước đó đều được cam kết giữ ổn định học phí. Trường ĐH Lạc Hồng có mức học phí dao động từ 12,5 - 15 triệu đồng/năm học, riêng ngành dược là 30 triệu đồng/năm…
Sinh viên trường ĐHKHTN ( ĐHQG - TP.HCM) đang đóng học phí - Ảnh mang tính minh họa - Trần Huỳnh
Phụ huynh lo lắng
Trước thông tin các trường ĐH sẽ tăng học phí, nhiều phụ huynh (PH) đứng ngồi không yên. Một số người tỏ ra bức xúc vì mức học phí quá cao. Ông Nguyễn Văn Định (nhân viên công chứng, ngụ ở đường Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM) nói: “Chúng tôi chỉ mong việc tăng học phí hợp lý, nghĩa là học phí tăng tương xứng với mức đầu tư cho SV, cơ sở vật chất để SV sau khi học, tốt nghiệp ra trường có thể làm việc, có nghề nghiệp ổn định…”.
Tổng thu nhập của vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan (giáo viên, ngụ đường Hòa Bình, Q.11) là 12 triệu đồng/tháng. Anh chị có hai con đang đi học. Chị Loan chia sẻ: “Năm nay con tôi thi ĐH, nghe nói mức học phí đến gần 20 triệu đồng/năm thì chắc vợ chồng tôi chịu thua. Hơn 2 triệu đồng/tháng mới chỉ là học phí thôi chứ chưa kể các chi phí khác. Học phí thì cứ tăng từng năm, nhà có hai đứa con đi học, vợ chồng tôi không thể gánh nổi".
Khác với băn khoăn của chị Loan, anh Đinh Văn Năm (Q.Tân Bình) cho biết: “Con tôi thích trường ĐH Kinh tế từ lâu. Cháu định dự thi vào trường này trong năm nay. Mới đọc báo thấy học phí tăng nhiều quá, con đi học về cứ buồn buồn. Tôi hỏi thì con nói là sợ ba mẹ lo không nổi. Nhà chỉ có mình tôi đi làm nuôi hai con đang tuổi ăn tuổi học, rất vất vả nhưng tôi không thể không lo cho tương lai của con. Tôi khuyên con cứ cố gắng học và thi theo nguyện vọng, tới đâu hay tới đó…”.
Nhiều PH còn băn khoăn về khả năng chi trả “đường dài”. Ông Nguyễn Quang Tâm, PH của em Nguyễn Quang Đức (Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi nghe nói có chính sách SV đi học sẽ được vay tiền ngân hàng nhưng chưa biết cụ thể ra sao. Trước mắt, một - hai năm thì vợ chồng tôi lo nổi cho cháu học ĐH, nhưng về lâu thì không biết sao. Nếu Nhà nước cho vay thì tôi đỡ lo phần nào…”.
TS Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, học phí là vấn đề cần xem xét khi chọn chỗ học, nhưng quan trọng nhất với các em vẫn là ngành học nào yêu thích và bậc học nào phù hợp với sức học. Nếu các em đủ khả năng vào ĐH thì mạnh dạn đăng ký, nếu không đủ vẫn có thể học trung cấp, cao đẳng rồi liên thông, đừng lo quá nhiều chuyện học phí. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, mỗi năm dành đến năm tỷ đồng để trao học bổng cho SV khó khăn, SV học giỏi… Trường cũng đã hợp tác với ngân hàng để SV có thể vay đóng học phí lẫn vay sinh hoạt phí.
Đại diện nhiều trường ĐH cho biết, luôn có quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài hỗ trợ SV. Với những SV có khả năng học tập nhưng nghèo, gia đình chính sách, các trường đều có chế độ miễn giảm học phí. Theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, HS-SV có thể làm thủ tục vay vốn của ngân hàng để học tập với lãi suất thấp. Cha mẹ hoặc người thân của HS-SV cũng có thể đại diện để vay vốn cho đi học. Mức vốn vay tối đa là 1,1 triệu đồng/tháng với lãi suất 0,65%/tháng (lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay).
TIÊU HÀ