Chỉ biết chôn hoặc chất rác thành núi
Đứng ở Tỉnh lộ 7, cách nhà máy xử lý rác Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mấy trăm mét, chúng tôi vẫn bị mùi hôi xộc vào mũi. Nơi đây tồn đọng khoảng 4.000 tấn rác chưa qua xử lý do nhà máy đã “đắp chiếu”.
|
Thu gom rác thải trên đầm nước mặn Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: Thanh Vạn |
Nhà máy xử lý rác Thủy Phương của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa hoạt động từ năm 2005, xử lý 200 tấn rác/ngày nhưng bị quá tải, lượng rác dồn ứ. Sau nhiều năm hoạt động cầm chừng, năm 2022, nhà máy này chính thức dừng hoạt động, nhường vai trò xử lý rác trong tỉnh cho Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO). Tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa có nhà máy xử lý rác hữu cơ nên HEPCO vẫn xử lý loại rác này như rác vô cơ, tức là đốt hoặc chôn lấp.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh khoảng 500 tấn rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại, trong đó riêng TP Huế chiếm 200 tấn. Toàn tỉnh có 7 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh và chỉ có duy nhất nhà máy Phú Sơn đốt rác phát điện. Nhà máy này có công suất thiết kế 600 tấn/ngày nhưng mới vận hành thử nghiệm từ đầu tháng 12/2023 nên chỉ tiếp nhận, xử lý 200 tấn/ngày.
|
Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hiện còn khoảng 4.000 tấn rác chưa xử lý - Ảnh: Thuận Hóa |
Mỗi ngày, toàn TP Đà Nẵng thải ra khoảng 1.150 tấn rác sinh hoạt và 250-300 tấn rác khác. Khu xử lý rác thải duy nhất của TP Đà Nẵng là bãi rác Khánh Sơn, đi vào hoạt động từ năm 1992. Theo thiết kế, bãi rác này có diện tích 13,83ha, có 5 hộc để chôn lấp chất thải rắn. Do quá tải rác, ngành môi trường TP Đà Nẵng phải chi hàng trăm tỉ đồng để nâng cấp các hộc rác và xây dựng thêm hộc rác số 6 rồi số 7. Nhiều năm liền, bãi rác này là điểm nóng về ô nhiễm.
TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) thải ra 100 tấn rác/ngày. Trước đây, rác thải được đưa về bãi rác Cẩm Hà (diện tích 1,3ha) để chôn lấp nhưng từ năm 2017, bãi rác này quá tải. Bãi rác Cẩm Hà chỉ có bức tường gạch bao xung quanh, lại cách khu dân cư chỉ hơn 500m nên không đạt chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh bãi rác Cẩm Hà, chính quyền TP Hội An đã cho xây nhà máy xử lý rác với công suất thiết kế 55 tấn/ngày nhưng thực tế, chỉ xử lý được 20 tấn/ngày. Do quá tải rác nên nhiều năm nay, ngành môi trường TP Hội An phải vận chuyển rác về khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành).
Không xây được nhà máy hoặc xây rồi bỏ xó
Từ năm 2020, HĐND TP Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác thải rắn với công suất 1.000 tấn/ngày đêm theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn hơn 823 tỉ đồng. Tháng 11/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ ba cho nhà máy đốt rác phát điện Khánh Sơn, công suất 650 tấn/ngày đêm của Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam. Nhà máy này được đưa vào vận hành từ năm 2015 nhưng được 6 tháng thì đóng cửa cho đến nay do công nghệ đốt lạc hậu và nhiều nguyên nhân khác. Như vậy, 2 nhà máy xử lý rác với tổng công suất 1.650 tấn/ngày đêm vẫn đang nằm… trên giấy.
|
Do nạn vứt rác bừa bãi, TP Huế ngập tràn rác sau mỗi đợt lũ. Ảnh chụp tháng 11/2023 - Ảnh: Thuận Hóa |
Để xử lý tình trạng quá tải rác ở TP Hội An, từ năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác Cẩm Hà, công suất xử lý khoảng 120 tấn rác thải rắn/ngày đêm, dự kiến hoàn thành ngày 30/6/2023. Nhưng đến nay, việc thi công khá ì ạch và chưa thể xác định ngày hoàn thành. Ngoài dự án trên, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải rắn, như khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam, khu xử lý rác thải Tam Xuân 2.
Việc xử lý rác thải ở tỉnh Nghệ An cũng rất gian nan. Khu xử lý rác ở huyện Quỳ Hợp rộng 6,6ha, được đầu tư xây dựng từ năm 2021 với kinh phí 48 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động do đây là tài sản công, không thể đưa tư nhân vận hành. Trong khi đó, dự án xây nhà máy xử lý chất thải rắn T-Tech ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2018, với quy mô 10ha nhưng đến nay vẫn chưa nhúc nhích do chủ đầu tư không có năng lực triển khai.
Theo ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An - hầu hết nhà máy xử lý rác thải ở các địa phương được xây dựng bằng tiền ngân sách của huyện nhưng do nguồn vốn eo hẹp nên phải xin dừng dự án. Trong khi đó, giá xử lý rác quá thấp nên không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Không dễ thu phí theo lượng rác thải ra TP Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân theo điều 79 Luật Bảo vệ môi trường với đề án “Thu phí rác thải theo lượng phát sinh” tại phường Cẩm Nam. Đề án đã trải qua giai đoạn thử nghiệm (từ tháng 4 - 7/2023) và thí điểm (từ tháng 7/2023 đến nay). Ban đầu, ngành môi trường TP Hội An chọn 450 hộ trên trục đường Nguyễn Tri Phương phân loại tại nguồn thành 3 nhóm: chất thải thực phẩm (lưu chứa vào túi màu trắng trong, chữ xanh); chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng (tự thu gom, xử lý tại nhà) và chất thải rắn sinh hoạt khác (lưu chứa vào túi màu trắng trong, chữ đen). Đơn giá túi được tính bằng chi phí sản xuất túi cộng với chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo thể tích túi. Do chỉ thí điểm ở phường Cẩm Nam nên số lượng túi ít giá in và sản xuất túi cao. Với mức phát thải hiện nay, theo cách tính trên, trung bình mỗi hộ trả từ 20.000-70.000 đồng/tháng. Bà Huỳnh Phạm Thùy Lan - Phó chủ tịch UBND phường Cẩm Nam - cho biết: “Sau 3 tháng mở rộng diện thí điểm (từ tháng 9 - 11/2023), đã có 1.300 trên tổng số 1.571 hộ đồng ý nhận và sử dụng túi nhưng chỉ 50% số hộ dùng túi được cấp phát để chứa rác. UBND phường vẫn chưa thể định giá túi theo thực tế sau khi tính đúng, tính đủ phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải”. Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hội An, nếu tính đúng, tính đủ các chi phí thì giá túi sẽ rất cao. Do đó, phòng này sẽ đẩy mạnh truyền thông, xây dựng bộ dữ liệu về lượng rác tiết giảm, tỉ lệ thu hồi rác tái chế, sự thay đổi hành vi của người dân... sau đó mới xây dựng kế hoạch triển khai đề án ở một số phường khác. Lê Đình Dũng |
Nhóm phóng viên