Các trường đại học Anh xem xét lại hồ sơ sinh viên quốc tế sau tranh cãi về thiên vị tuyển sinh

08/02/2024 - 14:21

PNO - Một số trường đại học và cao đẳng tại Anh bị cáo buộc hạ thấp tiêu chuẩn đầu vào đối với nhóm sinh viên nước ngoài trả học phí cao hơn.

 

Một cuộc điều tra bí mật đã phát hiện ra rằng sinh viên nước ngoài có thể tham gia các khóa học dự bị 'cơ bản' tại một số trường đại học hàng đầu với điểm tương đương điểm D và E ở A-level - Ảnh: Chris Ison/PA
Một cuộc điều tra bí mật phát hiện sinh viên nước ngoài có thể tham gia các khóa học dự bị tại một số trường đại học hàng đầu với mức điểm tương đương điểm D và E trong thang đo A-level. Ảnh: Chris Ison/PA

Các phó hiệu trưởng sẽ xem xét lại quá trình tuyển sinh sinh viên quốc tế của các trường đại học và cao đẳng tại Anh, bao gồm cả việc xác định “hành vi xấu” của các đại lý tuyển sinh nước ngoài, sau những tranh cãi về vấn đề thiên vị.

Các trường đại học và cao đẳng tại Anh đã công bố một loạt đánh giá về việc sử dụng các đại lý tuyển sinh và triển khai những chương trình dự bị quốc tế, đồng thời công bố quy tắc thực hành quản lý tuyển sinh.

Hiệp hội các trường Đại học Anh cho biết: “Các hoạt động tuyển sinh liên quan đến sinh viên quốc tế thu hút sự quan tâm của công chúng trong những tuần gần đây. Mặc dù báo cáo cho thấy một số vấn đề về quy trình và tiêu chí tuyển sinh, điều quan trọng là sinh viên, gia đình của họ và chính phủ cần tin tưởng rằng hệ thống này công bằng, minh bạch và mạnh mẽ”.

Các trường đại học gần đây đã bị cáo buộc hạ thấp tiêu chuẩn đầu vào đối với sinh viên quốc tế, những người phải trả học phí cao hơn nhiều so với sinh viên bản địa.

Chẳng hạn, Đại học York đã yêu cầu nhân viên “linh hoạt hơn” trong việc tiếp nhận sinh viên quốc tế có điểm thấp hơn mong đợi. Một cuộc điều tra của tờ Sunday Times nhắm vào các đại lý tuyển sinh cho các trường đại học như Durham và Exeter cũng cho thấy, sinh viên quốc tế vốn có điểm học tập kém dễ dàng đạt được điểm cao đầu vào thông qua các khóa học dự bị quốc tế.

Đại học Durham mô tả những tuyên bố này là "hoàn toàn sai lầm". Một người phát ngôn cho biết: “Các yêu cầu đầu vào đối với những sinh viên quốc tế hoàn thành chương trình dự bị quốc tế được đảm bảo tương đương với yêu cầu đầu vào của sinh viên trong nước nhập học thông qua chương trình A-level”.

Nhiều trường đại học ở Anh cho biết họ sẽ tiến hành đánh giá nhanh các khóa học dự bị quốc tế và so sánh với các yêu cầu đầu vào dành cho sinh viên bản địa. Các phó hiệu trưởng cho biết họ sẽ làm việc với chính phủ để xem xét thực hiện những thay đổi nhằm “cải thiện khả năng minh bạch và xác định các hành vi xấu”.

Các trường đại học, cao đẳng cũng sẽ cập nhật quy tắc thực hành tuyển sinh của họ “để nêu rõ khả năng áp dụng đối với sinh viên quốc tế”. Bộ quy tắc hứa hẹn “sự công bằng và minh bạch”, tuyên bố rằng các cơ sở giáo dục sẽ “sử dụng bằng chứng mà họ có sẵn để đưa ra quyết định sáng suốt về tiềm năng thành công của ứng viên trong khóa học”.

David Willetts - cựu bộ trưởng các trường đại học, người thí điểm áp dụng các khoản vay học phí ở Anh – cho rằng, việc chính phủ giữ nguyên mức học phí kể từ năm 2016 đã làm tăng sự phụ thuộc của các cơ sở giáo dục vào nguồn thu từ sinh viên nước ngoài.

Ông Willets cho biết: “Các trường đại học cần sinh viên nước ngoài “trợ cấp” cho sinh viên trong nước. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là tài trợ hợp lý cho giáo dục đại học trong nước, điều đó có nghĩa là liên kết học phí với lạm phát hoặc một số công thức tương tự khác”.

Linh La (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI