Các tỉnh Tây Nam Bộ chủ động ứng phó hạn, mặn

06/11/2023 - 06:09

PNO - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng, thủy văn quốc gia, năm nay, mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long kết thúc vào giữa tháng Mười một và hạn, mặn sẽ xuất hiện vào tháng Mười hai, sớm hơn 1 tháng so với trung bình nhiều năm. Chính quyền và người dân các địa phương đã và đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với tình trạng này.

Sản xuất sớm để tránh thiệt hại

Mấy ngày nay, vợ chồng chị Liêng Thị Mơ (xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đã vệ sinh xong 25 công ruộng, sẵn sàng gieo sạ lúa đông xuân 2023-2024 khi nước lũ bắt đầu rút. 

Theo chị Mơ, năm nay, lúa có giá cao, giá lúa vụ thu đông vừa rồi 8.200 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay nên nông dân rất phấn khởi. Lúa được giá, dễ tiêu thụ nên nông dân quan tâm đầu tư cho cây lúa hơn. Vì vậy, khi nghe chính quyền địa phương khuyến nghị xuống giống thông báo vụ đông xuân sẽ sớm (giữa tháng Mười một) nhằm né hạn, mặn, đạt năng suất cao, nông dân đồng tình ngay. 

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều điểm cung cấp nước ngọt miễn phí vào mùa khô để hỗ trợ bà con các khu vực khó khăn về nguồn nước ẢNH: HUỲNH LỢI
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều điểm cung cấp nước ngọt miễn phí vào mùa khô để hỗ trợ bà con các khu vực khó khăn về nguồn nước Ảnh: Huỳnh Lợi

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh sẽ sản xuất 281.000ha lúa vụ đông xuân, sản lượng ước đạt hơn 2,3 triệu tấn, cao nhất cả nước. Do tỉnh có nhiều vùng có đặc điểm khác nhau (như ngập lũ không sâu, ngập lũ sâu và nước rút chậm, vùng ven biển…) nên việc sản xuất được tính toán hợp lý để vừa né hạn, mặn, vừa né rầy nâu. Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ cơ giới hóa đồng bộ việc sản xuất nhằm rút ngắn thời gian gieo sạ, đồng thời triển khai các giải pháp thủy lợi để phòng chống hạn, mặn.

Chỉ tay vào cánh đồng lúa rộng khoảng 1.000ha, ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - cho hay, những năm qua, HTX tích cực đầu tư máy móc, trạm bơm. Giữa tháng 11/2023, HTX sẽ bơm nước cho toàn bộ cánh đồng và gieo sạ đồng loạt trong 2-3 ngày là xong. Ngoài việc chủ động xuống giống sớm để tránh ảnh hưởng của hạn hán, hầu hết xã viên chọn giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ để vừa trúng mùa, vừa trúng giá. 
 

Nông dân trồng cam sành ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long tích trữ nước ngọt để sẵn sàng ứng phó với hạn mặn - ẢNH: THANH LÂM
Nông dân trồng cam sành ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long tích trữ nước ngọt để sẵn sàng ứng phó với hạn mặn - Ảnh: Thanh Lâm

Tiền Giang là tỉnh thường xuyên chịu tác động của tình trạng hạn, mặn sớm nhưng năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp thích ứng, như xuống giống đồng loạt 44.760ha lúa vụ đông xuân từ đầu tháng Mười một; khuyến cáo nông dân trồng lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, mặn tốt; chuyển đổi gần 830ha trồng lúa ở nơi thiếu nước tưới sang trồng các loài cây khác phù hợp hơn. Ngành nông nghiệp cũng tập huấn cho người dân các biện pháp chăm sóc cây trồng vào mùa hạn, mặn; khuyến cáo tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bổ sung các chất trung, vi lượng để tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm vào mùa khô.

Tích cực ngăn mặn, trữ ngọt 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tháng 10 và tháng 11/2023, tổng lượng mưa của vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn khoảng 10 - 20% so với trung bình nhiều năm, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long năm nay cũng thấp 10 - 20%. Hiện tượng El Nino nhiều khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024, dự báo hiện tượng xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn năm trước. 

Các kỹ sư và công nhân Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đẩy nhanh tiến độ thi công cống Nguyễn Tấn Thành ở tỉnh Tiền Giang - ẢNH: HUỲNH LỢI
Các kỹ sư và công nhân Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đẩy nhanh tiến độ thi công cống Nguyễn Tấn Thành ở tỉnh Tiền Giang - Ảnh: Huỳnh Lợi

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho hay, đang kiểm tra các công trình ngăn mặn, củng cố hệ thống đê bao, đắp thêm các đập ngăn mặn, trữ ngọt; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An vận hành công trình kiểm soát mặn triệt để từ hướng sông Vàm Cỏ Tây. Ngoài ra, kỹ sư và công nhân của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đang đẩy nhanh tiến độ thi công cống Nguyễn Tấn Thành - dự án ngăn mặn và điều tiết nguồn nước quan trọng, với kinh phí đầu tư khoảng 500 tỉ đồng. Dự kiến cống này sẽ lắp đặt cửa vận hành tạm thời vào tháng 2/2024 để ngăn mặn, trữ ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi chủ động vận hành sớm 55 cống ven biển Rạch Giá - Kiên Lương và ven sông Cái Bé, cùng 35 cống của dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No, 17 cống ở vùng U Minh Thượng; chủ động đắp 37 đập đất ở các nơi chưa hoàn thiện cống ngăn mặn thuộc các huyện An Biên, An Minh và Giang Thành. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước diễn biến ngày càng phức tạp của hạn, mặn, các công trình thủy lợi trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long như cống Cái Lớn - Cái Bé đã phát huy tác dụng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ cho hay, trong mùa khô 2015-2016, có 10 tỉnh, thành ở vùng đồng bằng sông Cửu Long phải công bố tình trạng thiên tai do hạn, mặn gây thiệt hại tổng cộng 7.900 tỉ đồng. Đến mùa khô 2019-2020, nhờ dự báo sớm, các địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng chống nên mức thiệt hại chỉ bằng 14% so với năm 2015-2016. 

Huỳnh Lợi

Ứng dụng kỹ thuật mới giúp sầu riêng thích ứng hạn, mặn

Mùa khô năm 2020, nước mặn xâm nhập sâu đã gây thiệt hại cho nhiều vườn sầu riêng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, riêng tỉnh Tiền Giang có khoảng 4.500ha sầu riêng bị thiệt hại với nhiều mức độ khác nhau. Sau đó, nhờ chủ động ứng phó, các vườn sầu riêng đã được khôi phục. Năm 2023, người trồng sầu riêng ở Tiền Giang thắng lớn nhờ bán được giá cao (từ 90.000-120.000 đồng/kg). 

Ông Dương Văn Phương - Phó chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - cho biết, toàn xã có khoảng 690ha sầu riêng. Sau các đợt hạn, mặn, bà con đã rút ra nhiều kinh nghiệm để ứng phó. Ngoài các công trình đê bao ngăn mặn được xây mới, Viện Cây ăn quả miền Nam đã hỗ trợ nông dân các kỹ thuật mới trong canh tác sầu riêng, xây dựng mô hình vườn sầu riêng ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với xâm nhập mặn nên các vườn sầu riêng đạt năng suất và chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Cần các chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group - biến đổi khí hậu khiến hạn, mặn phức tạp, thời tiết thất thường khiến dịch hại ngày càng khó dự đoán; biên độ nhiệt thay đổi làm cho khả năng thích nghi của các loài cây trồng bị ảnh hưởng; ô nhiễm môi trường làm giảm đi diện tích đất canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, nông nghiệp là ngành chịu sự tác động lớn của thị trường, sản phẩm chủ yếu được xuất bán dưới dạng tươi. 

Do vậy, cần có các chính sách bình ổn giá đối với vật tư đầu vào, có chính sách hỗ trợ đầu ra, hỗ trợ công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm để kéo dài thời gian sử dụng, tránh các đợt khủng hoảng giá. Đồng thời, nên có chính sách hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm có thêm các mô hình canh tác mới thích ứng tốt với hạn, mặn; có chính sách nâng hạn mức giao đất hoặc quy hoạch các vùng trồng tập trung, các nông trường để sản xuất với quy mô lớn, đồng bộ…

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư vào nông nghiệp xanh 

Theo bà Nguyễn Thị Hằng - Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề - nông nghiệp xanh là xu hướng đang được quan tâm. Ngoài việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng quan tâm các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự án mời gọi đầu tư, chính sách ưu đãi đặc biệt và có tính dài hạn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư làm nông nghiệp xanh, gắn mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp với mục tiêu bảo vệ môi trường và hệ sinh thái bền vững. 

N. Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI