Các tỉnh muốn TPHCM mở rộng chương trình bình ổn thị trường

24/10/2022 - 06:24

PNO - Đại diện sở Công thương nhiều tỉnh, thành mong muốn doanh nghiệp của các địa phương này cũng được tham gia chương trình bình ổn thị trường của TPHCM.

Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An - cho biết, sản phẩm, hàng hóa từ Long An chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp (DN) TPHCM, đặc biệt là hàng chế biến. Do đó, ngành Công thương TPHCM nên xem xét mở rộng cho các DN ở các tỉnh, thành tham gia chương trình bình ổn thị trường. Nguồn hàng từ chương trình này được phân phối về các tỉnh để người dân có cơ hội mua sản phẩm có chất lượng, giá tốt. Hiện tỉnh Long An có 25-30 chuỗi nông sản an toàn có thể tham gia vào chương trình liên kết bình ổn thị trường. 

Người tiêu dùng mua hàng ở siêu thị Co.op Mart Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp - ẢNH: N.C
Người tiêu dùng mua hàng ở siêu thị Co.op Mart Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp - ẢNH: N.C

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp - cho hay, tỉnh này có nhiều DN cung cấp hàng hóa cho chương trình bình ổn thị trường của TPHCM. Do đó, việc liên kết có thể tạo ra sự ổn định cho thị trường. Thời gian qua, giá cả vật tư đầu vào của lĩnh vực nông nghiệp tăng cao, nhưng các DN trong tỉnh vẫn đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường TPHCM với giá ổn định. Ông mong có một chương trình liên kết, hỗ trợ mạnh hơn cho DN tỉnh Đồng Tháp và TPHCM.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng đề nghị ngành Công thương TPHCM sớm triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh giữa TPHCM và các tỉnh, nhằm liên kết vùng trong xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng phục vụ thị trường TPHCM và cung ứng hàng hóa lại cho các tỉnh.

Ở góc độ nhà phân phối, đại diện MM Mega Market nêu thực tế: Có một số DN tham gia chương trình bình ổn thị trường bằng những mặt hàng không phổ biến, không phải là mặt hàng chủ lực của mình nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho người tiêu dùng, chưa phát huy được giá trị dẫn dắt, định hướng thị trường. Do đó cần tối đa hóa hoặc có một danh mục các sản phẩm thiết yếu tham gia bình ổn thị trường trên cơ sở chọn lọc, tính toán nhu cầu thị trường. 

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (VFA) - cũng kiến nghị, các sở, ngành cần hỗ trợ việc kết nối để DN của tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng - từ nguyên liệu, sản xuất đến chế biến, vận chuyển, phân phối - cùng tham gia. Các DN sẽ thống nhất cắt giảm một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với toàn chuỗi, từ đó nâng cao hiệu quả của chương trình bình ổn thị trường. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI