Dừng tuyển 13 ngành trong 2 năm
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, trong 2 năm qua, Trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã phải dừng tuyển sinh đến 13 ngành; riêng năm 2022 dừng tuyển sinh 11 ngành, năm 2023 dừng thêm 2 ngành. Đáng chú ý, trường có 4 ngành không tuyển được sinh viên nào kể từ khi mở ngành gồm: quản lý văn hóa, quản lý công, quản lý đô thị, toán kinh tế.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Trường đại học Đồng Nai cho biết: trong những năm gần đây, một số ngành đào tạo trình độ đại học tuyển sinh thấp hoặc không tuyển sinh được. Năm 2023, các ngành sư phạm lịch sử, sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học, khoa học môi trường và quản lý đất đai không tuyển sinh được. Tình trạng này đối với ngành sư phạm sinh học còn kéo dài từ năm 2020 đến 2023. Hiện trường có 4 ngành sư phạm là lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học đang dừng tuyển sinh.
|
Đầu tháng 4/2024, học sinh một số trường THPT khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đến Trường đại học Trà Vinh để tham quan, tìm hiểu về các ngành đào tạo của trường - Ảnh: T.U. |
Trường đại học Quảng Bình có lúc đào tạo đến hàng chục ngàn sinh viên mỗi năm nhưng những năm gần đây, mỗi mùa tuyển sinh, trường chỉ tuyển được khoảng 1.000 sinh viên. Năm 2023, trường chỉ tuyển được 300 sinh viên. Trong khi nguồn thu chính của trường đến từ đào tạo ngoài sư phạm thì hiện nay, quá nửa sinh viên của trường là sinh viên sư phạm. Cộng thêm việc số lượng viên chức, lao động của trường vẫn như giai đoạn đào tạo 10.000 sinh viên nên trường rơi vào tình trạng nợ lương người lao động khoảng 4,7 tỉ đồng từ tháng 2 - 8/2023; nợ tiền bảo hiểm xã hội của cán bộ nhân viên tính đến đầu năm 2024 đến nay hơn 1,4 tỉ đồng.
Ở phía Bắc, không chỉ nhiều trường đại học địa phương mà các trường đại học đặt tại địa phương cũng gặp khó khăn. Các trường như Trường đại học Công nghiệp Việt Trì (tỉnh Phú Thọ, trực thuộc Bộ Công Thương), Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định (tỉnh Nam Định, trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Trường đại học Điều dưỡng Nam Định (tỉnh Nam Định, trực thuộc Bộ Y tế) từng có những năm thu hút nhiều sinh viên theo học. Tuy nhiên nhiều năm gần đây, các trường từng có “thương hiệu” này cũng rơi vào cảnh tuyển sinh èo uột.
Năm 2021, Trường đại học Công nghiệp Việt Trì chỉ tuyển được 25% chỉ tiêu, năm 2022 tuyển được 14,8% chỉ tiêu. Các ngành công nghệ hóa học, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm có số thí sinh đăng ký, nhập học rất thấp, dù công tác tuyển sinh có khi kéo dài đến hết năm. Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Trường đại học Điều dưỡng Nam Định cũng trong tình trạng tương tự, số lượng thực tuyển thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu, đồng thời con số này còn giảm qua các năm.
Đào tạo ngành địa phương cần
Bộ GD-ĐT thống kê, cả nước hiện có 244 cơ sở giáo dục đại học, số cơ sở giáo dục công lập là 172; trong đó có 26 cơ sở giáo dục đại học thuộc các địa phương (trực thuộc UBND cấp tỉnh). Bộ đánh giá phần lớn trong số này nhiều năm không cải thiện về quy mô đào tạo, tuyển sinh khó khăn, hoạt động kém hiệu quả.
Trước đây, trường đại học địa phương được kỳ vọng giúp sinh viên có thể “ăn cơm nhà, học đại học”. Về lý thuyết, trường đại học địa phương còn được đánh giá là có nhiều đóng góp về kinh tế, xã hội cho các tỉnh, thành phố; đồng thời cung cấp một phần nhân lực, nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên đến nay, có thể thấy thực trạng chung của phần lớn trường đại học địa phương là không thu hút được người học dẫn đến nguồn thu giảm mạnh, không có nguồn tài chính nào khác để chi trả lương cho người lao động. Việc “gánh” ngân sách cho các trường đại học trực thuộc là quá sức với địa phương.
Từ góc nhìn trong cuộc, đại diện Trường đại học Hà Tĩnh đã thẳng thắn chỉ ra không ít hạn chế của trường đại học địa phương như: đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng cũng như cơ cấu, ngành đào tạo vẫn mang tính truyền thống nên chưa hấp dẫn người học. Các trường chưa có mã ngành đào tạo thạc sĩ tuyển sinh hằng năm thấp, không đạt chỉ tiêu. Quan trọng là chưa có nhiều cán bộ đầu ngành, nhóm nghiên cứu mạnh mang tính liên ngành hay mũi nhọn dẫn dắt hoạt động khoa học và công nghệ của trường. Còn nguồn thu thì chưa đa dạng và có xu hướng giảm…
Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT - phân tích: các trường đại học địa phương đào tạo những ngành giống các trường đại học ở các trung tâm kinh tế - chính trị lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM) thì rất khó tuyển sinh. Bên cạnh đó, những thay đổi về thị trường, nhu cầu lao động của địa phương cũng khiến các ngành đặc thù kém phát triển. Ví dụ, Trường đại học Công nghiệp Việt Trì thành lập năm 2011, trên cơ sở nâng cấp Trường cao đẳng Hóa chất để phục vụ ngành công nghiệp hóa chất. Song sau này nhu cầu thị trường không còn nhiều nên việc đào tạo lao động những ngành đặc thù này suy giảm.
Do đó, ông cho rằng, những trường đại học cách xa các trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội muốn thu hút người học cần phải có những ngành đào tạo đặc biệt, đặc thù, tính ứng dụng cao và phải phù hợp với điều kiện của địa phương. Điểm mấu chốt là các cơ sở đào tạo cần nhìn nhận từ góc nhìn của người học, của các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng kết quả đào tạo của trường. Trên cơ sở đó mới có thể có những ngành đào tạo phù hợp nhu cầu của thị trường lao động. Công tác truyền thông cần đẩy mạnh để phụ huynh, học sinh biết rõ hơn về các chương trình đào tạo cũng như đặc điểm của từng trường. Công tác hướng nghiệp cho học sinh cũng cần sự phối hợp giữa truyền thông, trường đại học và trường phổ thông. Nhà trường cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp để tạo cơ hội làm thêm cho sinh viên khi đang theo học.
Chỉ khi có sự thay đổi quyết liệt từ chính trường đại học địa phương, sự kết hợp chặt chẽ với trường phổ thông, cơ quan quản lý, phụ huynh, học sinh; thì tình cảnh tuyển sinh đìu hiu ở các trường đại học địa phương mới thực sự được tháo gỡ.
Đầu ra tốt mới có thể thu hút người học Trường đại học Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) là một trong số rất ít trường đại học địa phương hoạt động hiệu quả. Hiện trường có quy mô đến 25.000 sinh viên, học viên. Dù vậy, đại diện trường cho biết trường vẫn cần được hướng dẫn, áp dụng đồng bộ các chính sách về tự chủ đại học; mong muốn tiếp cận các dự án đầu tư lớn từ trung ương cũng như các dự án nước ngoài. Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường cũng cần được hỗ trợ bởi hiện nay thủ tục cấp phép cho giảng viên, chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu đang phức tạp. Theo tiến sĩ Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - nguồn tuyển sinh có chất lượng là bài toán khó của các trường đại học nói chung. Bởi học sinh ngày nay không chỉ học đại học trong nước mà chọn học ở nước ngoài. Không có cách nào khác ngoài việc các trường phải chuẩn bị và đầu tư lâu dài trong việc liên tục nâng cao chất lượng để cạnh tranh thu hút người học, chương trình đào tạo phải đổi mới, nghiên cứu khoa học phải phát triển để có thể thường xuyên cập nhật nội dung và phương pháp giảng dạy. Đầu ra cho sinh viên cũng là một trong những yếu tố quan trọng để cạnh tranh thu hút người học. |
Ngọc Minh Tâm