Các trường đại học Mỹ xin Tổng thống Biden “cứu” dòng sinh viên quốc tế

30/05/2021 - 15:37

PNO - Một phân tích gần đây của công ty dịch vụ tài chính Moody's cho thấy sự sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế năm 2020 và tác hại của đại dịch COVID-19 có thể sẽ ảnh hưởng đến tình trạng tài chính của các trường đại học và cao đẳng Mỹ trong “vài năm sắp tới”.

Nguồn tiền rót đều đặn và ngày càng tăng cho các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ từ sinh viên quốc tế đã đột ngột bị gián đoạn do đại dịch. Hiện các cơ sở giáo dục đang đề nghị Nhà Trắng hỗ trợ quy trình cấp thị thực bị COVID-19 gây ách tắc để đưa những sinh viên “béo bở” đó trở lại Mỹ.

Khuôn viên Đại học California ở Berkeley, California, trong những ngày đại dịch - Ảnh: AP
Khuôn viên Đại học California ở Berkeley, California, trong những ngày đại dịch - Ảnh: AP

Sinh viên nước ngoài đến Mỹ thường thanh toán đầy đủ tiền học phí và lệ phí, khiến các trường muốn nhận họ. Nhưng khi đại dịch đóng cửa biên giới, hủy các chuyến bay quốc tế và đóng cửa các tòa nhà, dòng tiền chảy vào Mỹ cũng bị ngắt. Và đây là lúc các nhóm vận động cho giáo dục hối thúc Tổng thống Biden phục hồi nó.

Các trường cao đẳng và đại học của Mỹ đã mất hàng tỷ đô la vì đại dịch “xua đuổi” sinh viên quốc tế và khiến nhiều gia đình không nộp đơn xin nhập học cho con cái của họ. Bây giờ, học kỳ mùa thu của các trường vẫn bấp bênh vì họ chưa biết có thể nhận được bao nhiêu sinh viên quốc tế đăng ký nhập học trong bối cảnh bộ máy chính quyền Mỹ còn chậm chuyển biến.

Elizabeth Goss, một luật sư nhập cư có trụ sở tại Boston, cho biết: “Khi bạn tính đến các yếu tố phát triển cộng đồng, họ (sinh viên nước ngoài) là những người đổi mới và sáng tạo, nhưng sẽ là tai họa về lâu dài nếu họ không thể được nhập cảnh”.

Theo Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) - một tổ chức chuyên theo dõi số lượng ghi danh của sinh viên nước ngoài vào Mỹ - trong năm học 2019-2020, có gần 1,1 triệu sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ. Mặc dù các nhóm giáo dục nói rằng còn quá sớm để dự đoán việc sinh viên nước ngoài đăng ký mùa thu này sẽ như thế nào, nhưng sự sụt giảm 43% lượng sinh viên quốc tế ghi danh mùa thu năm ngoái đã khiến cho những lo ngại có thêm cơ sở.

Một phân tích gần đây của công ty xếp hạng tín dụng Moody's cho biết số lượng tuyển sinh có thể sẽ tăng trở lại vào mùa thu, nhưng sẽ bị kiềm chế bởi các hạn chế đi lại do đại dịch, do hậu quả kéo dài từ các chính sách nhập cư của chính quyền Trump và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các quốc gia khác.

Tổng thống Biden đã nới lỏng lệnh cấm nhập cảnh thời Trump và sẽ cho phép sinh viên có thị thực học trực tuyến nếu các khu học xá đóng cửa vì dịch COVID-19, nhưng những người ủng hộ giáo dục đại học đang hối thúc ông nới lỏng các hạn chế đối với thị thực sinh viên để tạo điều kiện thuận lợi cho họ đến Mỹ.

Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA), tổ chức phi lợi nhuận giáo dục quốc tế lớn nhất thế giới, cũng đã yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ưu tiên xử lý thị thực sinh viên và học giả, gia hạn điều kiện miễn phỏng vấn thị thực trực tiếp và sử dụng dịch vụ hội nghị truyền hình đối với các phỏng vấn bắt buộc. Trước đây, để nhận được thị thực du học, sinh viên tương lai phải nộp giấy tờ và tham gia phỏng vấn trực tiếp tại lãnh sự quán Hoa Kỳ tại nước sở tại. Sau đó, phải mất vài tháng để xử lý thị thực.

COVID-19 gây ra sự gián đoạn đối với các ngân hàng và lãnh sự quán, ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề như Ấn Độ, vấn đề thủ tục có thể tiếp tục là rào cản đáng kể đối với sinh viên tương lai.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một bệnh viện công ở Hyderabad, Ấn Độ - Ảnh: AP
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một bệnh viện công ở Hyderabad, Ấn Độ - Ảnh: AP

Allan Goodman, Chủ tịch IIE, cho biết, thông thường khoảng 40.000 sinh viên Ấn Độ đến Hoa Kỳ mỗi năm, và họ là những sinh viên cần xin thị thực từ lãnh sự quán Mỹ. Nhưng việc này không đơn giản khi đất nước Ấn Độ đang trong vòng vây của đại dịch.

Priyank Lathwal, một nghiên cứu sinh tiến sĩ người Ấn Độ đang theo học tại Đại học Carnegie Mellon, cho biết: “Rất nhiều sinh viên muốn quay trở lại Ấn Độ để gia hạn visa F-1, nhưng họ không thể làm như vậy vì có sự chậm trễ trong hệ thống xử lý thị thực và các đại sứ quán đã đóng cửa ở Ấn Độ”.

Sinh viên đại học và học giả từ Trung Quốc, Iran, Brazil, Nam Phi, Khu vực Schengen của Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Ireland đã được bổ sung vào danh sách ngoại lệ của Bộ Ngoại giao đối với các hạn chế đi lại do đại dịch, điều này cho phép họ đến Mỹ bất chấp những hạn chế đi lại.

Hoàng Diệu (theo Politico)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI