Nhiều ca diễn tiến nặng
 |
Số lượng bệnh nhi mắc sởi nặng tăng khiến Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) luôn quá tải |
Những ngày này, tại Khoa Nhi tiêu hóa - tiết niệu - bệnh nhiệt đới thuộc Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế), lượng bệnh nhân tại các tỉnh, thành miền Trung vẫn tiếp tục chuyển đến, dù nơi đây đã sử dụng hết phòng. Trong đó, một số trường hợp nặng, nguy cơ tử vong cao.
Theo bệnh viện, số ca sởi khởi phát từ tháng 11/2024, đến nay có khoảng 700 trường hợp nhập viện cho kết quả dương tính với sởi. Nhiều bệnh nhi đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh…
Trong phòng bệnh 214, bệnh nhi P.N.L.C. (gần 9 tháng tuổi) được hỗ trợ thở ô xy, theo dõi qua monitor. Chị T.T.N. (huyện Phú Lộc, TP Huế) đang chăm con cũng ho, sốt, mệt vì lây bệnh từ bé. Người đầu tiên trong nhà phát bệnh là em trai chị đang học lớp Tám.
Cả gia đình cho em cách ly nhưng vài ngày sau, thêm 4 người khác trong nhà cũng bị lây. Bé C. chưa tiêm mũi vắc xin nào, phát ban toàn thân, dấu hiệu bệnh ngày càng nặng nên nhập viện cấp cứu. “Lúc mới vào, con phải truyền dịch, hỗ trợ thở vì quá yếu. Qua một tuần thì con đỡ sốt, bác sĩ nói bé sắp được cai thở ô xy” - chị N. kể.
Tại khu cách ly Khoa Nhi tiêu hóa - tiết niệu - bệnh nhiệt đới, vợ chồng chị Rcơm Hbyuih đến từ Gia Lai đang chăm con là bé Rcơm H. (gần 3 tuổi). Bé ra Huế để phẫu thuật tim bẩm sinh thì phát bệnh. Chị Rcơm Hbyuih kể: “Từ Trung tâm Tim mạch, vợ chồng tôi theo con qua đây đã 5 ngày. Bác sĩ dặn điều trị hết sởi rồi mới mổ tim. Con cứ ho, khó thở, đau sốt đủ kiểu, nên tôi phải địu trên lưng suốt”.
Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi thuộc Trung tâm Nhi dành 1 phòng khoảng 6 giường phục vụ bệnh nhi sởi nặng. Hiện có 2 trường hợp đang thở máy; 1 trường hợp vừa được lọc máu, qua cơn nguy kịch.
Về ca đang thở máy, bác sĩ Nguyễn Công Quốc - Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi - cho biết: “Bệnh nhi M.V.A. - 11 tháng tuổi từ Quảng Bình chuyển vào cấp cứu ngày 19/3. Cháu A. bị sởi, biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng.
Các bác sĩ cho trẻ lọc máu 5 ngày kết hợp thở máy, điều trị kháng sinh tích cực, dùng thuốc vận mạch. Hiện tình trạng trẻ ổn định, khả năng cai máy thở trong vài ngày tới. Đây là một trong những ca sởi biến chứng nặng được can thiệp kịp thời”.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đắc Lương - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi - đánh giá: “Từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Tại phòng theo dõi, có 3 trẻ trên dưới 1 tuổi viêm phổi nặng.
Đợt này có nhiều ca bệnh diễn tiến nặng, đặc biệt là biến chứng viêm phổi nặng trên sởi, dẫn tới suy hô hấp tiến triển. Trước đó, 1 trẻ đến từ Hà Tĩnh mắc sởi bị biến chứng viêm não tủy (hiếm gặp) dẫn đến liệt 2 chi dưới. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhi ổn định và đã xuất viện”.
Khẩn trương tiêm phòng vắc xin
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Thị Lan Hương - Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - chia sẻ: “Không chỉ trẻ nhỏ, đợt này bệnh viện tiếp nhận hơn 160 ca sởi ở người lớn. Bệnh sởi dễ lây nhiễm nếu không kịp thời cách ly, điều trị; đồng thời dễ chuyển biến nặng ở người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Do đó, việc tiêm phòng rất quan trọng”.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ, từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố ghi nhận 2 trường hợp dương tính sởi, 135 trường hợp được chẩn đoán lâm sàng. Hiện tại, số ca sởi đã giảm đáng kể so với thời điểm trước tết.
Tuy nhiên, thành phố vẫn còn ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác trong cộng đồng. Các trường hợp mắc sởi chủ yếu là ở trẻ em dưới 5 tuổi, chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Minh Hòa - Giám đốc CDC tỉnh Đồng Nai - cho biết, tính đến giữa tháng 3/2025, tỉnh ghi nhận số ca mắc là hơn 11.400 ca, trong đó có 4 ca tử vong. Khoảng 90% những ca mắc và ca tử vong đều chưa tiêm vắc xin phòng sởi. Từ ngày 27/9/2024, Đồng Nai triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi.
Từ ngày 27/2/2025 đến nay, toàn tỉnh tiếp tục tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi cho hơn 9.700 em. Nhờ vậy, dịch sởi dần được kiểm soát. Số ca mắc sởi đỉnh điểm lên đến hơn 200 ca/mỗi ngày (thời điểm cuối năm 2024), đến nay giảm còn khoảng 150 ca/1 tuần.
Trong đó, TP Biên Hòa là địa phương có số ca mắc cao nhất cả tỉnh với hơn 4.300 ca. Để kiểm soát dịch sởi, trung tâm y tế tổ chức giao ban trao đổi thường xuyên với chuyên trách các trạm y tế, phối hợp với khu phố, ấp, tổ chức tiêm vắc xin ngừa sởi ngoài giờ, tạo thuận lợi cho người dân đến tiêm. Hiện tại, số ca mắc sởi ở TP Biên Hòa đã giảm rõ rệt.
Kinh nghiệm phòng, chống dịch sởi tại TPHCM Phó giám đốc HCDC Lê Hồng Nga cho biết ngày 23/5/2024, TPHCM xuất hiện các ca sởi đầu tiên. Đây là những ca bệnh được phát hiện sau hơn 2 năm không ghi nhận sởi trên địa bàn. Sau đó, số lượng người mắc bệnh sởi có dấu hiệu tăng nhanh, đến ngày 27/8/2024, UBND TPHCM ban hành quyết định công bố dịch sởi. Đây là cơ sở pháp lý để TPHCM thực hiện các biện pháp, hoạt động kiểm soát dịch sởi. Thành phố đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để mua vắc xin ngừa sởi. Ngày 31/8/2024, chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi đã được triển khai trên toàn thành phố. Ngày 12/11/2024, sau khi có văn bản đồng ý của Bộ Y tế, TPHCM tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi. Nhờ vào các chiến dịch tiêm ngừa vắc xin, số ca mắc sởi được ngăn chặn và giảm dần. Bệnh sởi trong cộng đồng được kiểm soát. 3 tháng đầu năm 2025, số ca bệnh hằng tuần tại TPHCM có xu hướng giảm nhanh. Tính đến tuần 12 (từ ngày 17/3 đến 23/3) đã có 50 phường, xã thuộc 13 quận, huyện và TP Thủ Đức không ghi nhận ca sởi mới trong 3 tuần liên tiếp trở lên. Chiều 27/3, UBND TPHCM ký quyết định công bố hết dịch sởi tại 22 phường, xã ở 3 quận, huyện là quận 1 (4 phường), quận 4 (3 phường) và huyện Củ Chi (15 xã). Hiện TPHCM đã tiêm chủng đạt tỉ lệ hơn 99%, ngoài trẻ em còn tiêm ngừa cho hơn 3.000 nhân viên y tế. Với trẻ thuộc nhóm nguy cơ được tiêm chủng đến 16 tuổi. Thành phố tiến tới kết thúc dịch trong quý II/2025. Sau đó, sẽ tiếp tục các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca nghi sởi trong cộng đồng và trường học để kịp thời xử lý, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Phạm An |
Phạm An - Thuận Hóa